Vay nóng Homecredit

Truyện:Liêu Trai Chí Dị II - Chương 226

Liêu Trai Chí Dị II
Trọn bộ 471 chương
Chương 226: Phòng Văn Thục
0.00
(0 votes)


Chương (1-471)

Siêu sale Lazada


Đặng Thành Đức người phủ Khai Phong (tỉnh thành Hà Nam) du học tới Duyện Châu (tỉnh Sơn Đông), ngụ trong ngôi chùa nát, chép thuê cho người coi việc làm sổ sách hộ tịch ở đó. Cuối năm đám nha dịch đều về nhà, riêng Đặng ở lại nấu cơm ăn một mình trong chùa. Sáng tinh mơ có người thiếu phụ gõ cửa vào, nhan sắc tuyệt đẹp, tới trước bàn thờ Phật thắp hương quỳ lạy rồi ra, hôm sau cũng thế. Đến khuya Đặng trở dậy thắp đèn, đang làm việc thì nàng tới sớm hơn. Đặng hỏi "Sao tới sớm thế?" nàng đáp "Sáng ra thì đông người lộn xộn, chẳng bằng cứ tới sớm, nhưng sớm quá lại sợ quấy rầy giấc ngủ của chàng, vừa rồi nhìn thấy ánh đèn, biết chàng đã dậy nên mới tới thôi". Sinh đùa nói "Trong chùa không có người, tới ở luôn cho khỏi mất công đi lại". Nàng mỉm cười đáp "Trong chùa không có người, thì chàng là ma à?". Đặng thấy có thể tán tỉnh, bèn chờ nàng làm lễ xong kéo ngồi lại đòi giao hoan. Nàng nói "Trước bàn thờ Phật làm thế sao được? Đã không có nhà cửa gì mà còn mong muốn bậy bạ". Đặng nài nỉ mãi không thôi, nàng nói "Cách đây ba mươi dặm, trong làng nọ có sáu bảy đứa nhỏ mời thầy dạy học chưa được. Chàng hãy tới đó hỏi Lý Tiền Xuyên, có thể được nhận, rồi nói là có mang vợ đi cùng, bảo họ xếp cho một gian nhà riêng, thiếp sẽ lo cơm nước cho, như thế mới là kế lâu dài". Đặng sợ việc lộ ra sẽ bị tội, nàng nói "Không sao đâu, thiếp họ Phòng tên Văn Thục, không có ai thân thuộc, quanh năm ở nhờ nhà ông cậu, ai mà biết được!". Đặng mừng rỡ từ biệt nàng, tới ngay làng nọ yết kiến Lý Tiền Xuyên, quả nhiên như đã bàn tính, hẹn sẽ mang gia quyến tới trước Tết.

Trở về, sáng ra nói cho cô gái biết, nàng hẹn sẽ chờ dọc đường. Đặng từ biệt bè bạn, thuê ngựa đi, được nửa đường quả nhiên gặp cô gái đứng chờ, bèn xuống ngựa trao dây cương cho nàng dắt rồi cùng đi. Tới nơi dạy học chung sống với nhau rất tương đắc, suốt sáu bảy năm như vợ chồng mà cũng không có ai tìm bắt người đi trốn. Cô gái chợt sinh được một đứa con trai, Đặng vì vợ ở nhà không sinh đẻ nên có con mừng lắm, đặt tên là Duyện Sinh. Cô gái nói "Vợ chồng giả rốt lại cũng khó thành chuyện thật, thiếp đang định từ giã chàng đi, lại sinh ra của nợ này không biết để làm gì?" Đặng nói "Đang tính nếu may mắn để dành được ít tiền sẽ cùng nàng trốn về quê, sao lại nói thế?". Nàng đáp "Cảm ơn! Cảm ơn! Ta không thể nhăn nhở mơn trớn lấy lòng để mong chị cả bao dung, mà làm vú em cho người, trẻ con oe oe khó chịu lắm". Đặng thanh minh rằng vợ mình không ghen, cô gái cũng không nói gì. Hơn một tháng sau, Đặng thôi dạy học, định đi buôn chung với con trai Tiền Xuyên, nói với cô gái "Ta nghĩ làm thầy mở lớp thì không bao giờ giàu được, nay học đi buôn ngõ hầu còn có ngày về được quê", nàng cũng không đáp. Đến tối, bỗng nàng bế con dậy, Đặng hỏi làm gì, nàng đáp "Thiếp muốn đi". Đặng vội trở dậy đuổi theo hỏi han, nhưng cổng còn chưa mở mà cô gái đã biến mất, sợ quá mới biết nàng không phải là người. Đặng vì thấy lai lịch nàng đáng ngờ nên không dám kể cho ai, chỉ nói thác là vợ về thăm cha mẹ ruột.

Trước kia, lúc Đặng ra đi có hẹn với vợ là Lâu thị rằng cuối năm sẽ về, nhưng suốt mấy năm không có tin tức gì, người ta đồn là đã chết. Anh trai thấy không có con, muốn nàng lấy chồng khác, Lâu xin đợi ba năm nữa, hàng ngày chỉ lủi thủi ở một mình một nhà, kéo sợi sinh nhai. Một hôm trời vừa tối, nàng ra đóng cổng ngoài thì có một cô gái bước vào, bế theo một đứa bé còn quấn tã, nói "Ta từ nhà mẹ đẻ trở về, tới đây thì vừa tối, biết chị ở có một mình nên xin ngủ nhờ ". Lâu mời vào, tới trong phòng nhìn kỹ thì là một người đẹp khoảng hơn hai mươi tuổi, vui vẻ cho nằm chung giường. Nhân đùa giỡn với đứa nhỏ, thấy nó trắng như quả bầu, than rằng "Mụ góa ta lại không có được một đứa con thế này". Cô gái nói "Ta đang ngại vì nuôi nó phiền quá, nếu cho chị làm con nuôi để nối dõi thì chị thấy sao?" Lâu nói "Chưa nói tới chuyện nương tử không nỡ dứt tình, cho dù có nỡ thiếp cũng không có sữa, làm sao nuôi được?" Cô gái nói "Chuyện đó có gì khó, lúc sinh cháu, ta cũng lo không có sữa, chỉ uống nửa tễ thuốc là có ngay. Nay thuốc thừa vẫn còn đây, xin biếu cho chị", rồi lấy gói thuốc ra đặt trước cửa sổ. Lâu thị ậm ừ, chưa thấy có gì khác lạ. Kế ngủ đi, khi tỉnh dậy gọi thì đứa nhỏ còn đó mà cô gái đã mở cửa đi rồi, vô cùng khiếp sợ. Rạng sáng đứa nhỏ khát sữa khóc đòi bú, Lâu bất đắc dĩ phải uống thuốc, giây lát sữa chảy ròng ròng bèn cho nó bú.

Hơn một năm, đứa nhỏ ngày càng bụ bẫm, bắt đầu học nói, nàng thương yêu chẳng khác gì con mình đẻ ra, vì vậy bỏ luôn ý định cải giá. Nhưng sáng ra đã phải bế con, không làm gì được nên ngày càng túng thiếu. Một hôm cô gái chợt tới, Lâu sợ đòi lại con, trước tiên trách ngay về việc lẳng lặng bỏ đi không nói, kế kể tới nỗi khó nhọc nuôi nấng đứa nhỏ. Cô gái cười nói "Chị kêu ca khó nhọc thì ta không đòi con lại sao?", rồi vẫy gọi con. Đứa nhỏ khóc sà vào lòng Lâu thị, cô gái nói "Con nghé con không nhận mẹ nó nữa rồi! Của này dẫu trăm lượng vàng cũng khó đổi được, cứ chồng tiền ra để làm giấy tờ". Lâu tưởng nói thật giận tím mặt, cô gái cười nói "Chị đừng sợ, thiếp tới chính vì con mà! Sau khi ra đi, lo chị không có tiền nuôi cháu, nên tìm đủ cách kiếm được hơn mười lượng vàng", rồi lấy vàng ra đưa Lâu. Lâu sợ nhận vàng xong cô gái sẽ có cớ đòi con nên nhất quyết từ chối, cô gái bèn đặt vàng lên giường rồi ra cửa đi thẳng. Lâu bế con đuổi theo ra thì nàng đã đi xa, gọi cũng không ngoái lại, còn ngờ là có ý ác, nhưng được vàng đem cho vay lấy lời, trong nhà cũng no đủ.

Ba năm sau Đặng buôn bán có tiền sắm sữa hành trang trở về nhà. Đang cùng hỏi han an ủi nhau, thấy có đứa nhỏ hỏi con nhà ai, vợ kể lại duyên do. Đặng hỏi tên, Lâu đáp "Mẹ nó gọi là Duyện Sinh, thiếp cũng giữ nguyên như cũ. Đặng ngạc nhiên nói "Thế thì đúng là con ta đấy". Hỏi lại ngày giờ thì đúng đêm cô gái bế con đi. Đặng bèn kể lại hết chuyện hợp tan với Phòng Văn Thục, hai vợ chồng càng thêm vui mừng khuây khỏa, vẫn mong cô gái trở lại nhưng rốt cuộc vẫn biệt tăm.


Cửu Mộng Tiên Vực

Chương (1-471)