← Ch.157 | Ch.159 → |
Vừa đi được không xa, Lâm Tịch liền thấy Lương Tam Tư đang ở đường bên chậm rãi đi tới.
Lâm Tịch biết Lương Tam Tư nhất định sợ mình vừa mới tới trấn Đông Cảng, có nhiều việc không tiện xử lý hay nói chuyện, nên chắc chắn từ sáng sớm đã đứng ở bên đường chờ.
Nhưng bởi vì hôm nay Lâm Tịch chỉ muốn tới phố cá mua đồ, nếu có một bộ khoái kè kè đi theo bên mình sẽ rất bất tiện, nên sau khi dặn dò kỹ Lương Tam Tư vài câu, Lâm Tịch tiếp tục một người đi tới phố cá.
Ở trấn Đông Cảng có rất nhiều phố, nhưng phố cá có thể trở thành một trong ba phố lớn nhất ở trấn Đông Cảng tất nhiều là có lý do, bởi vì phố cá này không chỉ cung cấp thức ăn cần thiết cho người dân, mà còn là nơi để các hộ ngư dân cùng với các thương đội buôn bán cá tập kết hàng.
Từ xa nhìn lại, những tấm vải bạt làm từ mỡ bò trên phố cá xếp lại trùng trùng điệp điệp, trông giống như những cánh thuyền buồm, nếu như chỉ tính riêng trên bờ, những tấm vải bạt này đã có hơn một trăm hai mươi cái. Trừ những thứ trên, dưới sông Tức Tử sát bên gần đấy còn có một phố nước sầm xuất, dù là ban ngày hay đêm tối, đều có ít nhất năm sáu chục chiếc thuyền đánh cá nhỏ đậu lại.
So với những cửa hàng trên bờ, các chiếc thuyền đánh cá nhỏ đậu lại đánh bắt nguyên ngày sẽ có sản lượng thủy sản nhiều hơn rất nhiều, nhưng vì kích thước cá lớn nhỏ không đều, cũng không được sắp xếp chỉnh tề, nên người mua cũng không nhiều lắm nếu so với các cửa hàng trên bờ. Khách hàng thường xuyên nhất của các chiếc thuyền nhỏ này chính là những tiểu nhị của các quán ăn trên bờ, đôi khi họ sẽ tự lái một chiếc thuyền nhỏ ra giữa sông, chọn vài thủy sản tươi ngon để đem về cửa hàng bán.
Lâm Tịch hiện đang đi trên con đường được lát bằng đá xanh đã được cọ rửa sạch sẽ sau cơn mưa phùn đêm qua, tuy còn cách cửa vào phố cá một đoạn, nhưng mùi cá nồng nặc đã xông thẳng vào khoang mũi, ngay cả không khí chung quanh dường như cũng nhạt hơn rất nhiều.
Nhưng vừa ngửi thấy mùi cá, Lâm Tịch ngược lại còn vui mừng hơn.
Bởi vì tuy chưa đến cửa vào, nhưng từ chỗ đang đứng hắn đã có thể nhìn thấy địa hình phố cá này không bằng phẳng, hơi dốc xuống dưới tựa như một sườn núi. Chính nhờ địa hình như vậy nên người xem có cảm giác các cửa hàng đang xếp chồng lên nhau, trông rất hỗn loạn, những tấm vải bạt mỡ bò ở phía trên nặng trĩu xuống, làm cho Lâm Tịch tưởng như cả bầu trời đã bị che khuất.
Phần lớn trước các cửa hàng ở phố cá này đều có những tấm biển hiệu lòe loẹt đủ màu sắc, chỉ có mười mấy nhà ít ỏi dùng những bảng hiệu truyền thống với màu đen và tấm gỗ mộc. Tuy nhiên, điểm chung của các cửa hàng chính là trước nhà đều có một thùng gỗ lớn kích thước không giống nhau, ngoài ra còn có thêm một cái bồn bằng đá.
Có những cái bồn bằng đá rất lớn, hơn nghìn cân cá thả vào vẫn có thể chứa đủ. Khi nhìn thấy phố cá sầm uất như vậy, Lâm Tịch cảm thấy rất vui mừng, bởi vì ở đây hắn có thể thoải mái thực hiện được câu nói "gần biển ăn biển".
Trước khi đến phố cá này, Lâm Tịch đã xác định trước mình phải tìm hai loại cá: cá chiên đen(*) và cá bông tuyết, hiện trên sông Tức Tử đã có một loại.
Sông Tức Tử rất sâu, nên nước dưới sông rất lạnh, trong các loài thủy sản ở đây có một loại cá chiên màu đen đặc biệt. Loại cá chiên này không chỉ có kích thước lớn, nặng hơn hai ba mươi cân, hơn nữa dựa theo những gì học viện Thanh Loan đã nghiên cứu và ghi lại trong quyển sách phát cho đệ tử, Lâm Tịch biết loại cá này rất có ích đối với người tu hành, gấp ba đến năm lần so với những loại cá chép hay cá ngừ thông thường. Nhưng đối với người tu hành, thứ quý giá nhất trên người cá chiên đen chính là trứng cá. Trong trứng cá cá chiên đen ở sông Tức Tử, mỗi viên đều có một hạt nhân màu đen lớn khoảng nửa hạt đâu, toàn thân màu đen sáng ngời, được mọi người gọi là "hắc kim tử". Thông thường, mọi người dân ở đế quốc Vân Tần đều biết trứng cá cá chiên đen là cao lương mỹ vị, nhưng đối với người tu hành, hạt nhân màu đen lại chính là thức ăn đại bổ.
Cá bông tuyết là một loại cá sinh sống dưới sông, thông thường có màu tuyết trắng, dài khoảng một ngón tay. Lâm Tịch biết đối với người tu hành, thứ quý giá nhất của cá bông tuyết chính là xương sống màu trắng, dùng để hầm để nấu cháo, sau khi cháo nguội sẽ có màu trắng đục và rất nhừ.
Giá mua hai loại cá này rất mắc, hơn nữa, từ xưa ngư dân đã săn bắt rất nhiều, nên hiện giờ không còn nhiều lắm, rất thưa thớt. Vì lý do này, nên khi nhìn thấy phố cá trấn Đông Cảng sầm uất như vậy Lâm Tịch rất vui mừng, bởi vì càng có nhiều loại cá, hắn sẽ càng dễ dàng tìm thấy hai loại cá trên.
Vẫn rảo chân bước tới phía trước, Lâm Tịch vừa quan sát vừa tiêu sái tiến vào phố cá.
...
Trong lúc Lâm Tịch đi vào phố cá - một trong ba phố lớn ở trấn Đông Cảng, tại một nơi trên sông cách bờ không xa, có một chiếc thuyền màu đen đang neo đậu đánh bắt cá.
Ngay đầu mũi thuyền là một ngư dân trẻ tuổi và thê tử của hắn, cả hai vui vẻ cùng nhau thu lưới.
Hai người mặc một bộ quần áo vải thô, khuôn mặt hơi sạm đen vì ra nắng lâu ngày, trông rất khỏe mạnh, đôn hậu và đàng hoàng.
Đằng sau đuôi thuyền, có một bé trai đang nằm sấp bậm bẹ học nói, tay nắm một con vịt nhỏ thô sơ bằng gỗ, đôi mắt đen nhánh ngây thơ đang nhìn mặt nước yên tĩnh ngoài mái hiên thuyền cách đấy không xa, ngây thơ và chất phác.
Khi có sóng lớn đánh vào mạn thuyền, lập tức sẽ có rất nhiều bọt khí nổi lên chung quanh, bên trong còn có rất nhiều rau quả dầu mỡ nổi lơ lửng, đây là những gì còn sót lại sau khi thuyền lớn đi qua. Đối với những hài đồng từ nhỏ đã sinh sống trên sông, đây là một việc rất bình thường, không có gì mới lạ. Nhưng ngay lúc này, hài đồng còn chưa biết nói chuyện bỗng nhiên nhấp nháy mi mắt, tỏ ra rất tò mò và hiếu kỳ.
Trong đám bọt khí đang nổi lên, bên cạnh những rau quả dầu mở trôi lơ lửng, bỗng nhiên xuất hiện một cái xác đang trôi theo dòng nước, mặt da bên ngoài đã bị sưng phù lên. Vừa nhìn thấy cảnh này, hài đồng không nhịn được a a lên, đôi tay nhỏ nhắn khẽ gõ vào bong tàu, giống như muốn nói cha mẹ mình mau ra đây xem thử. Nhưng bây giờ lại là lúc ngư dân trẻ tuổi và thê tử của mình thu lưới, căn bản không rảnh rỗi để tới xem chuyện ở đuôi thuyền, ngược lại, âm thanh đứa trẻ dùng tay gõ vào bong tàu càng giúp hai người họ an tâm hơn.
Đám bọt khí, đống rau quả dầu mỡ cùng với cái xác chết dưới sông theo đuôi thuyền trôi đi, rời xa chiếc thuyền câu nhỏ.
Khi không còn nhìn thấy xác chết nữa, cậu bé trai cũng bình tĩnh hơn, không lấy tay gõ xuống bong thuyền nữa.
Cặp vợ chồng ngư dân trẻ tuổi không nhìn thấy cái xác, mà cái xác này cũng xuôi theo dòng nước, chảy xuống hạ du, tới bến tàu lớn nhất ở trấn Đông Cảng.
...
- Cá chiên đen? Cá này khó thấy lắm đấy. Mấy hôm trước, tiểu tử Vương mặt rỗ bên kia có bắt được một con, nhưng đã bị người khác mua rồi. Cá bông tuyết thì cậu đừng lo, chịu khó sang mấy chiếc thuyền nhỏ đang đậu dưới phố nước kia gom mua, chắc cũng được mười mấy con khoảng một chén đấy.
Lâm Tịch đang đứng trước một cửa hàng, trò chuyện với một bà chủ quán già gầy yếu, tay cầm một cái quạt hương bồ (**).
Phần lớn các cửa hàng ở phố cá có cách bài bố rất giống nhau, giữa cái thùng lớn và bồn đá đều có một cái bàn dài rộng. Nếu như khách hàng muốn làm cá tại chỗ, tiểu nhị cửa hàng sẽ đặt cá làm ngay trên cái bàn này, sau đó dùng dao quét vẩy và nội tạng vào cái thùng lớn ở ngay bên cạnh.
Đối với người lần đầu tiên tới như Lâm Tịch, phố cá ở trấn Đông Cảng là một nơi rất ly kỳ và có rất nhiều loại cá lạ. Chỉ mới đi qua vài cửa hàng, Lâm Tịch đã thấy có không ít cá trắm đen nặng từ ba mươi cân trở len, thậm chí còn có vài con cá chuối dài hơn cả cánh tay người trưởng thành. Nhưng mặc dù đã hỏi thăm nhiều người, Lâm Tịch lại thấy loại cá chiên đen muốn tìm rất khó thấy. Bình thường, các ngư dân cả phố cá phải đánh bắt năm đến sáu ngày mới tìm được vài con ít ỏi.
Tuy nhiên, sau khi nói chuyện với mấy chủ hàng dễ tính gần đây, Lâm Tịch đã biết thêm được vài thông tin cần thiết. Thì ra mười ba cửa hàng có bảng hiệu màu đen ở đằng trước đều là cửa hàng của lão Hứa mập, mà lão Hứa này cũng rất chịu chi tiền để gom mua hàng, nên số lượng thủy hải sản ở các cửa hàng của lão cũng nhiều hơn chỗ khác, có lẽ vì lý do này, nên những người Lâm Tịch đã hỏi thăm đều nói một số loài "cá chúa" quý hiếm lâu lâu mới bắt được đều xuất hiện ở các cửa hàng đó.
Vài ngày trước đây, có một cửa hàng của lão Hứa mập đánh bắt được một con "cua chúa", đây là một con cua lớn có vỏ ngoài màu xanh, to như chậu nước rửa mặt. Tạm thời không nói đến việc con cua này hung bạo đến mức phá rách lưới đánh bắt, nghe nói nó còn cắn nát cả hai ngón tay của một ngư dân săn bắt lúc đấy.
Điều khiến Lâm Tịch cảm thấy thú vị chính là mỗi cửa hàng trong mười mấy cửa hàng của lão Hứa mập đều có một chưởng quỹ khác nhau để cai quản. Bất cứ người nào tinh ý cũng cảm thấy lão Hứa mập rất thông minh, vì làm như vậy sẽ kích thích các cửa hàng ganh đua bán hàng, đến cuối năm người nào làm tốt nhất sẽ được trọng thưởng.
- Hả... đây là?
Đang lúc muốn ghé thăm quan sát mười mấy cửa hàng của lão Hứa mập, nhưng khi đi qua một cửa hàng trông rất bình thường, Lâm Tịch đột nhiên dừng lại, hơi kinh ngạc nhìn một vật màu xanh đậm đang bơi qua bơi lại trong cái bồn đá của cửa hàng này.
Lúc đi lướt qua, hắn cứ tưởng đây là một hòn đá kê chân được ngâm trong nước, nhưng quan sát cẩn thận một hồi, hắn mới biết đây là vật sống. Hiện giờ, khi tận mắt nhìn kỹ vào bên trong, hắn lập tức nhận ra đây là một con ba ba nhỏ, lớn khoảng nửa chậu nước rửa chân, bề mặt mai con ba ba này có màu xanh rêu màu nâu.
Lâm Tịch nhất thời vui mừng.
Đây là một loại ba ba sống sâu dưới nước, quyển sách học viện Thanh Loan đưa cho các đệ tử trước khi rời đi cũng có nhắc tới vật đại bổ này. Ngoài ra, loại ba ba này còn được mọi người gọi là "ba ba vực sâu".
Con "ba ba vực sâu" này lớn như vậy, ít nhất đã hơn một trăm năm mươi năm tuổi. Hơn nữa, trong bụng "ba ba vực sâu" có một chất dịch rất lạ, giúp khả năng tiêu hóa của nó tốt hơn các loài khác rất nhiều, ngay cả bùn cát cũng nuốt vào bụng, vì thế khi bổ ra có thể thấy trong bụng nó có rất nhiều cát đá. Ngoài ra, thịt của "ba ba vực sâu" này rất dai, cho dù có hầm mấy ngày cũng không mềm được, quan trọng hơn là mùi vị rất khó ngửi nên người bình thường khó ăn được. Nhưng trong môn học thiện bổ của học viện Thanh Loan lại có phương pháp dùng mấy vị thuốc làm "ba ba vực sâu" ói hết bùn cát trong bụng ra, sau đó lại có cách khử đi mùi tanh hôi lúc nấu, thịt cũng mềm hơn rất nhiều.
Một con "ba ba vực sâu" to như vậy, chỉ sợ Lâm Tịch phải ăn hai lần mới hết, đúng là niềm vui ngoài ý muốn.
Chủ cửa hàng cá này là một đại nương mập mạp, người mặc một bộ quần áo màu đen, trước ngực có một tấm tạp dề không thấm nước. Cảm thấy Lâm Tịch chú ý đến con "ba ba nước già" trong bồn đá mình, bà ta nhất thời tươi cười, nói:
- Hoan nghênh tiểu ca, tiểu ca muốn mua con ba ba già này sao? Con ba ba già này là hàng quý đó, rất bổ, nếu như hầm nhừ mấy ngày để nấu canh ăn, nhất định sẽ rất tốt.
- Nhưng nước canh nấu loại ba ba này rất hôi, sợ rằng ăn không được.
Lâm Tịch khẽ lắc đầu, cười nói.
Đại nương mập mạp ngẩn người, nhưng vẫn tươi cười đáp lại:
- Nếu như tiểu ca đã biết như vậy, chẳng lẽ mua để phóng sinh sao?
- Bao nhiêu vậy?
Lão cha Lâm Tịch ở trấn Lộc Lâm là người làm ăn, nên chính hắn cũng biết mình càng nói nhiều sẽ càng dễ bị những người bán hàng nâng giá, nên hắn không muốn nói nữa. Trước nhìn về con ba ba già trong đó, sau đó hắn lại hỏi đại nương.
Vừa nghe thấy Lâm Tịch hỏi giá, đại nương bán hàng nhất thời vui hơn, vươn bốn ngón tay:
- Bốn lượng bạc.
Lâm Tịch lắc đầu, nói:
- Hai lượng.
- Ôi trời, tiểu ca à, tiểu ca có thể hỏi thăm thử đi. Cả năm vừa rồi chỉ có một con ba ba lớn hơn con ba ba này của ta thôi, mặc dù con này không phải là "ba ba chúa", nhưng cũng là thứ hai đấy. Tiểu ca có thể...
- Ba ba chúa thì thế nào? Quan trọng là ăn được hay không.
Lâm Tịch lên tiếng, cắt đứt lời đại nương.
Đại nương xụ mặt lại, trả giá:
- Ba lượng đi, không thấp hơn được đâu.
Lâm Tịch nhìn đại nương một cái, sau đó xoay người nói:
- Vậy được rồi.
- Thôi thôi được rồi, tiểu ca là tiểu tổ tông, là miệng vàng rồi. Hai lượng thì hai lượng.
Thấy Lâm Tịch đi được mấy bước, đại nương mập mạp rốt cuộc phải kêu lên.
Tuy bề ngoài tỏ ra rất tiếc nuối, giống như đang bán từng miếng thịt trong bụng mình, nhưng đại nương mập mạp lại rất đắc ý. Hôm qua đại nương mập mạp chỉ bỏ ra một lượng bạc để mua con ba ba này từ tay mấy ngư dân, sáng nay còn cầu trời bái phật có người mua để phóng sinh, thật không ngờ kiếm lời được một lượng bạc thật.
Mà Lâm Tịch cũng cười trong lòng thôi.
Cũng may trấn Đông Cảng này là nơi xa xôi, nếu như ở các hành tỉnh lớn có nhiều người tu hành, một khi thấy con "ba ba nước già" lớn đến như vậy, sợ rằng bọn họ sẽ tranh nhau mua, chắc chắn không thể dùng hai lượng bạc để mua được.
....
Theo Lâm Tịch yêu cầu, đại nương mập mạp dùng một sợi dây thừng trói con ba ba già nặng ít nhất bảy mươi cân lại, sau đó bỏ vào trong một bao bố lớn.
Sau khi đã đưa tiền, chờ đại nương mập mạp gói hàng lại, Lâm Tịch vui vẻ quan sát mọi thứ chung quanh. Ngay lúc này, hắn lại phát hiện một thứ khác.
Ở đằng trước gian hàng bên trái Lâm Tịch đang đứng có treo một bảng hiệu màu đen, một hán tử đầu trọc ở trần đang giết cá.
Trên lưng của hắn có một hình xăm đầu cá bị đâm thủng, mà gian hàng này rất lạ, khác với những cửa hàng xung quanh. Sau khi làm cá xong, hắn không dùng dao quét vẩy cá và nội tạng xuống thùng gỗ bên cạnh, mà trực tiếp vứt xuống một cái hồ ở cách đấy không xa.
Ngay lúc vẩy cá nội tạng tanh hôi bị ném vào, lập tức có tiếng sóng nước ầm ầm từ trong hồ vang lên, gây cho người khác cảm giác rợn người, sau đó những vẩy cá nội tạng kia nhanh chóng bị nuốt chửng không còn lại gì.
Trong nước hồ đỏ ửng, có hai bóng đen khổng lồ đang bơi qua bơi lại.
Nhưng trong lúc Lâm Tịch đang tập trung quan sát vào cái hồ đó, bỗng nhiên có một ả ăn mày đang từ phía sau hắn lại gần, ngón tay dơ bẩn khéo léo đưa vào trong ống tay áo Lâm Tịch, gần như không phát ra tiếng động nào.
~~o0 0o~~
(*) Cá chiên đen: một loài cá, phần lưng màu vàng hơi ngã xám, miệng nhỏ nhưng nhọn, phần lưng và phần bụng đều có những mảng vảy cứng. Là loài cá nước ngọt, một số sống ở biển vào mùa đông
(**) Quạt hương bồ: quạt làm bằng lá cây hương bồ
← Ch. 157 | Ch. 159 → |