Vay nóng Tima

Truyện:Thục Sơn Thiếu Niên - Chương 72

Thục Sơn Thiếu Niên
Trọn bộ 87 chương
Chương 72: Âm mưu và cắt đứt (1)
0.00
(0 votes)


Chương (1-87)

Siêu sale Shopee


Sáng hôm sau, bốn người như thể đã thỏa thuận, gặp nhau là tránh đi, coi như không biết. Trong cung mời đoàn kịch và đoàn ca vũ về, dựng một đài cao, Đường Mật cùng Bạch Chỉ Vi đến từng nơi, tìm xem Trương Úy và Hoàn Lan có ở đó không. Dù biết không có nhưng nó vẫn bất an, điệu múa đẹp thế nào cũng không để tâm, tiếng ca ngọt ngào cũng như dao cắt vào tai, không ngồi được lâu là lại kéo Bạch Chỉ Vi sang chỗ khác.

Bạch Chỉ Vi cũng không yên lòng, bị Đường Mật kéo đi lung tung một lúc, lòng càng nóng nảy, liền giật tay áo nó: "Chúng ta kiếm chỗ nào ngồi nghỉ."

Cả hai vào một gian điện vắng người, lò lửa trong điện còn chưa tắt, giường vẫn vương hơi ấm, tựa hồ mới có người rời đi. Cánh cửa điện dày dặn vừa khép lại, ồn ào bên ngoài bị cách tuyệt, hai cô nhìn nhau ngồi lên giường.

"Chỉ Vi, đang phiền não gì hả?" Đường Mật lên tiếng trước.

"Không rõ, nếu nói rõ được thì không phiền não nữa." Bạch Chỉ Vi đáp: "Ta thấy bộ dạng của đầu to là lại phiền lòng, hận không thể cho y một gậy vào đầu, dù ta biết lúc đó nên giúp y trút bỏ nỗi lòng mới đúng. Còn ngươi, sao rồi?"

Đường Mật nói: "Ta hi vọng tất cả đều ở cạnh mình bạn bè, nhưng tối qua mới phát hiện không thể."

"Vì sao?"

"Vì sẽ có người muốn được nhiều hơn."

"Phải làm sao?"

Đường Mật thở dài, vùi mặt vào tay áo: "Không biết, nhưng tối qua ta xử lý không tốt. Ừ, mất hết tiêu chuẩn."

Giờ y hồi tưởng lại vẫn không hiểu nên làm thế nào mới đúng. Lúc đó nó đáp nhẹ tênh: "Đa tạ bất quá ta không đẹp như Linh Lung phu nhân." Rồi đi thêm mấy bước, giả bộ hào hứng xem hoa đăng, đoạn cùng Hoàn Lan giải đố xem mỹ nữ, không để y có thêm cơ hội mở miệng.

"Có người đến." Bạch Chỉ Vi nhảy bật lên, kéo Đường Mật vào sau màn.

Cửa điện kèn kẹt mở ra, một nội thị thò đầu vào, thấy không có ai mới vào hẳn, đi đi lại lại trong điện, liên tục nhìn ra ngoài như đang đợi ai.

Chừng một tuần trà sau, một nữ tử ăn vận theo lối cung nữ đi vào, nội thị bước tới hỏi: "Có dặn dò gì không?"

Cung nữ đưa một cái vòng trắng nhỏ xíu, hạ giọng: "Nhớ rõ hình dáng chưa?"

"Cô nương yên tâm."

"Được rồi, không hiểu hôm nay y có đến không, phu nhân đã dặn công tử nhà ta đến."

"Mong cô nương báo lại với phu nhân, chỉ cần y đến, tiểu nhân nhất định không thất thủ."

Đợi khi trong điện chỉ còn lại Đường Mật và Bạch Chỉ Vi, Bạch Chỉ Vi hỏi: "Tựa hồ là âm mưu gì đó ở hậu cung, chúng ta có nhúng vào không?"

"Tất nhiên mặc kệ, ai biết trong đó có những ân oán gì?" Đường Mật đáp: "Vũng nước đục giữa một toán nữ nhân và một nam nhân, chúng ta không nên nhúng vào."

Cả hai rời khỏi gian điện, mặt trời đã lên quá đỉnh đầu, bụng cũng đói rồi, bèn đi đến chỗ yến tịch. Yến tịch dành cho tân khách được bày theo thân phận mỗi người, hai cô đến tất sẽ gặp Hoàn Lan và Trương Úy, tránh cũng không được. Đường Mật đang không hiểu phải xử lý thế nào, thì một bóng người màu lam ung dung lướt tới, cười bảo nó: "Tại hạ về rồi."

Đường Mật xưa nay chưa từng thấy ai mà vui thế, lòng thầm hoan hô: Đại cứu tinh đến rồi, chỉ hận không thể lên ôm y, ngoài mặt nó vẫn cố giữ nụ cười khắc chế: "Tốt quá, Mộ Dung Phỉ, ngươi đến đúng bữa."

Đường Mật cho rằng hôm đó Mộ Dung Phỉ tuyệt đối đóng vai trò Chúa cứu thế. Nó không biết y có nhận ra bầu không khí thay đổi không, nhưng y vẫn cười nói, kể lại tình hình trên đường, bình phẩm mọi thứ, khiến tình cảnh vốn có thể trở nên khó xử tiêu tan vô hình. Dần dần, khi tất cả bình thường lại như trước, y mới tìm thời cơ thích hợp, kể lại kết quả điều tra.

Y cân nhắc dùng từ, nói với Đường Mật: "Ta điều tra một vòng ở nước Triệu, như lời Trương Úy về Sử Thụy thì thân thế của y không vấn đề gì, y và hành vi của người nhà cũng hợp lý. Chỉ có điều xa phu bỏ đi nửa chừng đó đã chết, ngay ngày các ngươi rời huyện An Hưng, chết trên đường về nhà, quan phủ cho rằng gặp cướp phỉ. Bất quá, việc này có vấn đề, con đường đó chưa từng có cướp phỉ, hà huống, phỉ đạo đời nào cướp một cái xe không, chỉ có xa phu. Ta đã hỏi người nhà xa phu đó, họ không biết hôm đó y quay về, cũng không viết thư gọi y về. Nên khẳng định rằng xa phu bảo gia đình có việc là gạt các vị. Việc này, để hợp lý, chỉ có một cách giải thích."

Y nói đến đây, nhìn chúng nhân, nói với vẻ khẳng định: "Xa phu nhất định bị diệt khẩu rồi."

Đường Mật nghe được nửa đã đoán ra, nên không kinh ngạc tí nào: "Còn tình hình ở thôn đầu cầu thì sao?"

"Điều tra rồi, căn phòng các ngươi ở hôm đó và cả thôn đều bị đốt rụi, ngươi ở thôn trấn cạnh đó đều không biết xảy ra việc gì, vì nơi ấy từ lâu không có người ở." Mộ Dung Phỉ nói đoạn, phát giác thần tình mọi người đều trầm xuống, biết rằng không cần giải thích gì, quay sang hỏi Đường Mật: "Thủ pháp này khiến người ta nghĩ tới Ma cung."

Đường Mật gật đầu: "Đúng, người Ma cung chắc là vẫn biết hành tung của ta, bằng không chẳng vài lần đến bắt. Hơn nữa, di phụ của Bạch Chỉ Vi xuất hiện ở thôn đó vì truy theo ký hiệu liên lạc của người Ma cung. Chỉ là nếu thật sự do người Ma cung gây ra thì bỏ qua mọi việc, tại sao kẻ chủ mưu hiểu được việc lúc nhỏ của Mục điện giám như thế? Nên biết, hình vẽ trên giấy, thậm chí lúc đồ thôn cố ý hạ thủ nặng tay với con chó đều để lại manh mối khiến ta hoài nghi Mục điện giám. Nhưng hiểu được những thứ đó thì tất phải là người biết rõ huynh đệ Mục điện giám, đúng không?"

"Chưa biết chừng là nội ngoại câu kết." Bạch Chỉ Vi nói.

Đường Mật đột nhiên nghĩ đến cách dùng từ của Mộ Dung Phỉ, nhắc đến Sử Thụy thì nói "y và hành vi của người nhà cũng hợp lý". Nó biết Mộ Dung Phỉ cẩn thận, không bao giờ ước đoán hoặc nói lung tung, hiển nhiên câu này có thâm ý khác, bèn hỏi: "Hành vi của Sử Thụy và người nhà sao lại hợp lý, ý ngươi là còn phương thức khác giải thích hành vi của họ?"

Mộ Dung Phỉ nhìn nó, cảm giác giữa hai người có thể hiểu nhau không cần nói ra, niềm vi diệu này chỉ mình nó nhận ra, y bèn nói: "Đúng, hàng xóm cho biết, người nhà Sử Thụy từng tiêu pha rộng, hàng xóm hỏi thì bảo tiền do Sử Thụy cho, nhưng chỉ được vài ngày là trở lại như cũ, hàng xóm hỏi tiếp thì được đáp rằng nhi tử để lại không nhiều tiền lắm, còn phải để lại cho y cưới vợ, không thể tiêu pha bừa bãi. Việc như thế Sử Thụy cũng từng làm, hàng xóm bảo y trêu tên ngốc sống sát vách rằng tiền sinh ra tiền, cho tên ngốc đó mười đồng, nhưng sau đó tên ngốc tìm y thì y bảo tiền không sinh ra được nữa. Tại hạ nghi hoặc nên nhân lúc nhà y không có ai, lén vào tìm, phát hiện quả không có thứ gì đáng giá, là gia đình bình thường mà thôi. Nên đúng như Sử Thụy nói, chỉ là tiền thắng bạc thôi mà. Nhưng..."

Mộ Dung Phỉ hơi ngừng lời: "Nhưng nếu có người cho Sử Thụy một món tiền lớn thì việc này có thể giải thích như sau. Ban đầu họ thấy tiền thì hưng phấn quá nên mới tiêu nhiều, sau đó được cảnh cáo không được để ai chú ý nên mới thu liễm, ngay cả gia đình cũng không mua thêm vật gì. Còn một cách giải thích hợp lý là có người cho Sử Thụy một món tiền lớn nhưng ứng trước một phần, còn lại đợi khi y hoàn thành công việc mới trả, còn người nhà y đã nhận được rồi."

Đường Mật gật đầu lia lịa, nó để Mộ Dung Phỉ đi điều tra việc Sử Thụy vì chỉ y là người không dễ để cảm tình xen vào phán đoán, đồng thời lại chu toàn mọi sự, xem ra hiện giờ bản thân y cũng cho rằng Sử Thụy khó lòng trong sạch.

Trương Úy nhíu mày, nhưng thấy cả Bạch Chỉ Vi và Hoàn Lan đều tỏ vẻ đồng ý, Đường Mật và Mộ Dung Phỉ đều giỏi ăn nói, gã muốn biện giải cho Sử Thụy vài câu cũng không lấy đâu ra chứng cớ, đành nhẫn nại đợi xem sao.

Đường Mật nói: "Giờ cần đến nước Triệu một chuyến trước khi về Thục Sơn, một là cần hồn thú của Hoàn Lan lấy tin ở chỗ Ngạn Thượng, nghe nói nàng ta thường xuất hiện ở nước Triệu. Thứ hai, Ngụy vương nói năm xưa ba nước đánh vào vương cung nước Triệu chỉ đoạt tài bảo mỹ nữ, nhiều thư tín của Hoa Tuyền vẫn còn tùy tiện vứt trong cung, nhờ cơ duyên mà Ngụy vương đã đọc qua một ít, xem ra còn lại vẫn chưa bị hủy, chúng ta mà tìm được, chưa biết chừng sẽ lần ra manh mối vì sao hồn thú không tiêu vong. Còn nữa, nước Triệu là sào huyệt của Ma cung, ta đang nghĩ ra một kế sách, đến lúc thì chúng ta cứ theo thế hành sự, may ra tóm được kẻ chủ mưu."

Buổi trưa là lúc chơi mã cầu, năm nào Hoàn Lan cũng là chủ tướng, năm nay thấy Mộ Dung Phỉ, Bạch Chỉ Vi và Trương Úy vừa hay tổ thành một đội liền kéo họ đi cùng.

Bốn người đổi sang trang phục cưỡi ngựa màu trắng, dắt ngựa đến sát sân đấu, hai bên tụ tập không ít khán giả, chỉ riêng đài dành cho Ngụy vương và vương hậu là còn trống. Đường Mật đứng bên ngoài, trang phục đỏ rực của kiếm đồng nổi bật trong rừng áo hoa hòe của các cung nữ, lớn tiếng hô: "Các đồng chí cố lên."

Bốn đồng bạn cùng bật cười, Mộ Dung Phỉ bảo: "Cũng may người khác không hiểu, bằng không mất mặt lắm."

"Đường Mật nói gì vậy?" Sau lưng họ chợt vang lên giọng nói.

Bốn người ngoái nhìn, Tư Đồ Thận và ba thiếu niên khác dắt ngựa, cầm gậy đánh đứng đó, mỗi người đều mặt áo đen, chính là trang phục đối thủ của bọn Mộ Dung Phỉ.

Thấy Tư Đồ Thận, thần sắc Trương Úy ảm đạm hẳn, Bạch Chỉ Vi liếc gã, ghé sát tai: "Đầu to, vốn ta định dùng gậy gõ vào đầu ngươi nhưng giờ đổi ý."

Mộ Dung Phỉ không hiểu việc xảy ra đêm qua: "Chỉ là những từ trợ uy mà Đường Mật tự nghĩ ra. Ngươi cũng ở đây hả, xảo hợp quá."

Tư Đồ Thận có vẻ kiêu ngạo: "Đúng, ta đến thăm huynh trưởng, à, Quân Nam Phù cũng đến xem." Đoạn chỉ ra ngoài, quả nhiên thấy Quân Nam Phù đứng cách Đường Mật không xa, y phục màu trắng nổi bật hẳn lên.

Tỷ thí bắt đầu khá hấp dẫn, các thiếu niên đều là cao thủ, đội của Tư Đồ Thận hiển nhiên có tập luyện trước, phối hợp cực kỳ nhuần nhuyễn. Nhưng bốn người đội Hoàn Lan đều xuất sắc, đặc biệt là kỹ nghệ cưỡi ngựa của Trương Úy như được sinh ra trên yên ngựa, khiến chúng nhân khen ngợi mãi.

Rồi đội Hoàn Lan dẫn trước, đội Tư Đồ Thận bắt đầu cuống lên, mùi "thuốc súng" lan khắp toàn trường. Bạch Chỉ Vi nắm lấy cơ hội ngăn chặn Tư Đồ Thận, vung gậy đánh đập vào quả cầu da mà Tư Đồ Thận đang điều khiển, thật ra cô uốn cổ tay đập cho y một đòn. Tư Đồ Thận nổi giận, vung gậy trả đòn, Trương Úy đang lướt tới trông thấy, liền giật cương giơ gậy ngăn lại.

Bạch Chỉ Vi đoạt lấy quả cầu, chuyền cho Mộ Dung Phỉ. Tư Đồ Thận tưởng rằng hai người đối phương đã tính trước phương pháp hạ lưu này, càng thêm giận, lại tấn công Bạch Chỉ Vi. Cô quay đầu ngựa, sau lưng hoàn toàn lộ ra, không còn năng lực phòng bị, Trương Úy lại đến cứu, không ngờ Tư Đồ Thận đã liệu trước dã hành động thế nên thu gậy ở lưng chừng không. Trọng tâm của gã đã rướn tới quá nhiều, không kịp thu lại, ngã luôn xuống ngựa.

Khán đài hô lên kinh ngạc, cho rằng gã ngã xuống, ai ngờ lớp bụi tan đi, một chân gã vẫn móc lấy bàn đạp, treo lơ lửng trên yên. Gã uốn bụng thẳng người lại, định quay về yên ngựa, không ngờ con ngựa chợt nhảy lên không hí vang rồi đáp xuống đất, bắt đầu phát cuồng đá loạn xạ.

Cũng may Trương Úy chưa bò lên lưng ngựa, cách mặt đất rất gần, cộng thêm quả cầu được Bạch Chỉ Vi chuyền đi, chung quanh không bị thớt ngựa nào quấy nhiễu, gã nhắm chuẩn cơ hội lăn xuống đất, tránh khỏi thớt ngựa phát cuồng.

Đường Mật đứng ngoài cũng đầm đìa mồ hôi, biết nếu lúc đó mà có kỵ thủ khác ở gần thì Trương Úy tất đã bị giẫm nát. Nó định chạy đến thì thấy Quân Nam Phù đã chạy trước, lập tức kéo đối phương lại: "Đừng đến đó, nguy hiểm."

Quân Nam Phù hất tay, không ngờ bị giữ chặt, liền bảo: "Ta đến xem thử, lẽ nào ngươi không lo."

"Lo chứ, bất quá ngươi đến thì ta càng lo." Đường Mật đáp, thấy cung nhân và Bạch Chỉ Vi đưa Trương Úy đi, nó mới thở phào.

Không lâu sau Bạch Chỉ Vi thần sắc ngưng trọng đến trước mặt. Đường Mật tưởng Trương Úy xảy ra việc gì, hỏi: "Đầu to sao rồi?"

"Không sao, chỉ bị thương ngoài da." Bạch Chỉ Vi kéo nó đến chỗ không người, xòe tay cho nó xem.

Tay cô phủ một lớp dầu mỏng, Đường Mật không hiểu: "Tay ngươi có dầu, sao thế?"

"Ta phát hiện thứ này dưới yên ngựa của đầu to." Bạch Chỉ Vi nói: "Hiện giờ là mùa đông, nếu dùng dầu mỡ đông lại bọc lấy độc châm rồi nhét xuống yên ngựa, khi ngựa chạy nóng lên, dầu mỡ tan ra, độc châm sẽ cắm vào lưng ngực. Đường Mật, ngươi còn nhớ trưa qua chúng ta thấy nội thị đó không, ta gặp hắn ở chuồng ngựa, hóa ra chuyên môn trông nom nơi đó."

Đường Mật hít sâu một hơi khí lạnh: "Xem ra chúng ta phải đến nước Triệu rồi."

Bạch giang chảy xiết từ tây sang đông xuyên qua vùng đất này, bờ nam con sông là nước Triệu.

Toán Đường Mật dừng chân ở bên đò bờ bắc, thấy một con thuyền chở khác từ từ trôi đến, đầu thuyền có một thiếu niên áo lam, thân hình cao ráo, chính là Lý Lý ăn vận nam trang.

Không đợi thuyền đỗ hẳn, Lý Lý đã điểm chân xuống lướt về phía bọn Đường Mật, cười hỏi: "Ta không đến muộn."

Đường Mật cũng vui vẻ: "Không đến muộn, kỳ thật ta không lo về ngươi, chỉ lo lắng về tốc độ đưa tin của Hành Trì."

Lý Lý móc Hành Trì vẫn ngủ say tít trong tay áo ra đưa cho Đường Mật: "Việc ngươi nhờ nghe ngóng, ta ghi cả trong này." Đoạn lại móc một mảnh lụa trắng đầy chữ đưa cho nó: "Nên nhớ ở nước Triệu không được tùy tiện nhắc đến Ma vương. Đấy là nhà của Ma vương, ở đấy chia thành hai phái, một cực kỳ sùng bái vì dưới thời nàng ta trị vì, nước Triệu có cương thổ rộng nhất, Hàm Đan là đô thành tối phồn hoa dưới gầm trời này, cũng là năm tháng vinh diệu nhất của người Triệu. Một phái cực kỳ ghét nàng ta, bởi ma tướng và ma binh thủ hạ của nàng ta giết người như ngóe, phong bế mọi tự miếu, sau cùng mới khiến ba nước liên quân, tạo thành cục diện hiện thời của nước Triệu."

Cục diện hiện này của nước Triệu thì chúng nhân đều biết sơ qua, tuy cương thổ nước Triệu đứng đầu bốn nước nhưng từ hơn trăm trước đã bị ba nước phân chia mất không ít thành bang. Đối với nước Triệu, mất lãnh thổ không gây tổn thương nguyên khí nhiều nhất mà sau khi Hoa Tuyền chết, quân vương được ba nước dựng lên cực kỳ yếu đuối, chính lệnh của vương quốc không được địa phương chấp hành, quân đội cũng không duy trì nổi trị an. Ban đầu, các đại địa chủ có thực lực để tự bảo vệ đầu thành lập bảo an đoàn riêng, những bảo an đoàn này mạnh dần, tiếp quản trị an từng nơi, còn các đại địa chủ biến thành quân phiệt một phương, trên danh nghĩa vẫn trung thành với Triệu vương nhưng thực ra có thể chế thu thuế và quản lý độc lập, gần như là một nước riêng trong vương quốc. Di phụ Lục Triệt của Bạch Chỉ Vi là một quân phiệt rất có thực lực.

Vì nguyên nhân này, đi lại trong nước Triệu khá phiền phức, từ thành trấn này sang thành trấn khác cần đổi thông điệp, cũng may Côn Bằng bang của ông ngoại Lý Lý là địa đầu xà ở Bạch giang, có cô đi cùng, chúng nhân đi lại dễ dàng trên sông, chuyển sang nhánh lớn nhất của Bạch giang là Hàm giang, mất ba ngày là đến được Hàm Đan.

Lý Lý chia tay bọn Đường Mật ở bến đò, lúc đi còn móc ra một khối thạch bài làm từ đá trứng ngỗng ở ven Bạch giang, điêu khắc một con cá một con chim, chính thị tiêu ký của Côn Bằng bang.

"Giữ cho kỹ, chỉ cần ở Bạch giang hoặc sông nhánh, đưa cho bất kỳ thuyền nhân nào đều được giúp đỡ. Các ngươi cẩn thận, gặp lại ở Thục Sơn." Lý Lý nói đoạn, vòng tay ôm quyền với các nam hài, nhảy lại thuyền, từ từ đi xa.

Hàm Đan thành tựa theo thế núi, phân thành ba phần, lão bách tính phổ thông đều cư trú trên đồng bằng dọc bờ Hàm giang, tường thành cũng không xây theo lối mở, dưới chân núi được tường thành xám xịt hợp lại, men theo sườn núi là vương thành, nơi ở của quý tộc và quan lại. Lưng chừng núi là tường đỏ rực vây lấy cung thành của quân vương. Cả nhóm đứng ở bến đò, loáng thoáng thấy được bức tường đỏ sậm, hòa cùng điện vũi rải rác phía trong, nóc điện thếp vàng, ánh lên màu vàng chanh rực rỡ dưới ánh nắng, phản chiếu vào màn sương chưa tan hết trong núi, tạo thành vầng ráng hoặc đậm hoặc nhạt, như nơi thiên thần cao cao tại thượng cư trú.

Đường Mật cảm thán: "Quả nhiên, phong thủy thành này không lợi cho quân vương."

Mộ Dung Phỉ lấy làm lạ: "Sao lại thế? Theo phong thủy, thành này giáp núi giáp sông, là địa thế thượng thừa, cộng thêm lưu vực Bạch giang tấp nập vận chuyển, dù là xưa hay nay đều cực kỳ giàu có. Nên biết, nếu không có thuế thu từ Hàm Đan thành, Triệu vương hiện nay khó lòng duy trì cục diện."

Đường Mật đáp: "Ta nói thế vì vương giả ở trên cao cùng mây, nếu mỗi ngày đều nhìn xuống đô thành của mình, dần dà sẽ dễ dàng quên mất mình chỉ là quân vương tục thế mà ngộ nhận mình trở thành thần phật vạn năng. Thân là quân vương mà nghĩ thế thì e rằng hỏng bét."

"Đúng, coi như là một loại ảo ảnh." Trương Úy tán đồng.

oOo

Ca vũ phường Bảo Hương lâu.

Cả toán nghỉ lại tại khách sạn gần chân núi nhất, đêm xuống liền theo lời Lý Lý chỉ dần đến một ca vũ phường mang tên Bảo Hương lâu. Đường Mật đưa thạch bài cho tạp dịch gác cửa, không lâu sau thì một người đàn bà dáng vẻ tinh nhanh ra đón. Người này biết nhìn người, thấy cả nhóm tuy ăn vận tầm thường nhưng đều khí độ bất phàm, liền mỉm cười: "Mời các vị quý khách, nô gia là Hoa nhị nương, Lý cô nương có dặn rồi, xin hãy theo nô gia."

Cả toán theo Hoa nhị nương đến hậu viện, vào một gian sương phòng, chỉ thấy trên ghế bày năm, sáu bộ trang phục nữ. Hoa nhị nương chỉ vào y phục: "Các vị thay đi, không hợp thì nô gia gọi người chuẩn bị."

Trương Úy ngẩn ra: "Nam tử cũng mặc hả?"

"Tất nhiên. Bên trong bức tường xám, vào đêm rồi chỉ có ca vũ cơ và người thu dọn đồ mới vào được, thiếu hiệp muốn giả là ca vũ cơ hay người dọn rác?" Hoa nhị nương hỏi.

Trương Úy cúi đấu lí nhí: "Dọn rác." Bất quá gã biết Đường Mật và Bạch Chỉ Vi thà bị kề kiếm vào cổ cũng không chịu đi dọn rác, đấy chỉ là ảo vọng của gã mà thôi.

Đường Mật và Bạch Chỉ Vi hưng phấn vô cùng, nhanh chóng lấy vũ y màu vàng và lam nhạt mặc vào, lúc xong xuôi thì thấy ba thiếu niên vẫn đang lúng túng với mớ vũ y đủ màu xanh đỏ, liền nhìn nhau cười ha hả, bất chấp ba gã phản đối, mặc cho mỗi người một bộ.

Hoàn Lan bị khoác lên tấm áo màu xanh đậm, Mộ Dung Phỉ bị mặc váy lụa màu thạch lựu. Đường Mật và Bạch Chỉ Vi vẫn còn hào hứng, lại hớn hở tô son trát phấn, cài thoa giắt lược, sau một phen tô lục chuốt hồng thì hai gã biến thành mỹ nữ đẹp hơn hoa nở, mặt mũi đỏ bừng đứng lóng ngóng một chỗ, nhìn cũng có phong vận yêu kiều riêng.

Đến lượt Trương Úy thì khó hơn, Đường Mật và Bạch Chỉ Vi trang điểm thế nào cũng không đạt. Vốn khung xương của gã thô, mặt mũi cứng cỏi, thân thể lại cao, tuy cục hầu chưa lộ rõ hẳn nhưng đã hiện rõ đường nét nam tử, giả trang thành vũ cơ mặc áo sa mỏng, nhìn thế nào cũng thấy quai quái.

Đường Mật vỗ trán, ra khỏi nhà ôm về một mớ y phục, ăn vận lạ cho Trương Úy, biến gã thành một nha hoàn. Lúc đó nó mới hài lòng gật đầu: "Đầu to, bộ này không tệ, ngươi tên Như Hoa, là nha hoàn ôm đàn cho ta." Đoạn chỉ vào hai 'mỹ nữ' một lục một hồng đang ngẩng đầu nhìn trời ở góc tường: "Hai ngươi tên Tiểu Thúy và Tiểu Hồng."

Trương Úy quen với việc tiếp nhận vận mệnh bi thảm rồi, nên ngoan ngoãn ôm hộp đàn lên. Hoàn Lan và Mộ Dung Phỉ dở khóc dở cười, Mộ Dung Phỉ hỏi: "Hai vị tên gì?"

"Ta tên Oanh nhi, đây là Yến nhi, thế nào, khả ái lắm hả?" Đường Mật đáp, nở nụ cười tinh ranh.

Xe của ca vũ phường thuận lời lọt vào vòng tường màu xám thứ nhất, dừng ở cửa ngách một tòa phủ đệ. Cả toán theo các vũ cơ khác vào đình viện, đợi một chốc trong gian sương phòng liền có gia nô trong phủ gọi đi. Chúng vũ cơ và nhạc sư theo gia nô vào sâu trong đình viện. Nhóm Đường Mật đi cuối, nhân lúc không ai để ý, lén tách khỏi.

Năm người đi qua hoa viên, chuẩn bị quay về gian sương phong thay đồ dạ hành thì chợt sau lưng vang lên giọng nam tử: "Các ngươi định đi đâu."

Đường Mật quay người lại nhìn, một nam tử ăn vận kiểu võ nhân dẫn năm sáu binh tốt đứng ngay sau lưng, nó vội dẫn chúng nhân hành lễ: "Nô gia là vũ cơ Bảo Hương lâu, đến múa hát chúc rượu các vị đại gia."

Nam tử đó tướng mạo anh vĩ, sắc mặt ngăm đen, ánh mắt hơi lờ đờ, cơ ngồ ngà ngà say, nhìn mấy thiếu nữ một lúc, tỏ vẻ kinh ngạc: "Các ngươi tên gì? Sao trước đây ta không gặp?"

"Thưa đại gia, nô gia tên Oanh nhi, đây là Yến nhi, Tiểu Thúy và Tiểu Hồng." Đường Mật đáp.

Nam tử thấy Tiểu Thúy và Tiểu Hồng đều cúi đầu xấu hổ, bất giác động lòng: "Các ngươi theo ta."

Cả toán được đưa đến một ngôi thủy tạ bày sẵn rượu nóng và thức ăn, nam tử đó ngồi lên ghế chỉ vào Hoàn Lan và Mộ Dung Phỉ: "Tiểu Thúy cùng Tiểu Hồng đến bồi rượu." Lại chỉ vào Đường Mật và Bạch Chỉ Vi: "Hai ngươi đánh đàn múa hát cho ta xem."

Đường Mật biết Hoàn Lan và Mộ Dung Phỉ mới vỡ giọng nhưng không thể giả thành giọng thiếu nữ được, liền bảo: "Đại gia, hai người này đều câm, nhưng múa rất đẹp, chi bằng để nô gia và Yến nhi bồi rượu đại gia, còn họ múa cho đại gia giải sầu."

Hoàn Lan và Mộ Dung Phỉ thấy Đường Mật và Bạch Chỉ Vi sắp bị ôm ấp thì cuống lên, không ngờ nam tử đó phất tay: "Cô nương này láu táu quá, đàn cho đại gia nghe, không được lên tiếng nữa, Yến nhi vào hát, Tiểu Thúy Tiểu Hồng hầu rượu."

Đường Mật vận kình chuẩn bị xuất thủ, nhưng thấy tòa thủy tạ trống trải, binh sĩ ngoài xa đều nhìn vào được, nên cả nhóm nhìn nhau, ngoan ngoãn tuân lời.

Đường Mật vốn không biết đánh đàn, cũng may trong năm đầu tiên ở Ngự Kiếm đường có học môn này, thành thử nó cũng biết đôi chút thô thiển, gắng gượng cũng đánh được một hai khúc. Bạch Chỉ Vi lại là cao thủ ngũ âm bất toàn, mở miệng tất nhiên sẽ lộ, Đường Mật nghĩ vậy liền vắt óc tìm đối sách.

Nam tử thấy Đường Mật khẽ so dây đàn, đàn một khúc cực kỳ bình thường Quan thư, thân là võ nhân như y tất nhiên rất quen, sau khúc dạo thì người hát sẽ ngân lên: "Quan quan thư cưu, tại hà chi châu, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu." Bèn giơ tay, nhìn Yến nhi đứng yêu kiều giữa thủy tạ, chuẩn bị khi cô hát lên là gõ phách hòa cùng.

Không ngờ cánh tay giơ lên rồi không hạ xuống được, Đường Mật đàn xong khúc dạo liền chuyển sang khúc khác. Y định hỏi thì Tiểu Hồng đã đưa chén rượu tới môi, y nhìn nụ cười của 'Tiểu Hồng', liền uống cạn, quay đầu định gõ phách thì tiếng đàn của Đường Mật lại chuyển sang khúc dạo thứ ba. Y giật mình, định hỏi tại sao, Hoàn Lan xuất thủ điểm vào thụy huyệt của y, Mộ Dung Phỉ cũng nhảy bổ vào theo tư thế ngả vào ngực, hất y ngã xuống.

Cả toán thở phào nhưng không dám bật cười, đợi thêm một chốc mới đứng dậy, lúc đi qua nhóm binh sĩ, Đường Mật còn cố tỏ ra quan tâm: "Vị đại gia đó say rồi, các vị nên đưa vào phòng, ngoài trời gió lạnh."

Đến khi năm người thay đồ dạ hành xong, ra khỏi phủ đệ, lướt nhanh trên nóc nhà nhấp nhô, mới buông tiếng cười vang. Di hại duy nhất là từ đó, Bạch Chỉ Vi và Đường Mật thích gọi Trương Úy, Hoàn Lan, Mộ Dung Phỉ là Như Hoa, Tiểu Thúy cùng Tiểu Hồng.

Theo Ngụy vương Hoàn Thương, lúc trẻ y làm sứ thần ở Triệu vương cung, nhàn rỗi vô liêu nên vô tình lọt vào lầu gác chứa sách của Hoa Tuyền, giờ chỉ nhớ được là trong ngôi điện vắng vẻ trên núi.

Năm đứa căn cứ vào manh mối duy nhất đó, cố gắng tìm mọi nơi vắng vẻ, mới nhận ra rất nhiều điện đường trống trơn, lâu năm chưa được tu sửa, sơn bong loang lổ, cỏ dại mọc đầy, mạng nhện giăng tứ phía, đâu còn khí phái hoa lệ đường hoàng như xưa.

Đường Mật càng đi càng nghi hoặc, hình như cảnh tượng này từng thấy ở đâu, chỉ là trong ký ức không đến nỗi hoang tàn thế này. Nó hồi tưởng lại, chợt sáng bừng lên trong lòng, là cung điện từng thấy trong ảo ảnh.

Cung điện này cũng như mê cung.

Trương Úy cũng nhận ra cảnh tượng rất quen, Bạch Chỉ Vi khẽ nói: "Ai thấy địa phương quỷ quái này chưa? Vốn là mê cung mà."

Trương Úy lập tức nhớ ra trong ảo ảnh của Đường Mật, gã từng thấy một nơi như thế này, cũng đình đài lầu các tương tự.

Gã đến bên Đường Mật khẽ nói: "Đường Mật, lần trước tại Đào hoa chướng, ngươi sa vào một nơi giống hệt thế này."

Đường Mật thoáng nghĩ rồi hỏi: "Sao ngươi biết, chẳng phải Cố tông chủ vào ư?"

"Ta cũng vào nhưng không đưa ngươi ra được." Trương Úy ngượng ngùng: "Lúc đó ngươi khóc ghê lắm, nói là xin tha thứ gì đó..."

Đường Mật kêu "A" một tiếng, những người khác đều quay nhìn. Nó vội xua tay: "Không, không sao, ta thấy một con mèo luồn qua."

Đoạn Trương Úy thấy nó buông ra một câu không đầu không đuôi: "Đầu to, đa tạ ngươi."

Gã nghi hoặc ngoái lại nhìn nó, gương mặt bình thường vẫn cười ranh mãnh giờ đượm nụ cười dịu dàng. Nụ cười đó như làn sóng khẽ gợn lên trong mặt ao yên tĩnh, không hiểu sao khiến lòng gã cảm động, nhớ lại những lời nói với nó trong ảo ảnh, nói khẽ: "Ta nói thật mà."

"Ta hiểu, đa tạ ngươi."

Tối đó, cả nhóm không nhớ đã tìm qua bao nhiêu gian phòng, sau cùng ở một gian lầu không người, tìm thấy thứ cần tìm.

Gian tiểu lâu hai tầng đó không lớn, qua lớp bụi bày cũng mạng nhện cằng chịt thì thấy tựa hồ lâu lắm không ai ghé qua, cầu thang dẫn lên tầng hai xiêu vẹo chực sụp đổ, đặt chân lên phát ra tiếng kẽo kẹt. Thấy một nơi tàn tạ thế nào trong vương cung khiến các thiếu niên từng được chứng kiến khí phái ở Ngụy quốc vương cung cảm thán không ngớt.

Đến tầng hai, mỗi người phát ra một dải ảo hỏa trên đầu ngón tay, cả gian phòng lấp lánh màu sắc. Trước mặt họ là thư các cùng vô số sách và thư từ chất đống dưới đất, tuy chưa từng đọc nhưng đều cảm giác được là di vật của Hoa Tuyền.

Khác với văn thư kiểu tấu chương, đây đều là thư do chính Hoa Tuyền viết. Cả nhóm liếc qua, thảo luận vài câu, không thể biết được năm xưa khi Triệu vương cung bị cướp, ai đã cứu số sách vở chuyển đến nơi này. Tất nhiên người đó rất vội vàng, mọi thứ đều xếp chất đống, nhiều cuốn vẫn vương dấu bị thiêu, may mà chất giấy và lụa đều chế tác cẩn thận, trừ phần bị thiêu ra, tuy qua trăm năm mà vẫn còn tốt.

Lúc đầu năm đứa chỉ lật qua qua, muốn nhanh chóng tìm ra manh mối hữu dụng nhưng dần dần, qua những di vật cổ xưa, các thiếu niên hình dung ra được đôi nét về nữ vương hắc ám trong truyền thuyết, bất giác dần nhập mê.

Thư tín đa phần người khác viết cho Hoa Tuyền nên không rõ nàng ta viết gì cho họ, nhưng căn cứ vào nội dung thư tín cũng đoán được phần nào Hoa Tuyền viết những gì. Vì vậy sự kiện này ngày càng thú vị, cả nhóm vừa đọc vừa đoán xem năm xưa xảy ra chuyện gì, như thể giải câu đố, dần dần lật ra từng mảng quá khứ được giấu kín.

Cả nhóm chú ý đến quan chức ghi trên lạc khoản thư tín ở những năm đầu, phần lớn là quan viên tướng lĩnh chức vị thấp, ngôn từ họ viết tương đối kịch liệt, đả phá chế độ thừa tập quan tước và thuế khóa bất hợp lý. Xem ra lời lẽ của họ được Hoa Tuyền cổ vũ nên thư từ viết về sao không hề có ý thu liễm.

"Truyền thống của Đại Chu được bốn nước thừa tập, chỉ khi không còn nam tử kế thừa thuộc vương gia trực hệ thì mới đến lượt nữ tử kế thừa vương vị. Nhưng thực tế mỗi lần xảy ra chuyện này, cục diện đều phức tạp. Hoa Tuyền lên ngôi năm mười sáu tuổi, kết quả của triều thần đấu tranh với nhau, còn nàng ta khi đủ lông đủ cánh cũng muốn thoát khỏi cái ách của quyền thần, tất phải tập hợp những thần tử trẻ tuổi làm lực lượng cho mình." Mộ Dung Phỉ bình luận.

Quả nhiên, cùng với thời gian, quan chức được ghi vào tăng dần, đi cùng là những sự kiện lịch sử thường được hậu nhân nhắc tới như phong đất, hạn chế thế tập, thay đổi thuế.

"Thật ra chế độ thuế và thế tập không quá ba đời hiện nay ở bốn nước là mô phỏng theo thời Hoa Tuyền, nhưng ngươi cũng thấy bây giờ mọi thứ loạn hết lên." Hoàn Lan cầm một phong thư đưa cho mấy đồng bạn.

Những bức thư này hiển nhiên là do Hoa Tuyền tự viết, trực tiếp điểm lại ngôn từ và hành vi của những người phản đối chế định mới. Lúc đó Hoa Tuyền có lẽ đã nắm vững quyền hành, hơn mười người bị nàng ta điểm danh đều đã bị "đuổi đi" hoặc 'diệt tộc.'

Đường Mật thấy hai chữ 'diệt tộc', mí mắt giật giật: "Đấy là dấu hiệu của máu chảy thành sông."

"Nhưng cũng mười năm sau, nước Triệu trở thành quốc gia mạnh nhất." Bạch Chỉ Vi nói. Trời sáng dần, chúng nhân nhận ra mới đọc được một phần nhỏ, đành tạm rời đi, đợi trời tối lại đến tiếp.


Đấu Thần Tuyệt Thế

Chương (1-87)