← Ch.093 | Ch.095 → |
Đây nói chuyện Đường Minh Hoàng, từ sau khi mời được Trương Quả đại tiên làm quốc sư. Lúc đầu, nhà vua thành tâm thỉnh giáo về Huyền môn đại đạo, về sau đam mê tửu sắc, ngay cả việc quốc gia đại sự cũng không buồn hỏi tới, làm gì còn có lòng tu tiên, liễu đạo nữa! Nhân thấy Trương tiên có nhiều thần kỳ thánh tích, những khi cao hứng, nhà vua mới vời người tiên tới để làm trò ảo thuật mua vui.
Có một lần, Minh Hoàng thấy Trương tiên cưỡi một con lừa rất mạnh mẽ, tỏ ý ham thích. Trương tiên mỗi khi ra khỏi nhà, liền ngồi xoay lưng lại mà cưỡi lừa, một kiểu cưỡi lừa rất kỳ dị, cứ để như vậy mà cưỡi nhong nhong vào cung, lại cho lừa chạy một vòng quanh ngự hoa viên để rong chơi. Trương tiên vốn là người có lòng trung hiếu, đối với thiên tử luôn luôn giữ lòng tôn kính, thiên tử đã ra lệnh, tự nhiên là ông chẳng dám làm trái bao giờ. Nhận được chiếu vời gọi vào vườn hoa, ông cưỡi con lừa chạy một vòng, không thay đổi cách ngồi. Con lừa đó cũng kỳ lạ, chẳng cần chủ nhân phải xoay đầu về đằng trước để chỉ dẫn, nó đã biết ý ông, lúc nhanh lúc chậm, đi đúng đường, không bao giờ lầm lẫn. Chạy một vòng, được thiên tử vời vào cung ban yến, Trương tiên liền buộc con lừa ở trong hoa viên. Nhà vua lại ra lệnh đem lương thực tới cho nó ăn, Trương tiên vội từ chối, nói:
- Con lừa của hạ thần không biết ăn lương thực, tối đa chỉ ban cho nó một chén nước là đủ.
Thiên tử chuẩn tấu, sai nội thị dắt con lừa đi cho uống nước, một mặt sai bầy yến tiệc để đãi Trương tiên.
Nói chuyện một hồi, thiên tử mượn cớ rời bàn tiệc, bảo quần thần ở lại bồi tiếp Trương tiên, còn ngài lén lút đi xem con lừa.
Nội thị bẩm tấu rằng con lừa đã uống hết một chén nước lạnh, không chịu uống nữa. Thiên tử liền truyền lệnh ban rượu uống. Nội thị liền khiêng tới một vò rượu thật lớn, cho con lừa uống. Con lừa vừa uống một ngụm, liền cảm thấy vị lạ, không chịu uống tiếp.
Thiên tử nổi giận, phán:
- Nó không uống rượu, lôi đi chém đầu.
Con lừa nghe lời dụ, không đợi nội thị cưỡng ép đổ rượu, liền ngửng đầu lên, đưa hai chân trước nâng đỡ vò rượu, cho rượu chảy xuống ào ào, ngửa cổ uống cạn vò rượu, lập tức quì xuống, đưa cao hai chân trước, hướng về phía thiên tử, làm ra vẻ vái lạy tạ ơn.
Thiên tử rất hài lòng, vừa tính lên tiếng khen thưởng vài câu, không dè tửu tính phát tác, con lừa mềm nhũn ra, ngả mình xuống đất, nằm nghiêng qua một bên, không nhúc nhích. Nội thị hò hét, nó cũng không trở dậy, đá một phát, nó cũng không nhúc nhích.
Lại nghe có tiếng bình bịch, như thể đá vào một cái khung bằng giấy. Thiên tử thấy lạ quá, đích thân tiến lại, đá liền hai phát, phát ra hai tiếng liên tiếp, dường như đá phải con lừa hàng mã, dùng nan tre kết lại thành một cái khung, dán giấy ra ngoài.
Thiên tử vừa ngạc nhiên, vừa buồn cười. Nhìn kỹ con lừa, thấy nó trắng dã hai mắt, hơi thở dứt hẳn. Thì ra số thọ của con lừa đến hôm đó là chấm dứt. Thiên tử lúc đó quính quáng, vội hỏi:
- Các ngươi xem thử, có cách nào cứu được nó không? Nếu không cứu nổi, mau đem đi chôn. Chừng nào lão đạo tra xét, thì nói con lừa chạy trốn mất rồi. Không được nói rõ sự thật ra, kẻo ông ta coi chúng ta là một lũ con nít, ham vui đùa.
Nói chưa dứt lời, một nội thị đã đưa tay nâng con lừa lên, liền kinh hãi kêu lên:
- Đúng là một con lừa giả, một con lừa bằng giấy.
Thiên tử ngạc nhiên, nhìn kỹ lại, quả là một con lừa hàng mã, không sai chút nào, bất giác cười ha hả, nói:
- Lão đạo này thật tình có ý đùa cợt, đem một con lừa hàng mã để lừa gạt người ta. Nếu không đổ hết một vò rượu, làm sao phát hiện ra chuyện này? Các người hãy khiêng con lừa lên, đi theo ta, tới hỏi lão đạo cho rõ.
Thiên từ đi trước, đám nội thị theo sau khiêng con lừa hàng mã, tới thẳng chỗ Trương tiên đang ngồi Thiên tử lên tiếng:
- Lão đạo này quả là ưa lừa gạt người, dám dùng một con lừa hàng mã, cưỡi nhong nhong vào cung của trẫm.
Trương tiên vội phủ phục, tâu:
- Con lừa hạ thần cưỡi quả thật là con lừa giấy, chỉ nhờ thần dùng chút kỹ năng, biến nó thành con lừa thật thôi. Vừa rồi bệ hạ đổ rượu cho nó uống say, chân tướng mới bại lộ. Thì cũng như thứ cọp giấy mà người đời thường nói tới, nhìn xa cứ tưởng là thật, nhất thời cũng có thể lừa gạt người đời, nhưng nhất quyết không thể duy trì lâu dài. Vì thế, việc trong thiên hạ chỉ có chân thật là đáng quí, giả trang đáng kể làm gì?
Thiên tử nghe vậy, gật đầu đồng ý, nói:
- Khanh quả có tài châm biếm. Xin hỏi cọp giấy có thể khiến cho cử động được không?
- Tất cả đều phải nhờ cậy vào một chút đạo pháp. Cọp cũng như lừa, có gì phân biệt?
Thiên tử liền truyền lệnh lấy nan tre và giấy, định chế thành một con cọp, để Trương tiên làm thí nghiệm. Trương tiên liền bẩm tấu.
- Bất tất phải chế thành con cọp hàng mã. Thần có thể lấy một tờ giấy trắng, niệm chú ngữ, lập tức tạo ra con cọp.
Thiên tử hài lòng, lập tức truyền lệnh làm thử. Trương tiên cầm tờ giấy trong tay, vo tròn lại, niệm chú lâm râm, buông tay ra, hét lên một tiếng. Tức thì hiện ra một con mãnh hổ vằn vện, nhe răng múa vuốt, nhảy nhót dưới thềm. Thiên tử rất sợ con cọp nhảy lên, vội hỏi cọp này có cắn người được không? Trương tiên tâu rằng:
- Lừa giấy đã có thể đi lại trên đường, cọp giấy sao không thể cắn chết người?
Thiên tử hãi quá, vội nói:
- Khanh đạo pháp cao minh, thần thông quảng đại, thật đáng kính, đáng phục! Xin thu hồi cọp giấy lại, đừng để nó phát tác dã tính, giết lầm người ta.
- Có thần ở đây, sợ gì cọp giấy hành hung?
Trương tiên nói rồi, phất tay một cái, cọp giấy liền ngã lăn ra.
Trương tiên nói là sẽ biến đổi nó thành tờ giấy trở lại. Thiên tử và quần thần nhìn kỹ. thấy con cọp tuy đã chết, vẫn giữ hình dáng một con cọp. Riêng Diệp pháp sư nhìn thấy đó là một viên giấy vo tròn. Trương tiên cất tiếng cười vang, cúi nhặt viên giấy lên, mở ra, thành một tờ giấy hẳn hòi.
Lại một lần khác, thiên tử nghe Trương tiên tửu lượng rất khá, có ý muốn đổ rượu cho say, mới sai người bỏ thuốc vào trong rượu, ép Trương tiên uống cạn một bình. Trương tiên quì tâu:
- Thần tửu lượng rất kém, uống quá chén ắt có điều thất thố. Bệ hạ muốn ban rượu cho thần uống đến say, thì thần có một đồ đệ có thể nhờ nó uống thế. Nếu được bệ hạ chấp nhận, thần sẽ vời nó tới ngay.
Thiên tử hỏi đệ tử đó đang ở đâu, Trương tiên hướng lên trời vẫy tay một cái, tức thì nghe có tiếng nổ vang, tức thì một tiểu đạo sĩ tuấn tú từ một góc điện bay xuống, như thể chim sa. Thiên tử rất hài lòng, vời tới, hỏi vài câu. Đạo đồng đối đáp từ tốn, nghi biểu đàng hoàng, thiên tử rất ưa thích, liền truyền ban rượu. Đạo đồng uống một hơi hết mười bình, không có vẻ gì là say. Ban tiếp mười chén lớn, lại uống cạn sạch. Thiên tử mới nói:
- Hãy vào hậu cung, mang vò ngư tửu thật lớn ra đây, coi anh ta có uống hết hay không?
Trương tiên vội quì tâu:
- Không thể ban thêm rượu. Thêm rượu ắt say xỉn, say xỉn ắt mất nghi thức. Tiệc rượu này chẳng qua chỉ để giúp bệ hạ một cuộc vui cười nếu để mất nghi thức, ắt sinh ra càn dỡ, trái với ý vi thần muốn giải khuây cho bệ hạ.
Thiên tử không nghe, sai đi lấy liền. Đạo đồng bỗng ngã lăn ra đất. Trương tiên vội nói:
- Thằng nhỏ này chẳng biết phép tắc là gì, xin bệ hạ tha thứ.
Vừa nói, vừa lấy một chiếc khăn lớn, đậy lên mình đạo đồng.
Một lát sau, nội thị trở lại bẩm báo: vò ngự tửu biến đâu mất, không tìm ra tung tích. Thiên tử nổi giận, nói:
- Cung cấm là nơi trọng địa, lẽ nào có chuyện mất đồ vật?
Lập tức truyền lệnh tra xét. Trương tiên vội quì tâu:
- Xin bệ hạ bớt giận, vò rượu ở dưới khăn của tiểu thần.
Thiên tử kinh ngạc, truyền nội thị mở khăn lên coi. Nào ngờ chẳng thấy đạo đồng đâu, chỉ thấy một vò rượu đầy ắp bên dưới.
Trút rượu ra đong thử, thì thấy vừa đúng số rượu đạo đồng vừa uống, không thiếu một giọt. Thiên tử bất giác cười ầm lên.
Lại một lần khác, thiên tử nói với Cao lực sĩ 1:
- Trẫm nghe nói rượu cận 2 mà không biết đắng, chỉ có thần mới làm nổi.
- Bệ hạ cho Trương Quả uống thử xem sao.
Thiên tử liền sai lấy rượu cận ban cho Trương tiên. Trương tiên uống vào, bất giác say túy lúy, nói:
- Rượu gì mà có mùi lạ thế này?
Thiên tử thấy ông quá say, liền truyền kê một chiếc giường trong cung, kêu nội thị đỡ ông lên nằm ngủ. Hôm sau thức dậy, răng ông biến ra mầu đen kịt. Trương tiên cười cười, cầm cây như ý trong tay, chà qua một lượt, răng lại trắng bóc.
Lại một lần khác, theo thiên tử đi săn, bắt được một con nai rất lớn. Thiên tử ra lệnh đem nấu con nai, để nhắm rượu. Trương tiên nói:
- Đây là con nai tiên, thọ một ngàn tuổi. Ngày xưa, vào năm Nguyên Thú thứ năm, Hán Vũ đế lên rừng săn bắn, bắt được con nai này, đem thả ra. Không dè đến nay nó vẫn còn ở trên nhân gian.
Thiên tử hỏi:
- Có gì làm bằng chứng?
Vũ đế bắt được nai, đem phóng sinh, có lấy một tấm thẻ nhỏ bằng đồng, buộc vào sừng bên trái của nó.
Thiên tử sai xét nghiệm, quả thấy một tấm thẻ đồng, dài chừng hai tấc, chỉ có điều là chữ khắc trên đó đã mờ, không thể nhận rõ. Thiên tử lại truyền cho treo tấm thẻ thứ hai, lên sừng bên phải của con nai, rồi đem thả ra. Nhân đó, thiên tử tán thưởng tài bác học của Trương tiên.
Trương tiên ở trong triều hơn hai mươi năm. Thiên tử đối với ông chẳng qua chỉ để làm trò, mua vui, tìm cách giải trí tầm thường, còn chuyện quốc kế, dân an không thèm ngó ngàng. Vì thế, nhiều lần ông đòi đi. Nhưng thiên tử một mực cầm giữ, không chịu cho đi. Trương tiên vốn là người cẩn trọng nhất trong bát tiên, thấy thiên tử đối xử với mình có tình cảm, không dám cố chấp, đòi đi cho bằng được cũng không nỡ bỏ đi mà không cáo biệt. Bấy giờ, Lã tổ ở chung chỗ với ông, sớm chiều không rời xa, ông mới đem tình cảnh khó xử nói với Lã tổ. Từ hôm cùng Lã tổ tới chơi chốn lầu xanh trở về, Trương tiên không nêu chuyện về núi ra nữa. Nhưng Lã tổ đã vì sư thúc tính toán, nói rằng ông hãy còn tục duyên vài ngày nữa, tục duyên đã mãn, tự nhiên ông được toại ý còn được một đồ đệ tốt nữa. Trương tiên nghe vậy, cũng không quan tâm tới chuyện vị lai nữa. Ai ngờ thiên tử thấy ông nhiều lần hiển xuất điều linh dị, từ lâu rất muốn biết xuất thân của ông ra sao, đã ba bốn lần hỏi tới, nhưng Trương tiên vẫn không chịu nói thật. ông rất sợ nói rõ bản lai diện mục sẽ khiến người ta kinh hãi, và cũng có phần e thẹn về xuất thân dị loại của mình, không khỏi thiên hạ chê cười. Thiên tử không biết được sự thật, mới đem chuyện này hỏi Diệp Pháp Thiện. Lúc đầu Pháp Thiện không chịu nói, thiên tử mới nói khích ông ta:
- Ngươi bản thân làm pháp sư, chính ngươi lại tiến dẫn Trương Quả, tại sao ngươi không biết xuất thân của ông ấy? Đủ thấy người làm pháp sư cũng chỉ là hữu danh vô thực, tuyệt nhiên không có chút đạo hạnh nào.
Pháp Thiện bị nói khích, liền đỏ mặt, lại thêm nóng gấp, vội nói:
- Sao thần lại không biết rõ Trương quốc sư? Nhưng thần rất sợ quốc sư biết thần lẻo mép, bắt thần phải chết. Lúc đó, bệ hạ có thể vì thần năn nỉ quốc sư, xin ông đừng làm khó hạ thần, được không?
Thiên tử cười, nói:
Lời khanh nói ra, vào ngay tai trẫm, trẫm không nói cho ai biết, làm sao quốc sư biết được?
- Bệ hạ quá xem thưởng quốc sư rồi. Quốc sư là kim tiên, chúng ta có một câu nói, một hành vi, ông ấy biết liền, cần gì phải có người khác truyền tới tai? Khanh cứ mạnh dạn nói ra. Nếu quốc sư chống đối khanh, trẫm ắt can thiệp.
Pháp Thiện nghe vậy, liền đem chuyện Trương Quả nói ra, từ thủa khai thiên lập địa là con chuột già khổ công tu luyện, sau biến thành con dơi, tu đạo thành hình người, lại tu thành tiên đạo ra sao, nhất nhất kể lại. Thiên tử đang nghe, cảm thấy hứng thú, bổng nhiên Pháp Thiện kêu lên một tiếng, trào máu tươi ra đằng miệng, ngã lăn ra đất, kêu to lên:
- Quốc sư tha mạng! Quốc sư thứ lỗi!
Thiên tử kinh hãi thất sắc, vội lên tiếng năn nỉ, cầu xin giùm Pháp Thiện, lại sai nội thị nâng đỡ hai bên, để ông này hướng lên không trung mà dập đầu lạy. Lúc đó máu mới ngưng lại, Pháp Thiện thất thểu bước về nhà. Tuy máu ngừng chảy, nhưng toàn thân đau đớn. Bà vợ thấy vậy, mới khuyên chồng nên đi tìm Trương tiên, trần tình sự việc, tự nhận tội và xin vái người tiên làm thầy. Pháp Thiện hiểu ra, ôm bệnh tới cầu kiến Trương tiên, chiếu theo những lời vợ chỉ bảo, năn nỉ Trương tiên. Trương tiên thấy Pháp Thiện có thành ý, lại thông minh hơn người, từ khi nhận chức quốc sư đến giờ, khá siêng năng, thanh khiết, chưa từng có hành vi bất pháp, liền đem lòng thương yêu, thu nhận làm đệ tử.
Từ khi Pháp Thiện nói ra lai lịch Trương tiên, thiên tử e ngại, chỉ sợ Trương tiên không được hài lòng, nên mấy ngày liền không dám tuyên triệu ông. Lã tổ mới cười, nói với Trương tiên:
- Lời tiểu điệt ứng nghiệm rồi, sư thúc muốn ra đi, thì đây là cơ hội tốt nhất, sao sư thúc còn không nói tới chuyện ra đi?
- Ngày nào, giờ phút nào mà ta chẳng nghĩ tới chuyện ra đi? Chẳng qua chỉ vì thấy anh chưa giải quyết xong chuyện với Bạch Mẫu Đơn thôi. Hai nữa là về biện pháp để ra đi, ta cũng chưa có chủ ý.
Lã tổ liền cười, nói:
- Nói thực với sư thúc, việc thử thách Bạch Mẫu Đơn cháu đã làm xong, chỉ đợi ý sư thúc là lập tức lên đường, rời khỏi kinh thành.
- Sao mau chóng như thế? Chuyện đó anh giải quyết thế nào, nói rõ ta nghe, để ta góp ý cho.
- Việc này cũng không dễ dàng gì đâu. Hôm đó, tiểu điệt có nói cho sư thúc biết thân thế và lai lịch của Bạch Mẫu Đơn, thật đầy đủ. Sau đó, cháu trở lại nhà nàng, lúc đầu cũng chỉ nói những chuyện phong hoa, tuyết nguyệt, sau thấy nàng rất hứng khởi, cháu mới nói sơ qua về kiếp số, cũng không thể tùy tiện phô diễn nhiều lời. Đến tối, hai người lên giường nằm, nói chuyện vãn, nàng bỗng đề cập tới chuyện tuổi xanh qua mau, nhan sắc ngày một suy tàn, chốn lầu xanh chẳng phải nơi luyến tiếc, ở lâu. Nói đến đó, nàng buồn rầu, khóc tấm tức, cháu mới bàn tới chuyện thoát khỏi chốn lửa nồng, gá nghĩa cùng một trang thiếu niên công tử, giàu có mà chung tình. Nàng nghe qua, tỏ vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Cháu âm thầm theo dõi, quan tâm tới nàng. Nửa đêm, nàng bỗng thức dậy, đánh thức cháu, đòi bàn chuyện tiếp. Thì ra nàng cảm những lời cháu đã nói, bỗng chuyển nghĩ tới việc tu đạo. Vì cháu từng nói với nàng rằng cháu có quen biết với nhiều vị tiên nhân, nàng mới năn nỉ cháu nói cho biết ở địa phương nào có tiên nhân, để nàng đích thân đi tìm, cầu xin người tiên thu nhận làm đệ tử, tình nguyện vất bỏ hồng trần, vĩnh viễn gia nhập Huyền môn. Cháu thấy nàng sớm giác ngộ như thế, vừa kinh ngạc, vừa vui mừng, mới giảng giải vài câu cho nàng hiểu, lại đưa ra một chiếc gối nhỏ, bảo nàng kê đầu vào mà nằm ngủ một giấc, thật yên tĩnh. Trời chưa sáng rõ, nàng bỗng thức dậy khóc lóc, quì lạy ở đầu giường, miệng gọi sư phụ, xin cứu đệ tử thoát khỏi cảnh hồng trần. Nàng thuật lại những điều đã thấy trong mộng, hiểu kiếp người là gian nan, khốn khổ, cảnh phồn hoa, phú quí chẳng đáng luyến tiếc. Nàng còn xác nhận cháu là thần tiên, cầu xin cháu thoát độ cho nàng. Cháu thấy nàng thông minh, lại thương nàng thành tâm cầu khẩn, mới hứa thu nhận nàng làm đệ tử, lại đem lai lịch kiếp trước của nàng, nói rõ cho biết. Sau đó, cháu dùng phép đưa nàng ra khỏi chốn thanh lâu, giúp nàng một cơn gió, đưa tiễn tới Chung Nam sơn. Hiện nay, nàng đang ở Chung Nam sơn, không chút hối tiếc cuộc đời cũ thành tâm tinh tiến, không ngại gian khổ. Cháu đã bố trí xong xuôi, sau này sẽ tài bồi cho nàng một phen. Cháu ước tính cho nàng năm trăm năm nữa sẽ tu thành đại đạo.
Trương tiên nghe vậy, cười nói:
- Như vậy là anh đã quá tận tình với người rồi. Cô ta sớm giác ngộ, nhận anh làm sư phụ, sau này ắt thành tiên. Nhưng sao anh phải thừ thách cô tới ba lần như vậy?
Sư thúc bàn như vậy rất đúng. Nhưng một cô gái bình thường, may mắn gặp được chúng ta, chỉ cần một ý niệm sáng suốt, đã thành tiên liền, sao tránh khỏi cô ỷ y, không biết tới gian nan nguy hiểm, không hiểu thế nào là cay đắng.
- Anh không nghĩ tình cùng gối, cùng giường hay sao?
Lã tổ nghe vậy, cười ầm lên.
Hai người nói chuyện một hồi, Trương tiên lại bàn tới chuyện ra đi, Lã tổ mới ghé tai thì thầm, nói tiếp:
- Làm như vậy, không để lộ một vết tích nào.
Trương tiên vỗ tay, khen là diệu kế.
Ngày hôm sau, thiên tử rốt cuộc cũng nhớ ra Trương tiên đã ba ngày không vào triều, lòng rất thắc thỏm, chỉ sợ ông không vui, lại đòi về núi, mới sai bốn vị nội thị, mang theo ý chỉ, cùng nhiều trái cây thơm ngon, hiếm có, ban cho Trương tiên. Nào ngờ lúc đó Trương tiên đang mắc bệnh nguy kịch. Nội thị vừa tới cửa, gia nhân đã lên tiếng hỏi trước, và nói cho biết quốc sư đang mang bệnh nặng, không thể tiếp chỉ. Nội thị đành để trái cây lại mà về, bẩm tấu thiên tử. Thiên tử kinh hãi, vội hỏi Diệp pháp sư:
- Thần tiên cũng mắc bệnh nữa sao?
Bấy giờ Diệp Pháp Thiện đã làm đồ đệ của Trương tiên, sớm biết ý ông thầy, vội nói:
- Thần tiên cũng như người thường, mắc bệnh là chuyện tự nhiên.
Thiên tử vừa định phái thái y tới xem bệnh, bỗng nghe báo quốc sư đã mãn kiếp, qua đời. Thiên tử càng kinh hãi, liền cùng Diệp Pháp Thiện và nhiều người nữa, cùng ngồi xe loan kéo tới Tập hiền viện điếu tang. Vừa tới nơi, có các quan ở Tập hiền viện bước ra, xin hoàng thượng mau mau hồi loan, nói rằng:
- Quốc sư vừa chết, xác liền thối rữa, bốc mùi xú uế, e động tới thánh thể.
Thiên tử sinh ghi: "Người bình thường chết, xác cũng không thối rừa liền, huống chi quốc sư vốn là tiên thể, sao mau hư nát như thế?". Liền dặn dò Diệp pháp sư ở lại, lo việc tế lễ, nhân thể để ý coi xem quốc sư chết thật hay chết giả? Hoặc giả là giả bệnh rồi chết để lén lút trở về núi? Biết rõ sự tình, mau quay về bẩm tấu cho trầm biết. Nói rồi, lên xe trở về cung. Diệp Pháp Thiện vâng chỉ ở lại, cùng tất cả nhân viên ở Tập hiền viện, cùng các vị công khanh lo đám tang. Mọi người lo liệu việc liệm xác, nhập quan cho Trương tiên, như một người chết bình thường, sau đó khiêng áo quan ra khỏi cửa Tập hiền viện, đem đi chôn. Theo những người khiêng cửu, áo quan cũng nặng như một người bình thường. Thiên tử hay tin, tin rằng Trương tiên đã chết thật.
Mãi về sau, An Lộc Sơn làm loạn kinh thành, xe loan thiên tử bôn ba vào đất Thục, giữa đường bỗng thấy một vị thần tiên tư trên trời đáp xuống, hướng về phía thiên tử vái ba vái, chớp mắt biến mất. Người theo hầu trình lên thiên tử một phong thư. Mở ra coi trong đó thuật lại nhân quả việc loạn, từ trước tới sau, thật rõ ràng. Trong thư còn có lời khuyên thiên tử nên trở lại kinh thành, và chúc ngài trân trọng mình rồng. Kèm theo lá thư, còn có cây như ý được thiên từ ban cho năm xưa, trên đó có khắc tên họ. Lúc đó, thiên tử mới biết Trương Quả chưa chết, hôm nay gửi thư cho ngài. Về sau, ngài hồi loan, sai khai quật mộ, mở áo quan ra coi, thấy bên trong chỉ là một cây gậy tre.
← Ch. 093 | Ch. 095 → |