Ch.02 → |
Long Quyết
Những năm Đạo Quang thời nhà Thanh, dưới chân núi Thanh Nguyên ở Giang Tây có một phú hộ, gia chủ An Vị Thu là hương thân đức cao vọng trọng trong vùng. Con người An Vị Thu thích làm việc thiện, hay bố thí cháo tặng quần áo cho người cùng khổ, còn quyên tiền quyên sách cho thư viện Bạch Lộc Châu trong vùng suốt thời gian dài, dân chúng trong phương viên trăm dặm đều gọi ông ta là An đại thiện nhân.
Nhìn bề ngoài An Vị Thu là một phú nông nho nhã, vui nghiệp điền viên, song người ở quê không biết ông ta còn là một vị danh sư phong thủy. Gia cảnh ông giàu có sung túc, không tranh với đời, không cần phải dùng phong thủy mưu sinh, vì vậy rất ít khi hiển lộ ra ngoài. Người ngoài chỉ thấy An đại thiện nhân ưa xem sách phong thủy những lúc nhàn rỗi, thích đi du lịch khắp nơi, chứ chưa từng nắm được An Vị Thu hiểu biết về phong thủy đến mức nào. Bình thường khi nói chuyện, ông cũng bàn luận một chút về phong thủy, có lúc giúp người ta xem gia trạch, tìm chỗ đặt bia, nhưng chỉ nhận chút trà nước trứng gà, không bao giờ lấy tiền, chỉ mong dân làng được lợi, lối xóm bình an.
An Vị Thu sinh được hai người con trai, con trai cả An Thanh Nguyên sớm đã lên kinh làm quan, con trai thứ An Thanh Viễn chỉ mải mê buôn bán, hai con trai đều do vợ cả sinh ra; về sau ông lấy thêm một người thiếp, sinh được con gái út An Thanh Như. Cô con gái này mặc dù là con của tiểu thiếp, nhưng xinh xắn đáng yêu vô cùng, từ nhỏ An đại thiện nhân đã coi như hòn ngọc trên tay.
Có một lần con trưởng An Thanh Nguyên về nhà thăm người thân, con thứ Thanh Viễn chưa ra ngoài làm ăn, Tiểu Như còn đang ngồi trên đùi An Vị Thu, ông kể cho ba người con một câu chuyện. Trong cuộc biến loạn An Sử thời Đường[1], một đám quan viên nháo nhác chạy khỏi hoàng cung, trong đó có hai viên quan thuộc Tư Thiên giám chuyên quản việc thuật số, lần lượt là Dương Quân Tùng công và An Linh Đài công, bọn họ mang theo bí điển phong thủy trong cung chạy đến Giang Tây.
[1] Loạn An sử (chữ Hán: 安史之亂: An Sử chi loạn) là cuộc biến loạn xảy ra giữa thời nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc, kéo dài từ năm 755 đến năm 763, do họ An và họ Sử cầm đầu. Cả họ An và họ Sử đều xưng là Yên Đế trong thời gian nổi dậy.
Dương công muốn dân chúng trong thiên hạ có thể sống những ngày tháng tốt đẹp, nên đã trích lục biên soạn lại những phần có liên quan đến đời sống dân gian trong thuật Phong thủy Thiên tử, bắt đầu lưu truyền từ vùng Giang Tây. An công lại lặng lẽ ẩn mình trong dân gian ở Giang Tây, canh giữ bí điển tối hậu không thể truyền nhập dân gian Long Quyết; mà An Linh Đài công chính là tổ tiên của nhà họ An bọn họ.
Long Quyết không giống như phong thủy của Dương công. Phong thủy của Dương công dùng trong dân gian trăm họ, Long Quyết là để cho thiên tử sử dụng. Long Quyết động thì quốc vận động, quốc vận động thì sẽ động đến sinh tử của trăm vạn người, vì vậy Long Quyết không được truyền vào dân gian, dân gian cũng không có ai cần vận dụng đến thuật phong thủy cường mạnh tột bậc như thế. Vì vậy, nhà họ An chỉ đời đời bảo vệ Long Quyết, xưa nay chưa bao giờ phải nghĩ đến vấn đề sử dụng nó.
Long Quyết chia làm ba tập, lần lượt là "Tầm Long Quyết"; "Ngự Long Quyết"; "Trảm Long Quyết".
"Tầm Long Quyết" dạy phong thủy sư cách phát hiện ra những long mạch hình dạng thiên kỳ bách quái, hoặc ẩn hoặc hiện giữa mênh mông đất trời.
"Ngự Long Quyết" dạy phong thủy sư cách tu hành công lực của mình, khiến người đó có thể vận dụng long khí, đạt đến khả năng thay trời đổi đất.
Long khí tức là "sinh", muốn long khí chết đi thật khó càng thêm khó. Cho dù phá hoại được nhất thời, long khí cũng sẽ có ngày tái sinh."Trảm Long Quyết" dạy cho phong thủy sư cách cắt đứt long mạch, khiến long khí hoàn toàn bị tiêu diệt và không tái sinh được nũa.
An Vị Thu kể tới đây, thì không nói tiếp nữa. Anh cả An Thanh Nguyên khí chất nho nhã cung kính dâng trà lên cho cha; anh hai An Thanh Viễn gương mặt lúc nào cũng nở nụ cười tò mò đợi cha kể tiếp câu chuyện, chỉ có Tiểu Như mới bốn năm tuổi là trượt khỏi đùi cha, đòi kéo anh hai đi chơi. Mấy người con chỉ biết trong nhà mình truyền đời một số sách cũ vĩnh viễn không bao giờ dùng đến, cha muốn bọn họ bảo quản cho tốt, sau đó truyền cho đời sau, tiện thể kể lại câu chuyện này cho họ.
Thế nhưng, trong đêm trước cuộc đại biến xưa nay chưa từng có ở Trung Quốc, Long Quyết không thể nào bặt vô âm tín, bậc anh hùng chân chính đã được định sẵn sẽ sáng tạo nên lịch sử.
Mười lăm năm sau. Bầu không phía trên Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh mây đen mù mịt, sấm sét ì ùng. Hoàng đế Đạo Quang lòng đầy lo lắng đứng bên cạnh đàn Xã Tắc, chau mày nhìn hòn Giang Sơn thạch nhô cao, bên trên đầy những vết rạn nứt li ti. Quốc sư rảo chân bước lên quỳ lạy, hoàng đế Đạo Quang buột miệng hỏi: "Bản tấu của phủ Quốc sư ta đã xem qua rồi, thạch sư ở Nam môn gầm rống, đầu rồng ở Huyền Vũ môn bị gẫy đoạn, quả thực là điềm đại hung?"
"Từ điềm này suy đoán, long khí tụ ở phương Nam, nếu không kịp thời phá giải, chỉ sợ để lâu dài sẽ lay động đến căn cơ đất nước..."
Hoàng đế Đạo Quang nghe được trong giọng điệu của Quốc sư vẻ ngập ngừng muốn nói lại thôi, liền bảo: "Nói thẳng không có tội, nói đi."
Quốc sư quỳ dưới đất cúi đầu nói: "Quảng Đông vốn có chín long mạch Thiên Tử, vì vận trời sai khiến, long mạch chết rồi lại phục sinh, nếu có dân chúng nào ngẫu nhiên hạ táng vào, hoặc có thuật sĩ cố ý tìm lấy, sẽ tạo ra hậu nhân làm loạn thiên hạ."
"Vận trời sai khiến..." hoàng đế Đạo Quang trầm ngâm hồi lâu."Khanh nói là vận trời sai khiến?"
"Thần không dám. Các vị thánh quân thời Tần thời Hán đều công nhận có vận trời luân chuyển, vì vậy bậc minh quân đều cần chính yêu dân cầu cho trời phù hộ..."
Hoàng đế Đạo Quang khom người xuống, khẽ ngắt lời Quốc sư: "Ta mặc kệ vận trời hay không, giang sơn Đại Thanh không thể bại trong tay ta được, khanh phải nghĩ cách, quân thần một lòng cứu nước cứu dân."
Quốc sư vẫn cúi gằm đầu: "Ba năm trước thần trình lên tấu chương, sau khi được thánh thượng phê chuẩn trùng kiến lại phủ Quốc sư, đã hết lòng cẩn thận quét sạch danh sư phong thủy ở đất Lưỡng Quảng, phá sạch chín long mạch. Điềm triệu ngày hôm nay là vì long khí ở phương Nam sinh sôi không ngớt, sợ rằng lại có thuật sĩ phong thủy mới xuất hiên... nhưng vi thần ắt sẽ dốc hết sức toàn lực, bảo vệ giang sơn vạn đại của hoàng thượng."
Lúc này trên trời giáng xuống một đạo sấm sét, mặt đất chấn động. Hoàng đế Đạo Quang và Quốc sư không khỏi nhìn theo hướng sấm sét trông lên hòn Giang Sơn thạch, thấy bên trên Giang Sơn thạch tựa hồ lại có thêm một vết nứt. Hoàng đế Đạo Quang quay đầu lại nói với Quốc sư: "Với ấn tín này, quan viên văn võ đất Lưỡng Quảng đều do khanh điều động, nhất thiết phải trảm hết long mạch Thiên Tử."
Một hộp gấm được đặc vệ dâng lên cho hoàng đế Đạo Quang, rồi truyền đến tay Quốc sư.
Canh tư buổi sớm ở thành Quảng Châu tối om tĩnh mịch. Khi trời gần sáng cũng là lúc con người ta ngủ say nhất. Thằng mõ đã uống chút rượu, mắt mũi kèm nhèm mơ mơ hồ hồ, xách đèn lồng chậm rãi bước đi trên con phố vắng tanh vắng ngắt, hắn phải gõ mõ báo giờ, cũng phải đi tuần phố, kiểm tra củi lửa, tiếng guốc mộc chầm chậm nện xuống mặt đất "cộc... cộc... cộc".
Căn nhà lớn trong phường Giáp Công bỗng vọng ra tiếng đàn bà kêu thất thanh: "Á... Cứu mạng! Giết người rồi! Cứu mạng với..."
Đồng thời cũng vẳng ra tiếng gào rú của người đàn ông. Bà con lối xóm đều bị đánh thức, vội vàng khoác áo chạy tới xem xảy ra chuyện gì.
Từ trong nhà của Quách đại nhân, một người đàn bà máu me khắp người lao ra, chị ta xõa tóc, mặc bộ đồ mỏng, rõ ràng là quần áo mặc khi ngủ; tay kéo theo một đứa bé trai chừng bảy tám tuổi khắp người đầy máu, loạng choạng lao ra khỏi ngõ.
Người đàn bà vừa chạy vừa kêu gào cứu mạng, thằng bé không mặc áo, máu chảy không ngừng, phía dưới chỉ có chiếc quần ngắn tụt đến sắp rơi xuống đất. Cơ thể mềm nhũn của nó bị kéo đi, chân lê theo một vệt máu dài.
Lúc bà con lối phố mở cửa ra xem xảy ra chuyện gì, người đàn bà đã lao ra khỏi con ngõ phường Giáp Công, đụng phải thằng mõ vừa chạy tới. Thằng mõ đang cắm đầu cắm cổ chạy, không để ý có người từ góc rẽ xông ra, bị đầu người ta đụng trúng mũi, hai người cùng ngã bổ chửng, đứa bé con, dùi và chiêng đồng văng ra đất.
Thằng mõ ôm mũi, lớn tiếng hỏi: "Chuyện gì, xảy ra chuyện gì?"
Người đàn bà hoảng loạn như phát điên phát rồ, nói: "Giết người! Giết người..." Chị ta liên tục thét lên hai tiếng này, rồi lập tức bò dậy lại định chạy tháo thân.
Thằng mõ lúc này không còn lờ đờ nũa, mặc dù cái mũi bị đụng trúng một cú rõ mạnh, nước mắt nước mũi đều trào ra ngoài, nhưng hắn cũng chẳng còn tâm trí đâu mà ôm mũi nữa, lập tức ngậm chiếc còi đồng đeo trước ngực lên, ra sức thổi. Đây chính là tín hiệu mạnh nhất để gọi quan sai đến hiện trường.
Đồng thời, hai tay hắn dùng sức giữ chặt người đàn bà đang lên cơn điên này, vùng vẫy lăn lộn đến bên cạnh cây cột cổng chào của con ngõ, miệng hô hoán những người đang chạy đến cứu đứa trẻ.
Khi bà con xóm phố chạy đến vây lại bên dưới cổng chào định cứu đứa trẻ, mới phát hiện ra nó đã chết, trên ngực thằng bé hình như bị dao đâm, vết thương sâu hoắm vẫn không ngừng túa máu đỏ sậm.
Đứa trẻ mà người đàn bà kéo đi ban nãy chỉ là một cái xác không ngừng tuôn máu.
Thằng mõ gọi người đem dây thừng tới trói người đàn bà lại, rồi tìm mảnh vải nhét vào mồm chị ta. Bản thân hắn nhặt một chiếc cán chổi đang phơi trước cổng nhà bên đường để phòng thân, đoạn chạy ngay tới trước cửa nhà Quách đại nhân.
Nhà Quách đại nhân là một căn nhà lớn kiểu Tây Quan dành cho gia đình khá giả, bước vào cửa lớn còn có bức chiếu bích[1] và một giếng trời lớn, nhìn đã biết là nhà giàu có.
[1] Tường hoặc bình phong đặt trước cổng lớn trong kiến trúc nhà có sân vườn ở Trung Quốc. Theo quan niệm phong thủy, có tác dụng ngăn luồng khí xấu vào nhà, cản luồng khí tốt thoát ra.
Thằng mõ chầm chậm mò vào cửa lớn, thò đầu qua bức bình phong nhìn vào bên trong, chợt thấy một khuôn mặt đẫm máu xuất hiện ngay trước mặt mình.
Thằng mõ kinh hãi hét lên một tiếng, lảo đảo lùi ra ngoài, ngã lăn vào góc tường cạnh cửa, mắt trừng to đến độ không khép lại được, hai tay ra sức vặn cán chổi, tựa cửa thở hổn hển.
"Thì ra Quách đại nhân đó đã chết rồi, " Đặng Nghiêu làm bộ thần bí nói với Lục Kiều Kiều.
Lục Kiều Kiều hỏi: "Chết rồi thì làm sao còn chạm mặt với thằng mõ được nhỉ? Phải ngã lăn ra đất chứ?"
Đặng Nghiêu khoảng chừng ba mươi tuổi, thân hình ngũ đoản to khỏe rắn chắc, mặc trên mình bộ áo dài màu xám trông lại càng thấp lùn. Phố phường đều gọi y là Nghiêu ca, về sau gọi trại đi thành Yêu ca (Anh Út). Đặng Nghiêu là công sai trong nha môn, Lục Kiều Kiều là thầy bói chuyên môn xem cho các kỹ nữ chốn phong nguyệt. Lục Kiều Kiều tuổi còn trẻ đã mua cả căn nhà lớn này sống một mình, không lâu sau, nhà Đặng Nghiêu cũng vì công việc mà được điều phái tới đây, họ làm hàng xóm được hai năm rồi. Lục Kiều Kiều lúc có việc làm thì ra ngoài đi một vòng, không có việc thì rúc trong nhà, cuộc sống hết sức đơn điệu, vợ chồng Đặng Nghiêu thấy rất không ổn, lần nào cũng kêu cô qua nhà mình ăn cơm nói chuyện. Kết cấu căn nhà của Đặng Nghiêu na ná căn nhà của Lục Kiều Kiều, song có bốn người ở, đồ đạc, chum nước được dùng thường xuyên, so với nhà Lục Kiều Kiều, trông có vẻ sống động và vui vẻ hơn.
Đặng tẩu ngồi trên bậc cửa căn phòng nhỏ mé Đông, vừa phe phẩy chiếc quạt nan nghe chồng kể lại vụ kỳ án xảy ra ban sớm cho Lục Kiều Kiều, vừa trông chừng hai đứa con trong phòng. Vợ chồng Đặng Nghiêu có phúc sinh được hai mụn con, một trai một gái, con gái tầm năm sáu tuổi, con trai mới lên ba, đi vẫn còn chập chững.
Đặng Nghiêu nói: "Quách đại nhân đó tay cầm mã tấu, đâm chết thằng con mình trước, sau đó định giết vợ, bà vợ hãi hùng tỉnh dậy lôi đứa bé chạy đi. Ông ta không tìm được vợ, liền quay vào đâm chết hết đám người trông trẻ, nấu cơm, sau đó ra đại sảnh cầm mã tấu chém vào mặt mình, chém mười mấy nhát, càng đau càng muốn chém, cuối cùng kiệt sức, cho nên dựa vào bình phong chờ chết."
"Máu chảy lênh láng, ngấm cả xuống đất. Điên rồi, người trong nha môn đều bảo ông ta điên rồi." Đặng Nghiêu vừa châm trà cho Lục Kiều Kiều vừa lẩm bẩm.
Lục Kiều Kiều phẩy quạt liên tục, nghe kể một vụ kỳ án như vậy, tinh thần đương nhiên cũng căng thẳng: "Nha môn có khẳng định là Quách đại nhân tự sát không? Liệu có người nào hại ông ta không?"
Đặng Nghiêu nói: "Quách đại nhân này làm quan ở ty Diêm Khóa, đây là chỗ béo bở chuyên lo quản lý việc buôn muối, hốt được không ít bạc, lại còn là chính Bát phẩm, sống sung sống sướng, chẳng như đám bổ đầu chưa có phẩm trật gì chúng tôi, người chẳng ra người ma chẳng ra ma, loại quan như ông ta mà tự sát thì chẳng phải điên? Ngày thường loại người này ngoài việc thu ít tiền mãi lộ ra, cũng chẳng gây thù chuốc oán với ai, đám buôn muối ở Quảng Châu không giống bọn Mã bang phía trên, họ đều là người buôn bán đứng đắn, chẳng có ai vì mấy đồng tiền vặt ấy mà giết người. Vả lại, cái mã tấu chém toác cả lưỡi hãy còn trong tay, bà vợ làm chứng, vụ này không giả được đâu."
Lục Kiều Kiều nói: "Ối trời đúng là sợ chết đi được, chuyện này nghìn lần vạn lần chớ để tôi đụng phải, xúi quẩy, xúi quẩy lắm."
Đặng Nghiêu áp mặt lại sát mặt Lục Kiều Kiều, thần bí nói: "Cô là Thần toán trên thuyền hoa, thử bói xem có phải phong thủy nhà bọn họ không tốt hay chăng."
"Ha ha ha..." Lục Kiều Kiều giơ cái quạt tròn che miệng cười kiểu cách."Tôi làm gì biết xem phong thủy chứ, kể cả cái trò xem bói kia cũng là ngón nghề mồm mép thôi, Yêu ca, huynh đã biết rõ chuyện trên giang hồ rồi, đừng lấy tôi ra làm trò cười nữa."
Đặng Nghiêu lắc lư cái đầu nói: "Biết xem bói không biết xem phong thủy? Vớ vẩn. Nhà cô ở cạnh Vạn Hoa quán, bên đó tối nào cũng có người hứng tình nổi điên, nếu phong thủy không tốt thì cũng xảy ra chuyện như nhà Quách đại nhân kia, nói không chừng còn chặt tay chặt chân người ta rồi ném vào giếng trời nhà cô cũng nên... ha ha ha..." Nói xong liền phá lên cười.
Lục Kiều Kiều giả vờ hét lên một cách khoa trương, một tay đặt lên ngực, tay kia cầm chiếc quạt tròn vỗ vào đầu Đặng Nghiêu: "Khiếp! Sợ hết hồn. Đại tẩu trông chừng cái miệng ông chồng chị đi này!"
Đặng tẩu cũng cười nói: "Lão Yêu, ông đừng dọa đàn bà con gái nữa, mấy chục tuổi rồi mà vẫn vậy."
Mọi người nói cười hết sức vui vẻ.
*****
Ngày hôm sau, Lục Kiều Kiều theo hẹn ra ngoài xem bói, đến bên bờ sông Châu Giang tú lệ mà hùng vĩ. Thuyền buôn đến từ khắp nơi trên thế giới qua lại trên sông như mắc cửi. Trong đầm Bạch Nga có hàng trăm chiếc thuyền hoa đang đậu. Thuyền hoa là loại thuyền lớn hai tầng đóng bằng gỗ, mỗi tầng có thể bày được mười mấy bàn ăn lớn. Thuyền hoa tượng trưng cho sự phù hoa của Quảng Châu. Tối tối, trên thuyền hoa giai nhân như mây, quan lớn thương gia đều chẳng tiếc tiêu sạch tiền vàng, lưu luyến chốn ấm êm. Thuyền hoa đậu bên bờ, lớp tầng san sát, thuyền nọ chạm thuyền kia, nối liền như mê trận.
Lục Kiều Kiều nhảy lên những tấm ván cầu chằng chịt, len lỏi đi giữa các boong thuyền vẻ thông thạo. Lục Kiều Kiều người cũng như tên, trang phục trên người bao giờ cũng màu xanh lục, đi trên những con thuyền lớn lòe loẹt sắc màu, rất ăn nhập với hoàn cảnh, song cũng lại khiến người ta hoa mắt.
Lục Kiều Kiều bước đến boong trước của một thuyền hoa, đằng trước con thuyền có một cổng chào hình bán nguyệt, bên trên có tấm biển màu đen chạm hình mây cuộn đề hai chữ "Thiên Đức" màu vàng, Thiên Đức chính là tên của thuyền hoa này.
Thiên Đức đậu ở vòng ngoài cùng của mê trận, cách bờ xa nhất, nhưng lại gần khu giữa sông nhất. Xét từ vị trí đỗ thuyền thì phong cảnh nơi đây đẹp nhất. Đứng trên thuyền có thể thấy bầu trời rộng lớn nhất trên mặt sông Quảng Châu, đây là nơi tụ hội của ba con sông, song dòng nước lại hiền hòa êm ả, giữa đầm Bạch Nga có một cỗ thuyền buôn rất lớn, thoạt nhìn là biết con thuyền này đã trải qua vô số sóng gió từ Tây Dương đến đây.
Lục Kiều Kiều cầm chiếc quạt tròn nho nhỏ, che ánh nắng chiếu xiên, ngẩng đầu nhìn lên tầng hai chiếc thuyền hoa gọi người.
"Lan tỉ! Lan tỉ có đó không? Kiều Kiều tới rồi..."
"Đây, ở đây này..." Một giọng đàn bà trung niên ân cần đáp lại Lục Kiều Kiều.
Thuyền hoa vào buổi chiều là bình lặng nhất, khách chơi cả đêm, kẻ say thì say, người ngủ thì ngủ, nhưng cứ tờ mờ sáng là đều bỏ đi. Các cô nương trên thuyền bị khách vầy vò cả đêm, ban ngày phải ngủ cho tử tế, chuẩn bị nghênh đón một đêm ồn ào vô độ tiếp theo. Chỉ có nhà bếp chuẩn bị đồ ăn cho buổi tối, các bà lao công thu dọn tàn cuộc, chủ thuyền kiểm kê tiền thu hoạch đêm qua, ngẫm nghĩ xem có trò gì mới để bày ra cho khách.
Lan tỉ là chủ thuyền Thiên Đức, mọi việc trên thuyền đều do bà ta một tay thu vén. Lan tỉ từ trên tầng hai bước xuống, nở nụ cười rạng rỡ như đón chào khách làng chơi.
"Kiều Kiều đến rồi đấy à, dào ôi, vất vả quá, bắt cô phải đích thân đến một phen."
Vừa nói, bà ta vừa tới bên Lục Kiều Kiều, cầm lấy tay cô, hồ hởi thân thiết như gặp lại chị em ruột đã cách xa nhiều năm.
Lục Kiều Kiều cũng không hề kém cạnh, hai tay bắt chặt lấy tay Lan tỉ nói: "Lan tỉ thật là xinh đẹp, đôi mắt này cứ như biết nói vậy, làm Kiều Kiều trông mà xốn xang cả cõi lòng."
"Đâu có, làm sao so được với Kiều Kiều trẻ trung xinh xắn, nhỏ nhắn yêu kiều nhưng đằng trước đằng sau đâu ra đấy, tối đến cô mà lên thuyền chúng tôi ngồi một lúc, lại chẳng làm các công tử chen chúc đến chìm cả Thiên Đức nhà tôi ấy chứ." Lan tỉ buông ra một câu đùa ở chốn phong nguyệt.
Lục Kiều Kiều cúi đầu, lấy quạt che miệng cười, tỏ vẻ hơi ngượng ngùng.
Lan tỉ miệng nói không ngớt, người cũng chẳng chịu ngồi yên, lập tức đưa Lục Kiều Kiều lên tầng hai, ngồi xuống bên cái bàn cạnh cửa sổ. Lục Kiều Kiều chọn một chỗ ngồi ngược sáng. Bà làm công pha trà ngon. Gió nồm mùa hạ khe khẽ thổi qua, hương trà nhanh chóng tràn ngập cả thuyền hoa. Lục Kiều Kiều buông quạt xuống, nâng ly trà, khẽ thổi hơi nóng, nhấp một ngụm, in dấu môi hồng trên vành chén.
"Trà Long Tỉnh ngon thật, đa tạ Lan tỉ!"
Lan tỉ nói: "Trà này là một khách buôn vải ở Chiết Giang tặng, tôi đây cũng rất thích."
Lục Kiều Kiều nói: "Lan tỉ độ này làm ăn khá ghê, tiền bạc lụa là chẳng phải lo."
Lan tỉ cười khoái trá: "Đúng rồi, tháng trước vừa mời được mấy cô chơi tỳ bà, đàn ca cũng khá, quý hơn nữa là nhảy múa rất đẹp, trong đó có một tiểu cô nương tên Ỷ Thúy, nhảy múa trên trà kỷ đặt chậu cây cảnh, đôi chân nhỏ phối hợp với váy sa tím dài, đúng là cực kỳ mê ly.
"Vậy là Lan tỉ muốn hỏi chuyện đàn ông rồi?" Lục Kiều Kiều hỏi.
Lan tỉ cười híp mí, chớp mắt nói: "Khà khà, Lục Kiều Kiều danh bất hư truyền, quả nhiên thần cơ diệu toán."
"Đâu có, chuyện vặt thôi mà!" Lục Kiều Kiều khiêm tốn nói.
Lan tỉ nói tiếp: "Có một vị khách rất phóng khoáng, cả tháng nay rất năng lại đây, gọi cô nương nào cũng không thích, lại cứ thích cùng bà già này uống rượu."
Lục Kiều Kiều nói: "Vị khách này chừng năm mươi phải không?"
"Đúng rồi, việc gì cô cũng đoán được hết. Có lẽ tuổi tác chúng tôi tầm tầm như nhau, nói chuyện cũng rất hợp, chuyện trò mãi, liền nhắc tới chuyện lập gia đình, làm tôi sợ giật cả mình. Thú thực, ấn tượng của tôi về y rất tốt, song đã mấy chục tuổi đầu rồi, xuất thân cũng chẳng tốt đẹp gì, phải đắn đo nhiều việc."
"Với lại Lan tỉ sợ gặp phải tên cáo già, lừa tình lừa tiền phải không?"
"Thì thế nên mới nhờ Kiều Kiều cô nương tới tính hộ, xem xem việc này thực hư thế nào."
Lan tỉ nói dứt liền uống một ngụm trà, chờ xem phản ứng của Lục Kiều Kiều.
Lục Kiều Kiều nói: "Vậy thì người tặng trà này chính là vị khách đó rồi?"
Lan tỉ cười vẻ hạnh phúc, thừa nhận việc này.
"Đã vậy xin Lan tỉ cho biết bát tự!"
"Sinh vào giờ Hợi, ngày mồng Chín tháng Mười một năm Gia Khánh thứ mười một."
"Đại tỉ sinh vào giờ Hợi tháng Mười một à? Vậy thì chị năm nay tròn bốn mươi tuổi, từ nhỏ đến lớn đã phải bôn ba nhiều nơi, hẳn không phải là người Quảng Đông?" Lục Kiều Kiều buột miệng đoán ngay.
Lan tỉ bất giác đáp một câu "Đúng rồi!", ánh mắt hiện lên vẻ kinh ngạc.
Lục Kiều Kiều sắc mặt bình thản, tập trung tinh thần, hai tay cùng lúc bấm độn nhẩm tính. Khuôn mặt nhọn bợt bạt của cô trông lạnh như băng trong bóng nước lóa mắt về chiều.
Tiếng đáp của Lan tỉ vừa dứt, Lục Kiều Kiều liền ngẩng đầu lên, trên môi lại nở một nụ cười quyến rũ.
"Lan tỉ nói tiếng Quảng rất tốt, song quê gốc lại ở Tây Bắc, trong nhà còn có người già con trẻ, một phụ nữ mà có thể cáng đáng một gia đình như vậy, thật chẳng dễ dàng." Lan tỉ nghe xong, nét mặt liền đờ đẫn cả ra. Lục Kiều Kiều trông thấy vậy, đột ngột hỏi: "Chồng chị hai mươi năm trước đã bị què, không rõ bị thương ở chân trái hay chân phải?"
Đôi mắt của Lan tỉ mở to hơn lúc nào hết, thẽ thọt nói với Lục Kiều Kiều: "Bị thương ở chân trái, chữa mãi không khỏi... tôi chưa kể chuyện nhà với ai bao giờ... cô nương quả đúng là thần tiên..." Lan tỉ không cười nổi nữa, ngoảnh mặt nhìn ra phía con sông bên ngoài cửa sổ.
Sau khi đã hết ngại ngùng lúng túng, Lan tỉ mở lời trước, "Tôi cũng biết nhà đã có đàn ông, tiền gửi về cũng chẳng thiếu, hằng năm đều gửi hai đợt tiền về dưới quê. Nhưng hàng bao năm rồi, tôi làm gì ở bên ngoài đều không thể nói cho người nhà biết, cũng không thể về nhà... ôi..." Lan tỉ thở dài, rồi ngừng lại, cúi đầu khẽ nói nốt câu sau: "Còn đâu mặt mũi để về chứ..."
Lục Kiều Kiều nắm lấy tay Lan tỉ đặt lên bàn, vừa vỗ về vừa nói: "Nhà ở quê được chị gửi tiền về, nuôi lớn mấy đứa trẻ đã là phúc phận của họ rồi. Con cái không có duyên ở bên chị, ấy là số phận của chúng. Chị đã làm đủ rồi, giờ nghĩ cho mình cũng là việc thiên kinh địa nghĩa thôi."
Lan tỉ ở chốn phong nguyệt đã lâu năm, không còn là người giàu tình cảm nữa. Vẫn có câu "gái điếm vô tình, nhà trò bất nghĩa", đàn bà có tình sẽ chẳng thể sinh tồn ở chốn hoan lạc này. Song nghe Lục Kiều Kiều nói, khóe mắt chị ta lại ẩm ướt, đôi bàn tay bắt chặt lấy tay Lục Kiều Kiều. Lục Kiều Kiều thì không cảm động, bởi ngày nào mà cô chẳng gặp mấy chuyện này, bảo là chai sạn cũng được, bảo là quen rồi cũng được, cô chỉ biết trên đời này, người xấu số nhiều hơn người tốt số, nhưng tiền của người tốt số thì dễ kiếm hơn. Những lời an ủi kia chỉ là sáo ngữ, sáo nhưng mà ra tiền.
Lục Kiều Kiều thấy tình cảm đã chín muồi, liền lắc tay Lan tỉ nói: "Lan tỉ, ngày thường xem tôi chỉ thu một lạng bạc, hôm nay xem cho chị, tôi thu năm lạng."
Lan tỉ vừa nghe thấy giá cả tăng vọt, vội định thần lại, bản năng của bà chủ thuyền hoa lại lộ ra: "Ô hay, sao tôi lại có máu mặt đến thế cơ à? Nhưng Kiều Kiều cô nương có thể cho biết lý do thu thêm không?"
Lục Kiều Kiều nói: "Lan tỉ, đây là tôi báo hỷ cho tỉ đấy! Từ tháng sau, chuyện làm ăn của chị còn lớn hơn nữa, đến mùa thu thì kiếm được gấp đôi bây giờ, chị là bà chủ lớn, tôi thu ít đâm ra lại mất mặt ấy chứ!"
Lan tỉ nghe nói vậy, liền cười híp mắt lại như sợi chỉ: "Đúng rồi đúng rồi, đây cũng chính là việc tôi vốn dĩ muốn hỏi. Tôi đã bàn với thuyền hoa màu xanh lam ở kế bên, họ đã đồng ý bán thuyền cho tôi, giá chắc không thấp được, nhưng tôi đang phân vân không biết làm vậy liệu có lỗ vốn không, nghe cô nói vậy thì tôi yên tâm rồi. Năm lạng bạc này đáng lắm chứ. À phải rồi, thuyền này của tôi tên là Thiên Đức, thuyền mới đổi tên là Nguyệt Đức, cô xem có được không?"
Lục Kiều Kiều nói: "Đổi tên thuyền mới thì phải thu thêm phí đấy nhé. Tuy nhiên con người Lan tỉ sảng khoái, là người phát tài, tôi cũng không thể bủn xỉn được, sau này chị giới thiệu mối làm ăn cho tôi thì được rồi." Lục Kiều Kiều tiếp lời: "Thiên là dương, Nguyệt là âm, Thiên Đức, Nguyệt Đức là âm dương hợp nhất, vốn không thể tốt hơn được. Biển hiệu Thiên Đức dùng nền đen chữ vàng, lấy âm trong dương, đối với chị vẫn là vượng tài, song thuyền hoa mà đặt tên là Nguyệt Đức thì phải đổi thành màu đỏ vàng, cốt để lấy dương trong âm, sao cho âm dương cân bằng, như vậy mới dễ phát tài."
Lan tỉ nghe xong, mừng rỡ nói: "Thần tiên sống bảo được, nhất định là sẽ được. Còn người kia..."
Lục Kiều Kiều cũng cười nói: "Lan tỉ đừng sốt sắng, mặt trời còn chưa xuống núi mà. Xin chớ trách, nhưng có thể trả tiền trước không?"
Lan tỉ sốt ruột muốn biết kết quả, vội gật đầu ngay, quay người trở vào phòng kế toán lấy ngân phiếu năm lạng đưa cho Lục Kiều Kiều."Đa tạ!" Lục Kiều Kiều hai tay đón lấy ngân phiếu, chậm rãi khom mình với Lan tỉ. Sau đó, cô cất ngân phiếu đi, ngẩng đầu lên nói nốt: "Năm nay mệnh của chị có Thiên Quan thấu xuất, không khống chế sẽ thành sát mệnh, song lại có Đào hoa đồng hiện, thành ra hung cục Đào hoa đới sát; năm nay chị làm ăn rất khá, lại đang định mở rộng làm lớn, năm hạn mà tài tinh đại vượng, tài tinh làm động sát tinh, vậy nên tài càng vượng thì sát càng vượng..." Nói đến đây, Lục Kiều Kiều ngừng lại, cô biết rõ Lan tỉ có lời muốn hỏi.
"Nghĩa là sao, tôi không hiểu, có thể nói rõ hơn không?"
Từ lời nói ngữ điệu của Lục Kiều Kiều, Lan tỉ đã cảm thấy có sự bất thường. Lục Kiều Kiều bấy giờ mới nói tiếp: "Nói đơn giản tức là tài vận của chị rất tốt, song tài vận sẽ mang lại tai họa sát thân, mà cái họa sát thân này liên quan tới đàn ông."
Lan tỉ mở to mắt, chớp chớp nghiền ngẫm lời nói của Lục Kiều Kiều. Lục Kiều Kiều tiếp tục nói: "Chị kiếm tiền càng nhiều càng nguy hiểm."
Mồ hôi lóng lánh vã ra trên trán Lan tỉ, nhất thời cũng không biết phải hỏi gì.
"Vị khách chị nhắc đến rất có thể là một kẻ lừa đảo, thường thì lấy lòng trước, vào phòng rồi mới moi tiền, " Lục Kiều Kiều nói."Cô nương bình thường trên thuyền hoa lấy đâu ra tiền, lừa gạt hay không cũng thế, bỏ tiền ra mua là được, song bà chủ như chị đây lại chính là đối tượng những tên lừa gạt muốn hạ thủ nhất. Y mà là kẻ lừa đảo, đã bỏ ra bao nhiêu tiền như vậy, nếu không thành công thì sẽ không thôi đâu." Lục Kiều Kiều lại ngừng lại, xoay xoay ly trà trong tay, đợi Lan tỉ hỏi câu tiếp theo.
"Vậy phải làm sao?" Đây là câu Lan tỉ chắc chắn sẽ hỏi, mặc dù giọng nói có chút mất tự nhiên.
Lục Kiều Kiều nói: "Lan tỉ là người tốt, nghe các cô nương nói chị đối xử với họ cũng tử tế lắm, tôi sẽ giúp. Chị có thể mở thuyền hoa, chắc không thể nào không có đại gia đỡ đầu, nhưng nước xa không cứu được lửa gần, một khi gây ra chuyện, gây tranh đấu thì chẳng ai có lợi. Tôi nghĩ thế này, chị mời vị khách đó một bàn trà, chớ có nhận tiền nữa, trên bàn trà đặt ba cái chén, rót trà lên, sắp thành một đường thẳng, vòi ấm chĩa vào chén thứ nhất, sau đó trước đây chị nhận bao nhiêu tiền thì trả lại nguyên vẹn, chị uống một chén ở giữa trước, sau đó lại rót đầy, mời y uống. Người trong nghề tự nhiên sẽ hiểu, thông thường y sẽ uống cái chén ở giữa ấy, sau đó thu tiền lại bỏ đi, sau này sẽ không đến đây tìm chị nữa." Lục Kiều Kiều vừa nói, vừa bày trận thế ly trà trên bàn làm mẫu cho Lan tỉ.
"Tại sao vậy?" Lan tỉ lại hỏi.
Lục Kiều Kiều vội nói: "Việc này không thể nói được, khì khì, xin chị chớ chê trách!"
Lan tỉ phục sát đất: "Cô nương tuổi còn trẻ mà đã tinh thông toán mệnh, lại còn có kinh nghiệm giang hồ nữa, thật đúng là thần nhân vậy!"
Nụ cười của Lục Kiều Kiều vẫn yêu kiều quyến rũ như thế, nhìn nét mặt có thể nhận ra gương mặt non nớt của một cô bé mười mấy tuổi đầu. Cô nói với Lan tỉ: "Trò vặt vãnh thôi mà."
Lúc rời khỏi thuyền hoa, mặt trời đã xế Tây.
Lan tỉ để bà làm công tiễn Lục Kiều Kiều lên bờ, lên đến nơi, Lục Kiều Kiều lấy trong túi ra một xâu tiền đặt vào tay bà ta, nói: "Đa tạ dì Kim, đây là một trăm đồng của dì, sau này xin quan tâm Kiều Kiều nhiều hơn, " đoạn mỉm cười, hơi khom mình làm lễ. Dì Kim nhận tiền, cười ha hả, mau miệng nói: "Chắc chắn rồi, Kiều Kiều về nhé, khà khà..."
Ráng chiều vàng vọt, soi bóng Lục Kiều Kiều lẻ loi trên đường, trong con ngõ dài chật hẹp, cái bóng ấy trông càng gầy guộc. Lục Kiều Kiều xách một vò rượu trên tay, tối nay chỉ có vò rượu này làm bạn cùng cô.
Lục Kiều Kiều ở đây đã được ba năm. Tối đến, cô có thể nằm trên giường nghe hết mọi thứ âm thanh trong quán Vạn Hoa. Nào là tiếng í ới, mời gọi, tiếng gác xoong gác nồi trong bếp, tiếng đàn tiếng hát, tiếng kỹ nữ cười đùa, rên xiết, tiếng các vị hào khách bàn chuyện lớn lao, tiếng ma cô, tú bà đánh chửi kỹ nữ... mớ thanh âm đó như một tấm lưới bao trùm lên căn nhà Lục Kiều Kiều mua từ năm ngoái.
Căn nhà của Lục Kiều Kiều có ba gian, bước ra là giếng trời, tức khoảnh sân lộ thiên, ở giữa còn có một giếng nước. Giếng nước này rất quan trọng với nhà Lục Kiều Kiều, đàn bà con gái hôm nào cũng đi qua đi lại trong ngõ gánh nước giặt giũ chẳng an toàn chút nào. Cũng bởi có giếng nước, nên căn nhà này mới đắt giá nhất trong ngõ Hinh Lan. Từ giếng trời đi ra tiếp là phòng khách, chỉ cần mở cửa gỗ là có thể ngồi trong phòng khách nhìn ra ngõ Hinh Lan.
Đây là một gian nhà nhỏ xinh kiểu Tây Quan điển hình.
Cách đây ba năm, khi Lục Kiều Kiều mới tới thành Quảng Châu đã lập tức chọn nơi này trọ lại.
Đối với cô, chỗ đông đúc mới là nơi thích hợp cho một cô gái sống một mình. Nơi đàn bà con gái đông đúc, bản thân mình mới không bắt mắt. Trong thành, nơi người đông gái đông ngoài kỹ viện ra chẳng có sự lựa chọn nào khác. Ở đây, Lục Kiều Kiều còn có thể dễ dàng tìm được rất nhiều khách hàng.
Một cô gái mở quán xem bói cho người chẳng khác nào tìm đến cái chết. Ngày ngày, quân lưu manh chỉ biết gây sự tìm vui và bọn giang hồ mồm chó vó ngựa chắc chắn sẽ nhiều hơn khách hàng. Vả lại, mở hiệu xem bói thì phải nộp thuế, Lục Kiều Kiều không ngớ ngẩn đến vậy. Mặc dù thầy phong thủy có thể kiếm được khối tiền, song một cô gái muốn làm thầy phong thủy là điều hoàn toàn không thể. Việc của thầy phong thủy bao gồm cả sinh lão bệnh tử của dân chúng, có một số nơi, thậm chí đàn bà con gái còn không được phép vào, cũng không được phép nhìn, huống hồ là mời một cô gái đến xem phong thủy.
Lục Kiều Kiều muốn kiếm tiền một cách an toàn, tốt nhất là tìm mối trong đám đàn bà con gái.
Phố Bình Khang nằm ở Trần Đường phía Tây thành Quảng Châu, cách đầm Bạch Nga một hai dặm, đi bộ cùng lắm chỉ mất một tuần hương. Trên quãng đường dài bằng một tuần hương, tính cả thuyền hoa trên đầm Bạch Nga, hầu hết đều là chốn trăng gió. Vậy nên thời bấy giờ, nơi đây được gọi là Trần Đường phong nguyệt.
Một thầy bói nữ rất dễ dàng tìm được khách nữ ở đây. Các kỹ nữ chốn này phần đông đều đã bán mình, đi nhà xí cũng có người đứng canh, nếu có việc nhất định phải ra ngoài, thì lúc nào cũng có mấy gã đại hán dàn trận đợi sẵn, cơ hội ra ngoài thật sự ít càng thêm ít. Vì thế, các chị em có nhu cầu tính năm hạn, hỏi sự nọ sự kia nhiều vô cùng, nhưng lại không tiện ra ngoài đến quầy xem bói để xin quẻ, vậy là, người có thể đến tận nơi xem bói cho kỹ nữ như Lục Kiều Kiều vừa khéo tìm được đất dụng võ.
Lục Kiều Kiều trang điểm sặc sỡ ra vào ngõ liễu tường hoa hoàn toàn không có gì nổi bật. Chỉ cần không người đàn ông nào biết nhà của Lục Kiều Kiều, cuộc sống của cô sẽ luôn phẳng lặng. Ngoài ra, còn có một nguyên nhân quan trọng hơn, đó là Lục Kiều Kiều cho rằng chỉ có chốn yên hoa mới là nơi cô nên ở, chỉ có đánh bạn với đám kỹ nữ mới là kết cục nên có của mình.
Lục Kiều Kiều nằm nghiêng trên giường trúc ngoài giếng trời. Ánh trăng chiếu xiên xuống giếng trời, song không chiếu tới Lục Kiều Kiều nằm trong góc khuất.
Tối đến không cần thiết phải thắp đèn, nhà Lục Kiều Kiều có đủ ánh sáng bởi nằm dưới ánh đèn rực rỡ của quán Vạn Hoa. Nhà mà thắp đèn, cũng không có lợi cho người con gái sống độc thân. Chấm sáng lập lòe duy nhất trong chỗ tối tăm chính là ngọn đèn thuốc Lục Kiều Kiều đặt ở cạnh giường.
Đến Quảng Châu không lâu, Lục Kiều Kiều liền hút thuốc phiện, thuốc phiện có thể đem lại cho cô sự tĩnh lặng, lãng quên trong giây lát, song cũng tăng thêm gánh nặng tiền bạc của Lục Kiều Kiều. Thuốc phiện rất thơm, mang đến cảm giác dễ chịu lại đã nghiền, song là thứ càng hút càng muốn hút thêm. Thoạt đầu một ngày hút vài cữ, về sau một ngày mười mấy cữ. Lục Kiều Kiều không hút hàng rẻ tiền, ít nhất cũng phải là thuốc chín lâu năm, thuộc loại thượng hạng của Vân Nam, một lạng bạc một lạng thuốc, mà cũng chỉ có thể hút trong một hai ngày. Nếu có hàng Ấn Độ do thuyền Anh quốc chở đến thì càng tốt, song cũng đắt hơn, hàng thượng hạng một lạng cao thuốc phải hai lạng bạc.
Bạc ơi là bạc!
Lục Kiều Kiều thích cảm giác sốt sắng khi nghĩ đến tiền bạc này, như vậy thì sẽ bớt nghĩ đến những chuyện khác, rầu rĩ vì tiền, chẳng ngờ lại đơn thuần và khoái lạc như thế. Lục Kiều Kiều hít sâu một hơi thuốc, lẳng lặng nằm trên giường trúc đợi cảm giác thỏa mãn dâng lên.
Người cô trở nên nhẹ nhõm, bầu trời cũng bắt đầu sáng lấp lóa, muôn vì sao dần có sắc màu, cảm giác cơ thể mình trống rỗng chính là khi sự vật xung quanh đều rất thực tại. Quá khứ đã trôi qua, tương lai còn chưa đến, sự hư vô trong giây phút này là niềm hạnh phúc lớn nhất, cứ ngủ lịm đi như vậy mới không còn thấy cô đơn.
Nửa đêm thức giấc, Lục Kiều Kiều hết sức tỉnh táo.
Tiếng ồn bên quán Vạn Hoa nhỏ hơn một chút, quan khách đều đã vào phòng cả.
Ánh trăng rời đến mé bên kia giếng trời, phủ lên người Lục Kiều Kiều. Cô nhấc vò rượu cao lương đặt trên bàn rót cho mình một chén. Người Quảng Châu rất ít khi uống rượu cao lương, ở đây hiếm người có tửu lượng tốt. Tửu lượng của Lục Kiều Kiều cũng không tốt, uống rượu cao lương dễ say, say là có thể ngủ.
Một chén, hai chén, ba chén...
Trước khi say khướt, trong đầu Lục Kiều Kiều không ngừng nghĩ đến một việc, tiền không đủ tiêu, ngày mai phải đi mua một người.
Trong góc tối trên nóc nhà có một người đang ngồi, cái bóng ấy gầy nhỏ mà lặng lẽ, tựa như một phần của tòa kiến trúc. Thấy Lục Kiều Kiều gục xuống ngủ thiếp đi, người ấy cũng rất chậm rãi nằm xuống ngách sâu bên trong góc tối, chỉ sợ phát ra tiếng động.
Ánh dương buổi sớm chiếu qua cửa sổ trên nóc vào nhà Lục Kiều Kiều. Sau khi tắm rửa chải chuốt, Lục Kiều Kiều trông thật trong sáng mảnh mai, khuôn mặt không tô vẽ nhìn chỉ như thiếu nữ mười bảy mười tám.
Hôm nay không hợp mặc áo quần sặc sỡ, cũng không hợp tô son trát phấn. Tấm áo chẽn màu thủy lục khiến Lục Kiều Kiều trông có vẻ nhỏ nhắn đáng yêu, lại tết tóc đuôi sam dài, hệt như một a đầu quản sự của nhà phú hộ. Tới ven bờ Châu Giang, Lục Kiều Kiều gọi một chiếc xe kéo lại, phu xe đợi Kiều Kiều ngồi vững, rồi quay đầu lại hỏi: "Xin hỏi, tiểu thư muốn đi đâu?"
Thuật chiêm bốc Mai Hoa dịch số lấy số động đặt quẻ, vào đúng lúc gieo quẻ sẽ lấy sự vật hiện tượng có chuyển động vừa xuất hiện làm quẻ số, cũng phải có người hỏi mới có thể đặt quẻ, Lục Kiều Kiều đang đợi chính là câu hỏi này.
Người phu xe bắt đầu chạy, chính là tượng động. Lục Kiều Kiều xem mã số trên lưng áo người phu xe, trên lưng áo anh ta có hai chữ Thuận Hưng, Thuận Hưng là tên bến xe kéo này, dưới cái tên còn có hai con số Nhất – Tứ.
Lục Kiều Kiều thầm đặt quẻ tính toán: Nhất Tứ là quẻ Thiên Lôi Vô Vọng, Kim quẻ Thiên khắc Mộc quẻ Địa, có người mất, có người được, phương Tây thắng, phương Đông bại, ừm, theo Kim khí đi từ Tây sang Đông, khắc Mộc được lợi.
"Đại ca, đi về hướng Đông nhé, đi cửa Nam Vĩnh Hán, đừng đi lối bờ sông." Lục Kiều Kiều tinh thông thuật số, ngũ hành gặp Thủy có thể hóa giải hình thế Kim Mộc khắc nhau. Cô không muốn đi lối bờ sông, nước lớn ở ven sông sẽ làm hỏng việc lần này.
Phu xe lớn tiếng trả lời: "Vâng, vậy đi bên trong tường thành cô nhé!" Nói đoạn, chiếc xe kêu cộc cộc cộc, lăn đi trên đường.
Anh phu xe chẳng mấy khi được chở mỹ nữ, cả xe sực lên mùi hương ngan ngát của Kiều Kiều, khiến anh ta kéo xe mà tâm trạng vô cùng hưng phấn. Vả lại mỹ nữ cũng chẳng nặng mấy, chạy trên đường như thể kéo xe không, một chốc đã tới cửa Nam rồi.
Lục Kiều Kiều xuống xe, không thèm hỏi giá tiền, trả ngay anh phu xe mười đồng.
Phu xe nhận tiền xem lại, lập tức nói: "Tiểu thư ơi, đường xa như thế phải mười lăm đồng."
Lục Kiều Kiều nở một nụ cười nói: "Đại ca, tôi lần nào tới đây cũng chỉ trả mười đồng, huynh tính giá trong nghề với nhau đi."
Phu xe nghiêm túc nói: "Sao thế được? Chúng tôi kéo xe đều có quy củ, không lừa tiền của cô đâu, đoạn đường này không thể chỉ trả mười đồng được."
Lục Kiều Kiều không cười nữa, cô bĩu môi moi từ trong túi ra hai đồng một đồng dúi vào tay phu xe: "Mười hai đồng, đồ bủn xỉn!", nói đoạn liền quay người bỏ đi.
Lục Kiều Kiều bước vào một quán trà, tìm một chỗ ngồi ở tầng hai. Từ vị trí này có thể quan sát được ngã tư bên dưới và chợ búa ở xung quanh.
Bên dưới là một khu chợ lớn, đầy rẫy quầy hàng, người qua lại đông đúc. Nào cắt tóc cạo mặt, nào xem bói đoán chữ, vá áo sửa giày, thức sống thức chín, thuốc bổ thuốc độc, hàng tây hàng ta... thứ gì cũng bán. Ở một góc ngã tư còn có một gánh mãi võ.
Bên ngoài gánh mãi võ, người đứng xem xúm lại thành ba vòng. Ở giữa có sáu đứa trẻ con, có một đứa con gái đang biểu diễn múa roi chín đốt, đường roi quất nhanh đến nỗi không nhìn thấy bóng. Lục Kiều Kiều ngồi trên tầng hai quán trà vẫn nghe được tiếng roi thép xé gió vun vút, đủ thấy lực đạo đường roi mạnh mẽ nhường nào, khiến khán giả không ngớt reo hò.
Phía trong gánh mãi võ bày một giá binh khí, trên giá có các loại đao, thương, kiếm, côn, dài ngắn đủ loại. Bên cạnh giá binh khí là một lá cờ lớn hình tam giác màu xanh lam, trên cờ viết một chữ Tiêu to cỡ cái đấu. Trên chiếc hòm dưới lá cờ có một trung niên ngồi chễm chệ, xem chừng là chủ gánh mãi võ trẻ con này. Thân hình y cao to vạm vỡ, mặc một bộ võ phục ngắn, chân chít xà cạp, đi giày bó, phía trên lộ một nửa ngực và cánh tay, mặt không để râu, song lại có thể thấy cuống râu đen dày đặc, có thể nhận thấy đây là một kẻ vốn râu ria xồm xoàm.
Lục Kiều Kiều quan sát kỹ càng từng đứa trẻ trong gánh mãi võ. Con gái thì khỏi cần, cô chỉ nhìn con trai. Ở đây có ba đứa con trai, đều quãng mười hai, mười ba tuổi. Một đứa mặc bộ màu đen, trông xinh trai nhã nhặn, chỉ nhìn mặt thôi không cẩn thận lại nghĩ nó là con gái. Trong mấy đứa thì nó cao nhất, bộ dạng vẫn giống trẻ con, song đã cao như người lớn. Một đứa khác mặc áo xanh, mặt mũi ngay ngắn, mắt to mày rậm, rất có phong thái tướng quân, đặc biệt lại có mái tóc vàng ươm, đàn ông đều tết tóc đuôi sam dài, riêng nó chỉ có một cái đuôi sam nhỏ, dài cỡ cây đũa, buông ra sau gáy. Đứa thứ ba là một thằng béo chuyên khua chiêng gõ trống, béo chắc nịch, song lại mặc một bộ màu đỏ nên trông béo quá mức. Vẻ mặt thật thà trung hậu, trời sinh đã có tướng chọc cười người khác, lúc nào cũng cười ha hả, như không khép được miệng lại.
Đứa bé gái biểu diễn roi chín đốt xong, một hồi chiêng trống vang lên, đến lượt bọn con trai ra biểu diễn. Hai đứa cùng lúc nhảy ra, đứa áo đen cầm đơn đao, đứa tóc vàng cầm trường thương, xem chừng định biểu diễn màn Đao phá thương.
Đao thương trong chớp mắt đã bày thế xong xuôi, màn biểu diễn lập tức bắt đầu.
Diễn xuất của hai đứa trẻ đều mạnh mẽ uy vũ, đao thương lướt qua sát người, nguy như gọt tóc, từng lưỡi đao chém vào chỗ hiểm, từng đòn thương đâm vào nơi yếu hại, tiếng đao thương va chạm như tiếng rèn sắt, tiếng nào tiếng nấy đều chấn động lòng người, công phu trình độ này tuyệt đối hiếm gặp trong đám bán nghệ nuôi thân. Công phu giỏi thì đương nhiên được cổ vũ nhiệt liệt, hai đứa trẻ biểu diễn xong, trong tiếng hoan hô đã có người ném tiền vào trong gánh. Bọn trẻ con trong gánh mãi võ cũng chẳng ngơi tay, lập tức nhặt những đồng tiền vung vãi trên mặt đất, đồng thời dựng một hình nộm bằng cỏ lên bức tường phía sau.
Lần này là thằng bé tóc vàng ra biểu diễn, trên người nó quấn mấy vòng dây thừng màu vàng thắt quanh hai vai. Nó chắp tay chào khán giả, khom người như ngồi xổm, rồi giậm chân đánh "bịch" một tiếng, làm đất cát xung quanh bắn lên, thân hình không ngờ đã mượn đà nhảy lên không trung.
Người đang ở lưng chừng không xoay một vòng nhẹ nhàng, đống dây thừng trên người nó đột nhiên buông lỏng, một đầu dây thừng đính với một mũi tiêu thép. Mũi tiêu thép vừa bay ra từ chỗ eo thằng bé tóc vàng, người còn chưa tiếp đất, nó đã đá văng mũi tiêu về phía cổ của hình nộm bên tường, phập một tiếng, đầu hình nộm bung ra.
"Ồ!" Đám đông đồng thanh thốt lên kinh hãi. Lục Kiều Kiều khẽ chau mày, thằng bé này được quan chúng hoan nghênh, điều này không hề có lợi cho việc cô sắp làm. Thứ binh khí cậu bé tóc vàng biểu diễn gọi là tiêu thừng, thuộc loại binh khí mềm. Bởi vì nó chỉ là một sợi dây thừng dài một trượng ba thước gắn với một đầu tiêu làm bằng thép, kích thước nhỏ, tiện giắt theo người, các tiêu sư thời cổ thường dùng làm ám khí hoặc vũ khí phòng bị mang trên người.
Thằng bé tóc vàng giật tay về phía sau, sợi dây kéo mũi tiêu bay về, mũi tiêu lập tức lao thẳng về phía vai phải nó. Thằng bé lùi nửa bước, vai phải nghiêng ra sau tránh cho mũi tiêu bay qua, tay phải gập lại để dây thừng quấn hai vòng quanh cùi chỏ, đồng thời chồm người về phía trước lộn một vòng, mũi tiêu thép không ngừng chuyển động xung quanh người nó.
Thằng bé ngẩng đầu lên, người đã ngồi chồm hỗm trên mặt đất, mũi tiêu thép lại có lực văng mới, một lần nữa lại phóng về phía hình nộm. Lần này tiêu thép phi vào tay trái hình nộm, lại một tiếng "phập" vang lên, tay trái hình nộm lập tức rớt xuống.
Tiếng trầm trồ kinh ngạc của khán giả càng lớn hơn, tiếng vỗ tay cùng lúc vang lên không ngớt.
Có màn biểu diễn đặc sắc, mọi người vây lại mỗi lúc một đông, mỗi lần tiêu thép phóng ra trúng mục tiêu, đám đông lại đồng thanh kêu lớn: "Giỏi quá!" Sau khi chân tay của hình nộm đều đã đứt, trên mặt đất lại vung vãi không ít tiền lẻ. Lục Kiều Kiều ngồi trên lầu, đếm số tiền rơi trên đất, nhẩm tính thu nhập một ngày của gánh mãi võ.
Uống hết ấm trà, gánh mãi võ lại biểu diễn tiết mục khác, thằng bé béo bước ra biểu diễn màn lấy ngực đè nát đá, chủ gánh mãi võ biểu diễn múa đinh ba, đâm thương vào cổ, còn dùng tay chém mấy miếng ngói xanh, mỗi lần chém lại hô lớn tiếng "oa da da". Xem ra màn biểu diễn của gánh võ dưới lầu cũng sắp kết thúc.
Đám con trai đứng thành một hàng chắp tay hành lễ, đứa con gái bưng khay đi thu tiền của mọi người, đám người om sòm giải tán, đi bằng sạch. Đám trẻ con thu dọn đồ đạc, tay chủ gánh mãi võ vạm vỡ cũng tê cả tay sau khi chặt hết đống ngói, chống nạnh thở hổn hển. Lục Kiều Kiều quan sát nét mặt ông ta từ xa, định dựa vào tướng mạo mà đoán ra một vài chuyện riêng tư của người này.
Nhìn một lúc, Lục Kiều Kiều đã chắc mẩm trong lòng, bèn trả tiền rời khỏi trà lâu, đi thẳng về phía người chủ gánh mãi võ. Cô bước đến trước gánh mãi võ đang thu dọn đồ nghề, khom mình nói với chủ gánh:
"Xin chào đại thúc, tiểu nữ tên là Kiều Kiều, sư phụ tiểu nữ là Linh Hư đạo trưởng có dặn tiểu nữ tới bàn với đại thúc chút việc."
Hai mắt chủ gánh mãi võ sáng bừng lên. Tiểu cô nương xinh xắn này trông yếu ớt nhưng lại có vẻ thoát tục, ông ta là kẻ võ biền, chẳng có cơ hội tiếp xúc với người nho nhã, thấy Lục Kiều Kiều lễ độ như vậy, đâm ra hơi ngại ngùng.
"Ha ha, chớ khách khí! Tại hạ là Sái Tiêu, cô nương có việc gì vậy?" Sái Tiêu vừa cười nói, vừa vuốt trán gượng gạo như thể lau mồ hôi.
"Thì ra là Sái sư phụ, xin chào Sái sư phụ!" Lục Kiều Kiều lại hành lễ, rồi lập tức nói tiếp: "Phụ thân ngài vừa mất cách đây không lâu, vẫn trong bảy bảy bốn chín ngày, ngài vẫn đang để tang, song tai vạ đẫm máu đã ở trước mặt, không lâu nữa sẽ rời khỏi nhân thế, sư phụ tôi bảo tôi tới giúp ngài."
"Hả?"
Sái Tiêu bỗng kinh ngạc sững sờ, trong đầu liên tục ngẫm nghĩ xem đã xảy ra chuyện gì, người trước mặt là ai, đến tìm mình có mục đích gì.
Ch. 02 → |