Vay nóng Tima

Truyện:Kiêu Phong - Chương 636

Kiêu Phong
Trọn bộ 746 chương
Chương 636: Giáo huấn (một)
0.00
(0 votes)


Chương (1-746)

Siêu sale Lazada


Chúng thần rời đi, Triệu Phổ bị giữ lại, cùng Chu hoàng đế tản bộ. Thẳng một đường vào hậu hoa viên, Chu hoàng đế mới hỏi:

- Khanh cảm thấy, Lục Thiên Phong sẽ trở về hay không?

- Thần nghĩ tám thành là sẽ về.

Triệu Phổ hồi đáp.

- Vì sao? Hắn hẳn là nên ở lại Hà Tây tự lập tiền vốn chứ.

Chu hoàng đế nói.

- Lục Thiên Phong có lẽ không muốn cùng Đại Chu đối địch, Hà Tây nếu thoát ly khỏi Đại Chu sẽ lâm vào tình trạng khốn đốn. Hà Tây cần Đại Chu mở ra thương lộ, như vậy Hà Tây mới có thể không thiếu thốn, tái hiện con đường tơ lụa giàu có. Sau khi Lục Thiên Phong tiến chiếm Hà Tây, liền vô cùng chú trọng việc phát triển thương nghiệp, từng cho người thu mua số lượng lớn đồ sứ và trà đưa đi Hà Tây. Hắn chiếm Bắc Đình tam châu, phần nhiều cũng là vì mở thương lộ mới dấy binh, Bắc Đình tam châu tuyệt đối là nơi đất rộng người thưa.

Triệu Phổ hồi đáp.

- Hắn không nghĩ cùng Đại Chu đối địch, thế nhưng hắn đang tổ chức thế lực tại Hà Tây và Bắc Đình. Nếu hắn thật sự có tâm quy thuận Đại Chu, thì không nên tiếp tục khuếch trương thế lực.

Chu hoàng đế lạnh nhạt nói.

- Thần không dám nói loạn.

Triệu Phổ thi lễ cung kính nói.

Chu hoàng đế im lặng, một lát sau mới nói:

- Trẫm cũng biết, Lục Thiên Phong có thể là lo lắng công cao lấn chủ, mà hôm nay, hắn đúng là đã khiến trẫm phải kiêng kỵ rồi. Nếu trẫm cho hắn cơ hội hưng vượng Hà Tây và Bắc Đình, liệu chăng trẫm đã mua dây buộc mình?

- Bệ hạ, thần cảm thấy con đường tơ lụa nếu có thể tái hiện, sẽ đưa đến lợi ích rất lớn cho Đại Chu. Đại Chu sẽ có được khoản thuế thương nghiệp, ngoài ra Hà Tây và Bắc Đình là nơi chăn thả ngựa, nếu Đại Chu có thể thu được chiến mã từ Hà Tây, là có năng lực phát động chiến sự với Yến quốc và Thổ Phiên, lấy được thế chủ động.

Triệu Phổ nói.

Chu hoàng đế lộ vẻ cười khổ, nhẹ giọng nói:

- Lục Thiên Phong cũng đã khiến trẫm bị động rồi. Vạn mã triều bái, cả nước chấn động, nếu trẫm làm khó hắn, chỉ sợ sẽ bị đánh đồng thành Lưu Bang.

- Bệ hạ nói quá lời. Thần cho rằng, không cần quá mức khen ngợi Lục Thiên Phong, gia ân cho hắn lên làm Binh bộ Thượng thư là được rồi. Năm đó Trương Nghị Triều cũng là được ban cho địa vị Lại bộ Thượng thư, chức quyền Quan Sát Sử chưởng quản quân chính Hà Tây.

Triệu Phổ đề nghị.

- Lấy công của Lục Thiên Phong, xứng được phong làm Quốc công.

Chu hoàng đế bình thản nói.

- Bệ hạ, Lục Thiên Phong đúng là chiến công cao, nhưng dù sao hắn tuổi trẻ, nếu được phong làm Quốc công, chỉ sợ sẽ đưa tới sự không phục của lão thần.

Triệu Phổ vội phản bác.

- Khanh nói, Triệu Khuông Dẫn lập công ở Giang Nam, trẫm nên ban thưởng thế nào?

Chu hoàng đế chợt chuyển nhân vật hỏi.

Triệu Phổ ngẩn ra, hồi đáp:

- Bệ hạ, chiến sự Giang Nam chỉ mới lập được thành tích, còn chưa cần ban thưởng.

- Nếu trẫm không ban thưởng, chỉ sợ quân tâm sẽ sinh ra oán hận. Ban thưởng sẽ có thể khích lệ quân tâm.

Chu hoàng đế nói.

Triệu Phổ nghe xong im lặng, một lát sau lại nghe Chu hoàng đế nói:

- Trẫm tứ phong Khuông Dẫn làm Quận vương, khanh cảm thấy được không?

Triệu Phổ lập tức giật mình nhìn Chu hoàng đế. Từ khi Chu quốc được sáng lập đến nay, chưa từng phong họ khác làm Vương, cao nhất là Quốc công. Kỳ thực Quốc công và Quận vương đều là tước vị tòng nhất phẩm, nhưng dù sao Quận vương cũng là vương tước, trên tâm lý tự nhiên là so với Quốc công tôn quý hơn.

- Bệ hạ, Quận vương và Quốc công đều là tòng nhất phẩm, nếu từ Võ quốc công sửa phong thành Quận vương, thì không có gì bất đồng cả.

Triệu Phổ đáp lại.

- Trên địa vị đúng là không có bất đồng, nhưng trên thực tế, Quận vương tượng trưng cho thực quyền, mà Quốc công là tượng trưng cho vinh hoa.

Chu hoàng đế thản nhiên nói.

- Bệ hạ, thần cảm thấy không ổn.

Triệu Phổ không đồng ý nói.

- Cho dù không ổn, trẫm cũng phải tứ phong. Trẫm nghe nói người đứng đầu Tấn quốc, sau khi lưu thủ tại Kinh Châu tiến chiếm bộ phận cương vực Ba Thục, lập tức tứ phong Quận vương. So ra, nếu trẫm không tỏ vẻ gì đối với chiến sự Giang Nam, chỉ sợ sẽ làm rét lạnh quân tâm.

Chu hoàng đế nói.

Triệu Phổ nghe xong nhíu mày, y đương nhiên hiểu được dụng ý của Hoàng đế. Hoàng đế muốn dùng tước phong Quận vương để quân tâm Giang Nam không quá hướng về Triệu Khuông Dẫn, dùng Hoàng ân cuồn cuộn thu mua quân tâm. Nhưng cử chỉ phong Quận vương, y cho rằng chẳng khác gì uống rượu độc giải khát, phong dị họ làm vương sẽ có hậu hoạn rất lớn.

- Bệ hạ, ban phong vương tước cho họ khác, theo thần là không nên.

Triệu Phổ phản đối nói.

- Việc này trẫm đã quyết. Triệu Khuông Dẫn, Tào Bân, Phan Mỹ, Trương Vĩnh Đức đều từ Quốc công phong làm Quận vượng.

Chu hoàng đế bình thản nói.

Triệu Phổ ngẩn ra, suy nghĩ một chút rồi nói:

- Bệ hạ, tứ phong Phan Mỹ làm Quận vương, liệu có ảnh hưởng đến lòng quân phương bắc hay không?

- Khanh là chỉ Dương Nghiệp?

Chu hoàng đế nói.

- Đúng vậy. Định quốc công ở phương bắc cùng Yến quốc khổ chiến. Tướng sĩ phương bắc nếu biết Bệ hạ không có khen ngợi Định quốc công, chỉ sợ quân tâm sẽ bị ảnh hưởng.

Triệu Phổ nói.

- Lần này tứ phong Quận vương là vì công trạng mở mang bờ cõi. Dương Nghiệp tạm không ban phong, trẫm đưa vạn con chiến mã đến phương bắc, coi như là đủ để khích lệ quân tâm.

Chu hoàng đế nói.

Triệu Phổ chỉ đành gật đầu, lại nghe Chu hoàng đế nói:

- Phòng ngự ở phương bắc trên thực tế Trương Vĩnh Đức là thống soái tối cao, tứ phong Trương Vĩnh Đức cũng là dụng ý coi trọng công trạng của quân phương bắc rồi. Mặc khác Dương Nghiệp xuất thân Lân Châu, có quan hệ thân cận với Chiết thị. Nếu trẫm tứ phong Dương Nghiệp, thì phải tứ phong cả công lao phòng giữ biên giới của Chiết thị, trẫm không định tứ phong Chiết thị làm vương.

- Thần đã hiểu.

Triệu Phổ đáp lại.

*****

Triệu Phổ đi rồi, Chu hoàng đế đi đến điện Văn Đức. Đến trước điện Văn Đức thì gặp Thái tử và Tào Vương, hai Hoàng tử cung kính bái kiến Chu hoàng đế. Chu hoàng đế gật đầu, rồi bảo bọn họ cùng vào điện Văn Đức.

Chu hoàng đế ngồi sau long án ở nội điện rồi, nhìn hai đứa con trai, ôn hòa hỏi:

- Huynh đệ các ngươi muốn hỏi trẫm cái gì?

- Phụ hoàng, nhóm nhi thần đã nghe nói về chuyện của Lục Thiên Phong, cảm thấy không nên nhân nhượng dung túng hành vi của Lục Thiên Phong.

Thái tử thi lễ nói.

- Ngươi nói không nên nhân nhượng dung túng, vậy theo ngươi thì nên ứng phó thế nào với hành vi của Lục Thiên Phong?

Chu hoàng đế ôn hòa hỏi.

- Nhi thần cho rằng, Bắc Đình không nên để mặc cho Lục Thiên Phong nắm giữ, mà nên do triều đình tiếp quản.

Thái tử hồi đáp.

Chu hoàng đế nghe xong lắc đầu, nói:

- Cách nghĩ của ngươi quá đơn giản. Triều đình đi tiếp quản, chẳng lẽ có thể xuất ra ba vạn quân lực đi đóng quân ở Bắc Đình sao?

Thái tử ngẩn ra, nói:

- Phụ hoàng, nghe nói tiến chiếm Bắc Đình là ba vạn quân lực Hội Châu, chẳng lẽ không thể đóng ở Bắc Đình?

- Quân lực đi Bắc Đình, triều đình không hiệu lệnh được. Nếu triều đình cho người tiếp quản Bắc Đình, Lục Thiên Phong sẽ điều đi quân lực Bắc Đình trở về Hà Tây.

Chu hoàng đế ôn hòa nói.

Thái tử giật mình gật đầu. Tào Vương đột nhiên nói:

- Phụ hoàng, nhi thần cảm thấy Lục đệ không nên hỗ trợ Lục Thiên Phong tiến quân Bắc Đình, không nên xuất quân lực Hội Châu đi Hà Tây.

Chu hoàng đế nhìn Tào Vương, bình thản nói:

- Cái gì nên làm, cái gì không nên, lời nói trước đó của trẫm ngươi không nghe thấy sao? Quân lực Hội Châu chỉ có Lục Thiên Phong mới có thể hiệu lệnh, Kỷ Vương không ủng hộ, Lục Thiên Phong cũng sẽ điều đi quân lực Hội Châu. Hơn phân nửa quân lực Hội Châu là hàng tốt Đảng Hạng của Hạ quốc đấy.

Tào Vương biến sắc, thoáng chần chừ, nói:

- Nhưng... trước đó tiến chiếm Hà Hoàng, chẳng phải là quân lực Hội Châu nghe lệnh xuất kích hay sao?

- Vậy trẫm hỏi ngươi, nếu ngươi đang ở trong quân tại Giang Nam, ngươi cảm thấy quân lực Giang Nam sẽ nghe lời ngươi, hay là Triệu Khuông Dẫn?

Chu hoàng đế bình thản hỏi.

Tào Vương ngẩn ra, nói:

- Bẩm Phụ hoàng, Triệu thúc thúc là Chủ soái Giang Nam, quân lực Giang Nam đương nhiên là phải nghe lời Triệu thúc thúc.

- Ồ, vậy nếu trẫm cho ngươi đi làm Chủ soái quân lực Giang Nam, Triệu Khuông Dẫn làm Phó soái, ngươi cảm thấy quân lực Giang Nam sẽ nghe quân lệnh của ai?

Chu hoàng đế hỏi.

- Sẽ nghe mệnh lệnh của nhi thần.

Tào Vương hồi đáp.

- Được rồi, vậy trẫm hỏi ngươi, nếu Triệu Khuông Dẫn đột nhiên tạo phản Đại Chu, ngươi cảm thấy quân lực Giang Nam sẽ nghe lời ngươi, hay là Triệu Khuông Dẫn?

Chu hoàng đế thản nhiên nói.

Tào Vương biến sắc, nói:

- Phụ hoàng, Triệu thúc thúc sao có thể làm phản Đại Chu.

Chu hoàng đế sắc mặt trầm xuống, nhướng mày nói:

- Trẫm hỏi ngươi, nếu Triệu Khuông Dẫn tạo phản, ngươi có thể hiệu lệnh quân lực Giang Nam hay không.

Tào Vương sắc mặt khó coi, chần chừ một chút, nói:

- Phụ hoàng, nhi thần chưa từng thống lĩnh tướng sĩ Giang Nam, chỉ sợ sẽ không bằng Triệu thúc thúc.

Chu hoàng đế lạnh nhạt nói:

- Trẫm từng dặn dò ngươi không nên can thiệp quân sự Giang Nam, chỉ để ý tăng cường mài giũa trong quân, nhưng ngươi cứ cố tình can thiệp quân sự Giang Nam, còn tự cho là có công áp giải hàng thần trở về. Thế nhưng ngươi có biết hay không, cho dù ngươi áp giải hàng thần về Khai Phong phủ lại có ai tán thành công lao kia của ngươi, trái lại quân tâm Giang Nam sẽ cho rằng ngươi đoạt chiến công của Triệu Khuông Dẫn. Ngươi vì tâm hư vinh mà khiến cho lòng quân Giang Nam khinh bỉ, ngươi nói có đáng giá hay không?

Tào Vương vẻ mặt kinh biến, vội dời bước quỳ xuống, sợ hãi nói:

- Nhi thần hồ đồ, nhi thần biết sai rồi.

- Đứng lên đi.

Chu hoàng đế bình thản nói. Tào Vương lạy một cái rồi mới đứng dậy cung kính đứng nghiêm.

*****

Chu hoàng đế nhìn hai đứa con đã thành niên của mình, bình thản nói:

- Các ngươi nhớ kỹ, có một số việc không tồn tại hai chữ "nên thế". Chớ có nghĩ rằng bởi vì chúng ta là Hoàng tộc, tất cả thần dân cần phải cống hiến cho chúng ta. Bất luận là quyết sách quốc sự gì đều phải tận lực dựa trên ích lợi được mất mà cân nhắc.

- Vâng, chúng nhi thần ghi nhớ.

Thái tử cung kính nói.

Vẻ mặt của Chu hoàng đế lộ ra một chút mệt mỏi, ông ta bóp trán cho tỉnh táo lên, lại nói:

- Có mấy lời... trẫm không tính nói với các ngươi, lo lắng nói rồi sẽ có hậu quả xấu.

- Phụ hoàng mời nói, nhi thần muốn được nghe lời dạy bảo của người.

Thái tử cung kính nói.

Chu hoàng đế nhìn Tào Vương, nói:

- Hi Nhượng, ngươi luôn tưởng rằng Triệu Khuông Dẫn và Phụ hoàng thân như huynh đệ, nhưng ngươi lại không biết, Phụ hoàng và Triệu thúc thúc của ngươi vẫn luôn tranh đấu gay gắt rất nhiều năm rồi.

Tào Vương ngạc nhiên nhìn Chu hoàng đế. Chu hoàng đế cười cười, nói:

- Trẫm cần Triệu thúc thúc của ngươi phụ tá trẫm ổn định giang sơn Đại Chu, nhưng trọng dụng Triệu thúc thúc của ngươi cũng chính là dưỡng hổ thành họa. Triệu thúc thúc của ngươi văn võ song toàn, là một nhân vật hùng tài vô cùng hiếm có. Qua nhiều năm như vậy, một nửa giang sơn Đại Chu đã bị Triệu thúc thúc của ngươi nắm vào trong tay rồi, nhất là trong quân. Đừng nói ngươi không hiệu lệnh được nhiều tướng sĩ Cấm quân, mà chính thánh chỉ của trẫm đưa tới trong quân cũng không so được quân lệnh của Triệu thúc thúc ngươi.

Sắc mặt của Thái tử và Tào Vương đại biến, ánh mặt biểu lộ khó có thể tin. Chu hoàng đế nhìn Tào Vương lại nói:

- Ngươi tín nhiệm Triệu thúc thúc của ngươi, nhưng nếu Triệu thúc thúc ngươi phản Chu, y nhất định sẽ giết huynh đệ các ngươi. Có lẽ ngươi cho rằng Triệu Khuông Dẫn sẽ không phản Chu, nhưng Tiên Đế gia của chúng ta cũng đã từng là trung thần, nhưng khi tay nắm trọng binh thì đã soán vị lập nên Đại Chu. Cái gọi là trung thần, đa số đều là thế lực khó có thể xây dựng cơ nghiệp, cho nên mới không thể không thần phục.

Thái tử gật đầu, nói:

- Phụ hoàng lệnh Triệu thúc thúc đi Giang Nam là có thâm ý ngầm.

Chu hoàng đế gật đầu, nói:

- Chủ yếu là vì đối phó Tấn quốc, thứ hai là điệu hổ ly sơn.

Thái tử gật đầu. Chu hoàng đế lại nói:

- Nhiều năm qua, sai lầm lớn nhất của trẫm là quá mức trọng võ khinh văn. Trước kia Đường quốc là trọng văn khinh võ, cho nên hoàn toàn áp chế mối họa võ tướng tạo phản. Mà Đại Chu lại là quân hùng như rừng, trẫm chỉ có thể dựa vào sự kiềm chế để duy trì thống trị.

- Đó không phải là sai lầm của Phụ hoàng. Nếu Đại Chu cũng trọng văn khinh võ, chỉ sợ sẽ bị đe dọa bởi mối họa ngoại xâm. Từ xưa, Trung Nguyên là nơi tứ bề giao tranh.

Thái tử giải thích.

Chu hoàng đế gật đầu, nói:

- Mọi việc đều có nặng nhẹ, trị quốc càng phải như thế. Lục Thiên Phong là một hùng tài, nhưng hắn chiếm cứ Hà Tây và Bắc Đình thì chẳng khác nào là một Hạ quốc thứ hai. Đối với Đại Chu, nguy hiểm nhất chính là nội hoạn. Một khi trẫm không còn, huynh đệ các ngươi sẽ rất khó áp chế các lão thần quân hùng, cho nên trẫm mới tiếp tục dung túng Lục Thiên Phong, mục đích là vì hình thành một thế lực mới để kiềm chế. Bất luận là quân hùng nào muốn tạo phản, đều sẽ cố kỵ hậu quả may áo cưới cho người. Từ xưa đến nay, kẻ nghịch thần đi tiên phong tạo phản, đa số đều trở thành đá lót đường cho người khác.

Thái tử và Tào Vương gật đầu. Chu hoàng đế nhìn Tào Vương:

- Hi Nhượng, trẫm biết ngươi muốn có công tích, nhưng Phụ hoàng khuyên ngươi một câu, điều hiện tại ngươi nên lo lắng chính là ngày sau có thể sống sót hay không.

Tào Vương vẻ mặt nghiêm trọng, thi lễ nói:

- Phụ hoàng, nhi thần đã hiểu.

Chu hoàng đế gật đầu, nói:

- Trẫm đã quyết định tứ phong Triệu Khuông Dẫn làm Giang Ninh quận vương. Ngày mai ngươi mang theo thánh chỉ và công văn phong thưởng các công thần khác đi Giang Nam tuyên dụ đi.

Tào Vương ngẩn ra, lập tức kinh ngạc nói:

- Phụ hoàng muốn phong Quận vương?

Chu hoàng đế gật đầu, nói:

- Đúng vậy. Trẫm nhất định phải cùng Triệu Khuông Dẫn tranh đoạt lòng quân ủng hộ. Trẫm phải gia tăng hoàng ân thì mới có khả năng áp chế Triệu Khuông Dẫn mê hoặc và lung lạc quân tâm.

Tào Vương gật đầu, nói:

- Nhi thần đã hiểu.

- Ngươi đi Giang Nam rồi, có thể ở lại Giang Ninh, cũng có thể trở về trong quân của Trương Vĩnh Đức. Trẫm tùy ngươi lựa chọn.

Chu hoàng đế nói.

Tào Vương ngẩn ra, suy nghĩ một chút nói:

- Nhi thần nguyện đến trong quân của đại cô phụ (dượng cả).

Chu hoàng đế gật đầu, ôn hòa nói:

- Trí giả không đứng dưới tường sắp sập (*). Nếu ngươi không muốn ngày sau trở thành con rối của Hoàng đế, vậy rời xa Triệu Khuông Dẫn một chút.

(*) nói tới thái độ làm người của trí giả là phải rời xa nơi nguy hiểm, phòng họa khi chưa xảy ra, một khi thấy mình rơi vào nguy hiểm thì phải đúng lúc rời khỏi.

Tào Vương nghe xong hơi biến sắc, tiếp đó im lặng gật đầu. Chu hoàng đế lại nói:

- Đại cô phụ của ngươi tuổi tác đã cao, hùng tâm đã nhạt, sau này trẫm sẽ mời y đến trấn thủ Khai Phong phủ.

Thái tử và Tào Vương đồng loạt gật đầu. Chu hoàng đế nhìn Thái tử, ôn hòa nói:

- Trẫm tính toán tứ phong Lục Thiên Phong làm Tây Tấn quận công. Hi Huấn, ngươi có nguyện tây tuần một chuyến không?

Thái tử giật mình kinh hãi, nhìn Chu hoàng đế, hơi chần chừ mới nói:

- Phụ hoàng muốn cho nhi thần đi Hà Tây gặp Lục Thiên Phong sao?

Chu hoàng đế ôn hòa nói:

- Trẫm không buộc ngươi đi. Mà là Hi Nhượng sắp đi Giang Nam, nếu ngươi cũng muốn ra bên ngoài một chút, thì có thể đến Tây bộ nhìn xem. Nếu không muốn thì cũng không sao.

Thái tử suy nghĩ một chút, thi lễ nói:

- Nhi thần không muốn đi ra ngoài. Nhi thần nguyện ở lại Khai Phong phủ vì Phụ hoàng phân ưu.

Chu hoàng đế gật đầu, nói:

- Cũng tốt.

Tào Vương chần chừ một chút, thi lễ lại nói:

- Phụ hoàng, nhi thần nguyện ra bên ngoài đi đây đó, muốn đến Tây bộ mở mang kiến thức về Hà Tây và Hà Hoàng, thuận đường thăm Lục đệ. Nhi thần nghĩ sau khi trở về từ Giang Nam, sẽ đến Hà Tây.

Chu hoàng đế hơi giật mình, lập tức ôn hòa nói:

- Ngươi nguyện đi, vậy thì đi đi. Tuyên chỉ đến chỗ của Lục Thiên Phong không cần phải gấp gáp.

- Vâng, nhi thần lĩnh mệnh.

Tào Vương cung kính nói.

Thái tử liếc nhìn Tào Vương một cái, chợt Chu hoàng đế nói:

- Các ngươi lui đi, trẫm mệt mỏi rồi.

Thái tử và Tào Vương hành lễ rồi rời đi. Chu hoàng đế dựa người trên long ỷ, nhắm mắt lại, sắc mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi, thật lâu sau, ông ta mới mở mắt, ngồi thẳng dậy, lấy thẻ tre đề bút.

- Tuyên chiếu, Phó sứ Ly Thạch quân Vân Cẩm Đông dẫn năm ngàn Ly Thạch quân quay về Khai Phong phủ, phòng ngự Thạch Châu báo cho Lục Thiên Phong đến tiếp quản.

Chu hoàng đế viết xong chiếu thư, đứng dậy rời khỏi điện Văn Đức, đi hậu cung dưỡng thần.

*****

Bốn ngày sau, tín sử truyền chiếu đã phi ngựa tới Thạch Châu, gặp được Vân Cẩm Đông trấn thủ Thạch Châu. Vân Cẩm Đông tiếp chiếu thư hết sức bất ngờ, vội lệnh cho người đi Hà Tây truyền tin, cũng để lại một quan tướng tâm phúc trấn giữ. Y rút tuyển năm ngàn tướng sĩ rồi chỉnh quân, xuất phát rời khỏi Thạch Châu.

Vì sao Vân Cẩm Đông không chờ Lục Thất hồi âm, đó là bởi trước đó y đã cùng Lục Thất giao hẹn. Hẹn sẵn chỉ cần Vân Cẩm Đông nhận được mệnh lệnh của triều đình Chu quốc, thì phải độc lập hưởng ứng nghe lệnh làm việc. Chu hoàng đế không có hạn định ngày Vân Cẩm Đông quay về, nhưng Vân Cẩm Đông cũng không đợi hồi âm của Lục Thất, mà lập tức xuất phát, càng hiển lộ sự phục tùng tuyệt đối quân lệnh của triều đình.

Vân Cẩm Đông đi rồi, nhưng Thạch Châu còn có hơn một vạn quân nhu binh, cũng chính là công dũng dưới hình thức quân quản, nhiệm vụ chủ yếu là khai thác than đá. Thạch Châu bây giờ, từ sau khi Lục Thất rời khỏi, lục tục hấp dẫn hơn bốn vạn dân nhập cư. Đã không còn chiến tranh tàn phá bừa bãi, Thạch Châu lại phát triển thương nghiệp coi trọng nông nghiệp, nhất là than đá và luyện khí cụ bằng thiết đã mang đến của cải thật lớn. Người dân đương nhiên nguyện tụ tập đến địa phương giàu có, hơn nữa bốn vạn dân di dời có hơn phân nửa đến từ châu vực của Tấn quốc công.

Lục Thất nhận được thông báo của Vân Cẩm Đông cũng cảm thấy bất ngờ, ngờ vực Chu hoàng đế điều Vân Cẩm Đông đến Khai Phong phủ phải chăng là muốn giữ làm con tin. Tuy nhiên Chu hoàng đế lệnh Vân Cẩm Đông suất quân đi Khai Phong phủ còn có một loại khả năng khác, đó là Chu hoàng đế muốn thay đổi một bộ quận Cấm quân của Khai Phong phủ.

Đối với việc Chu hoàng đế vẫn không bổ nhiệm vị trí Thứ sử Thạch Châu, Lục Thất tuy có ngoài ý muốn nhưng vẫn hiểu được, Chu hoàng đế là muốn dùng hắn uy hiếp Tấn quốc công. Hà Tây cách Thạch Châu rất xa, nhưng nếu Tấn quốc công có tâm tạo phản, tất sẽ không muốn nổi lên việc binh đao với Lục Thiên Phong trước, mà hy vọng Lục Thiên Phong có thể xem chừng.

Bởi vì đã cùng Hạ quốc đạt thành ước hẹn chung sống hòa thuận, cho nên sau khi Lục Thất nhận được tin, chỉ điều năm trăm quân lực đi Thạch Châu, tượng trưng tiếp quản phòng ngự Thạch Châu. Sở dĩ Lục Thất không điều nhiều hơn quân lực đi Thạch Châu, một là không muốn quân lực Hà Tây rời đi, hai là không nghĩ tạo thành áp lực uy hiếp Tấn quốc công. Nếu Tấn quốc công có tâm đột kích Thạch Châu, thế thì hai vạn quân lực trú đóng tại Thạch Châu cũng sẽ đồng dạng tùy theo tình thế không ổn mà trốn chạy.

Đối với việc Vân Cẩm Đông tiếp chiếu làm việc, Chu hoàng đế cũng rất bất ngờ. Ông ta cho rằng Vân Cẩm Đông sẽ lấy Lục Thiên Phong như thiên lôi sai đâu đánh đó. Vân Cẩm Đông lĩnh quân đi rất nhanh, sáu ngày là đã tới Khai Phong phủ, trước đó cũng đã cho thuộc hạ cưỡi ngựa đi thông báo.

Xu Mật viện nhận được tin báo, lập tức thỉnh chỉ Hoàng đế. Hoàng đế hạ chỉ, Vân Cẩm Đông nhậm chức Phó đô chỉ huy sứ Bộ quân ti, tương ứng Hổ Dực tả quân thuộc biên chế Cấm quân kinh thành. Không lâu sau, từ Bình Lư Tiết Độ Sứ quân ở Thanh Châu, Vũ Ninh Tiết Độ Sứ quân Từ Châu, mỗi nơi điều đến hai ngàn năm trăm tướng sĩ, hợp thành năm ngàn tướng sĩ Hổ Dực hữu quân. Khai Phong phủ lập tức có hơn một vạn Cấm quân xa lạ.


Cửu Mộng Tiên Vực

Chương (1-746)