← Ch.055 | Ch.057 → |
Nguyệt Anh chuyển kiếp làm người, tính linh không mờ tối, tuy sống trong nhung lụa, vẫn thường suy nghĩ, không quên việc tu đạo Nhưng cách tu đạo của cô không giống với người khác.
Người khác chỉ cầu độc thiện kỳ thân, cô cùng Thái Hòa có quan hệ sinh tử, nếu Thái Hòa không lên tiên, Nguyệt Anh cũng không thể một mình thành đạo. Hai người có quan hệ về lai lịch vô cùng mật thiết, đồng sinh đồng tử, cùng chuyển thai phàm một lượt, tất nhiên phải cùng nhập tiên giới. Nếu một người không thành đạo, người kia nhất định không bỏ rơi mà đi chỗ khác. Thần tiên xưa nay rất vô tình, mà cũng rất hữu tình. Chỉ có điều rằng chỗ hữu tình đó lại không lấy tình làm căn bản, nên mới càng thấy tình là đau khổ, càng nặng lòng với tình. Đó chính là nỗi lòng của Nguyệt Anh, rất buồn rầu khi nghe biết Thái Hòa bị vật dục mê hoặc, để lòng mê mẩn với lợi danh. Ở địa vị cha mẹ cô, vì mưu cầu hạnh phúc cho con gái, nay được chàng rể tốt như vậy, tự nhiên là hân hoan vô cùng. Nào ngờ Nguyệt Anh lại có hoài bão khác, đột nhiên nghe được những điều trái chí hướng của mình, càng thêm sầu khổ.
Nhất thời nóng vội, cô không ngăn được hai giòng nước mắt lã chã tuôn xuống, khiến vợ chồng Vương Quang kinh hãi quá chừng, không hiểu con gái mình nghĩ gì mà xúc động mạnh như thế. Hai ông bà cùng lên tiếng hỏi một lượt:
- Con ơi, con có điều gì khó nói? Được người chồng như thế sao còn chưa vừa ý?
Nguyệt Anh càng bối rối trong lòng. Nhưng xưa nay, con gái đối với việc hôn nhân, hoặc nghe nói về người chồng chưa cưới, đều e thẹn, không thể mở miệng thổ lộ lòng mình. Nguyệt Anh tính tình rất trung hậu, biết cha mẹ mình rất yêu quí Thái Hòa, khen cậu ta còn trẻ đã biết lập chí, cô không thể nói thật lòng mình khiến cha mẹ mất vui. Vì thế, cô đành làm vẻ mặt tươi cười, xin cha mẹ hãy phóng tâm. Vương Quang cười lớn tiếng, nói:
- Mấy cô gái nhỏ nghe nói tới chuyện chồng con, cô nào cũng e thẹn cả. Vậy mới ra dáng tiểu thư nhà đại gia chứ.
Phu nhân nghe vậy, cũng cho là phải. Thật tình, ông bà cũng biết Nguyệt Anh nói câu thoái thác, nhưng cứ nhận lầm là cô e thẹn, nói vài câu khuyên nhủ, để giải toả nỗi lòng con gái. Bấy giờ, trong lòng Nguyệt Anh chỉ hy vọng đợi tới ngày về nhà chồng, được cùng Thái Hòa gặp mặt, sẽ sớm chiều khuyên nhủ, đem chuyện tiền nhân hậu quả, thường thường nói chuyện với chồng.
Nếu quả thật Thái Hòa có túc tuệ, tiền duyên, nhất thời lầm lạc, ắt cũng cảm động mà hiểu ra. Chỉ cần cậu biết tỉnh ngộ, vợ chồng sẽ cùng nhau xuất gia, tìm tiên hỏi đạo, sớm dứt bỏ nghiệt căn đắc đạo lên trời. Kỳ hạn đó cũng không xa lắm đâu. Nay nghe được câu chuyện cha mẹ nói với nhau, cô nhận thấy cơ hội để khuyên nhủ Thái Hòa đã tới, Nguyệt Anh thầm mừng trong lòng phấn chấn tinh thần, đã có lúc vui vẻ, tươi cười. Đám chị em thấy vậy, lên tiếng chê cười, nói cô mới tí tuổi đầu, đã muốn bám lấy chồng, không biết hổ thẹn. Nguyệt Anh chịu oan khuất, mà không thể biện giải, đành cười mà bỏ qua.
Vợ chồng Vương Quang đã chọn được ngày lành giờ tốt, đưa Nguyệt Anh sang sông. Bên kia, cha con Lam Văn đã tính chuẩn xác thời khắc, đem ngựa và kiệu, đợi sẵn chỗ bến đò. Cặp vợ chồng trẻ mới gặp nhau, đã như thể quen biết từ lâu, quên cả thẹn thùng, tương thân tương ái. Trên đường đi, không tiện trò chuyện.
Chừng về đến nhà, Lam Thái Hòa liền đưa vợ vào bái kiến các vị trưởng bối, sau đó ra mắt các anh chị em ngang hàng. Các anh chị em này đều còn trẻ, thích nô đùa, trêu ghẹo Thái Hòa vài câu, Thái Hòa chỉ biết cười, không cãi lại câu nào. Bà mẹ Thái Hòa là Ô thị, vừa thấy nàng dâu chưa cưới, đã yêu thương khác thường, ôm cô vào lòng, coi như bảo bối. Nguyệt Anh cũng khôn khéo, biết lấy lòng cha mẹ chồng, thuận miệng gọi "Ma ma" và "Gia gia", như con gái của ông bà Lam Văn. Ô thị liền kêu Nguyệt Anh tới ngủ chung phòng với bà, đuổi Thái Hòa đi chỗ khác. Nguyệt Anh thấy cha mẹ chồng sủng ái, trong lòng rất được an ủi, chẳng nói làm gì.
Đây nói về Lam Thái Hòa, từ bé đã không quên kiếp trước. Năm tuổi bắt đầu học chữ, bảy tuổi đã làm được thơ văn. Lúc đó chí hướng của cậu cũng giống như của Nguyệt Anh, không khác chút nào, chỉ cầu tu tiên, liễu đạo, không ham danh lợi. Nhưng vì nhà họ Lam đã nhiều đời làm quan lại, các bạn thân thường lui tới cũng đều là người làm quan lại, bọn trẻ nhỏ đọc sách từ bé, đều có ý nghĩ lớn lên phải làm quan. Người lớn giáo huấn trẻ nhỏ, chẳng ai là không hy vọng bọn chúng làm quan, để vinh diệu tổ tông. Thái Hòa dầu sao cũng còn nhỏ, ở trong gia đình như thế, tất nhiên là ưa thích cách hun đúc đó, dần dần, trong lúc không ngờ tới đã thay đổi hoàn toàn ý chí ban đầu, chỉ một lòng nghĩ tới chuyện bắt chước tiền nhân, rập theo chí hướng người xưa, mới là điều tốt. Vợ chồng Lam Văn thấy con như vậy tất nhiên là vui sướng. Ô thị đem chuyện Thái Hòa lập chí ra sao, dụng công thế nào, nói hết cho Nguyệt Anh biết. Nguyệt Anh chẳng dám nói gì, còn chiều theo ý Ô thị, mà xưng tụng, khiến Ô thị mát lòng hởi dạ.
Ngay hôm đó, Nguyệt Anh nhập học. Cặp vợ chồng nhỏ cùng vào thư phòng, ngồi đối diện nhau. Mao tiên sinh là người học rộng, dạy được hai học sinh nghe một biết mười, nhìn lướt một lượt, đọc mười hàng chữ, chẳng vất vả chút nào. Hai người hàng ngày ngồi ở thư trai học tập, không xin nghỉ một buổi nào, vì thế việc học tiến bộ rất nhanh.
Nguyệt Anh lợi dụng những lúc ngoài chính khóa, đem sách đạo kinh đặt ở trên bàn, giả bộ tình cờ lật qua vài trang, cố ý đọc lên cho Thái Hòa nghe. Lúc đầu Thái Hòa cho rằng Nguyệt Anh có ý khoe tài học, không chú ý lắm. Ngày lâu, tình cảm hai bên gia tăng, không còn giữ kẽ nữa, Thái Hòa mới hỏi:
- Muội muội, sao cô ham đọc thứ Đạo thư này?
Nguyệt Anh đã để bụng đợi sẵn câu hỏi này, liền cười, đáp:
- Chẳng lẽ ca ca quên rồi sao! Đây là loại sách chúng ta mong đợi được đọc
Thái Hòa nghe vậy, cười rộ.
- Thì ra là vậy. Muội muội muốn nhắc nhở ta về chuyện kiếp trước chứ gì? Một đời làm vợ chồng, vui thú đâu chưa thấy, chỉ rước lấy một kết cuộc thảm khốc. Hồi tướng lại chỉ khiến người ta đau lòng, nãn chí. Cũng may bây giờ chuyển kiếp, được gặp lại nhau, lại được tiên sư tác thành, cho làm vợ chồng, nối lại mối lương duyên, chỉ nên sống một cuộc sống sung sướng, bù đắp lại những nỗi oan khổ kiếp trước, há chẳng tuyệt diệu hay sao? Việc gì phải mất công hướng về Đạo môn cầu lấy cách sống? Chứng được đạo hay không, cũng chưa biết được, mà hạnh phúc một đời đã sớm đem đổ xuống sông, xuống biển, chẳng là đáng tiếc lắm sao? Không giấu gì muội muội, ngu huynh lúc đầu cũng không quên túc duyên, thường hay nghĩ tới việc xuất gia tu đạo, sau nghĩ lại đời người có hạn, chẳng nên tự chuốc lấy khổ. Nếm đau khổ còn là chuyện nhỏ, sợ nhất là chuyện tu đạo quá viển vông, vị tất đã có thể thành công. Khoan nói chuyện khác, hãy nói tới những người tu đạo xưa nay, tính ra chẳng phải ít ỏi, mà sao những người có tiếng, chúng ta ai nấy đều biết, chỉ loe ngoe vài ba mống? Nghĩ tới đó ta liền hối ngộ những điều sai lầm ở kiếp trước, nên mới nỗ lực... học kinh truyện của thánh hiền, dự bị mai sau ra làm quan, phục vụ hoàng gia, cùng muội muội hưởng vinh hoa phú quí chốn nhân gian, há chẳng tốt đẹp hay sao?
Nguyệt Anh vội đáp:
- Ca ca nói vậy sai rồi. Người ta sở dĩ muốn tu tiên, chính vì thấy đời người thấm thoắt qua mau, nếu có sống tới trăm năm chăng nữa, cũng chỉ như đám mây nổi, trôi qua trước mắt. Trong một trăm năm đó, bứt đầu chặt đuôi, còn được bao nhiêu thời gian để hưởng phú quí? Làm sao có thể sánh với thần tiên vượt ra ngoài vòng trần thế, tiêu diêu tự tại, thọ ngang trời đất, tồn tại cùng mặt trời, mặt trăng? Tuy thời gian tu đạo không tránh khỏi nếm mùi đau khổ, trải qua gian nguy, nhưng đó chỉ là thời kỳ ngắn ngủi, điều mất mát rất ít, mà điều sở đắc là không hạn chế. Còn nói rằng tu đạo khó thành, quả nhiên không sai, nhưng phải biết rằng ông trời không phụ lòng người khổ tâm bao giờ. Người không có duyên mà nhập đạo, chỉ cần khổ tâm, kiên chí, vị tất đã không thành công. Huống gì là chúng ta, những người sẵn có túc duyên, lần này đoạ phàm trần, lại được người tiên chỉ dẫn, nâng đỡ? Nếu quả thật không có tiền duyên, tại sao tiên sư lại nhiệt tâm chiếu cố? Điều đó cho thấy những chỗ người khác gặp khó khăn, chúng ta cũng phải trải qua, nhưng đừng ngại khó, mà càng phấn chấn tinh thần, đừng tự buông rơi mình. Ca ca nói từ xưa đến nay, những người tu thành tiên đạo rất ít, muội tử lại thấy những vị kim tiên, thiên tiên, địa tiên, quỉ tiên khắp ba cõi chẳng ít ỏi gì. Nên biết việc thành tiên sở dĩ đáng quí, chính vì tu đạo chẳng phải dễ dàng. Nếu ai nấy đều có thể tu đạo, người nào cũng thành tiên, thì thần tiên sẽ tràn lan khắp nơi, ai còn thèm nhắc tới làm chi? Dám xin khuyên nhủ ca ca, hãy luôn luôn nhớ tới chuyện kiếp trước, mà sớm tỉnh ngộ, đừng để phụ ý tốt của tiên sư, cùng ơn đức của Diêm vương đã chu toàn cho chúng ta.
Lam Thái Hòa nghe vậy, cất tiếng cười ha hả, nói:
- Muội muội mới thật mê lầm đó. Theo ta nghĩ, người ta đã sinh ra ở đời, bất luận là tu đạo hay không, đều phải sống một cuộc sống mạnh mẽ, oanh liệt, để thiên hạ đời sau biết tới Lam Thái Hòa ta là một nhân vật lừng lẫy, mới khỏi hoang phí một kiếp sống. Đến chừng công thành danh toại, nếu quả tiên duyên không giảm, lúc đó ta cùng muội muội khắc khổ dụng công cũng chưa muộn.
Nguyệt Anh biết Thái Hòa chìm ngập trong ma chướng đã sâu, nhất thời có mất công nói năng, cũng không cứu vãn kịp, đành phái nén lòng, từ từ đợi cơ duyên, mới có thể khuyên nhủ, cảnh giới.
Nguyệt Anh ở nhà họ Lam đọc sách, thấm thoắt đã được nửa năm. Vợ chồng Lam Văn sủng ái nàng khác thường, mà tình cảm dành cho nàng ngày càng sâu đậm, có thể còn hơn cả đối với con trai.
Bà vợ thứ của Lam Văn là Hồ thị, có một đứa con trai và một đứa con gái, cả hai đều mặt mày phèn phẹt, ngu xuẩn như heo, nên vợ chồng Lam Văn đều không yêu thương chúng lắm. Hồ thị chỉ tức tối, không biết làm sao, nói chúng cũng là con lão gia sinh ra, tại sao lại phân ra bên trọng bên khinh? Ô phu nhân nghe được, nhưng cũng bỏ qua, mặc cho Hồ thị làm ầm ĩ một trận, rồi thôi.
Bây giờ, khi không lại xuất hiện một cô con dâu chưa cưới, được phu nhân sủng ái khác thường. Ngay cả Lam Văn cũng coi cô như ngọc báu trên tay. Tuy ông đối đãi với các con của Hồ thị trước sau như một, không vì có Nguyệt Anh vào nhà, mà tăng phần lạnh nhạt, nhưng trong con mắt Hồ thị, rõ ràng từ ngày có Nguyệt Anh, vợ chồng Lam Văn đã đối xử khắc bạc với hai con của bà ta. Vì thế, bà ta càng tức tối, ganh ghét, chịu không nổi. Lúc đầu chỉ lên tiếng bất bình sau lưng ông bà Lam Văn, sau rồi thấy ông bà bỏ qua không lý tới, bà ta càng được nước, oang oang cái miệng.
Nguyệt Anh cô nương tuổi còn trẻ, lại chuyên tâm học đạo, làm sao hiểu được đường đời hiểm ác, lòng người biến trá? Vả lại, cô ở lì chốn thâm khuê, không đặt chân ra khỏi cổng nhà, đối với tình người, việc đời thông thường, cô đều không hiểu rõ. Từ khi tới nhà họ Lam đọc sách, trừ những lúc cùng Thái Hòa miệt mài học tập, cô chỉ giúp Ô phu nhân việc nữ công, may vá, còn đối với người khác, cô không ân cần lắm. Những người không có tâm bệnh, tuy thấy cô ít quan tâm tới người khác, cũng chỉ cho là cô có tính e thẹn, ưa tĩnh mịch, lười bắt chuyện, chứ không một ai thấy cô có điều gì xấu. Riêng có Hồ thị, vốn tính nhỏ nhen, nhìn bất cứ cử động nào của Nguyệt Anh, đều hàm ý khinh thị mẹ con bà ta, mới nghĩ: "Con bé này hiện giờ còn nhỏ, chẳng qua ở đây để học ké, bất luận thế nào cũng chỉ là một người khách, mà đã lên mặt kiêu căng, khinh người như thế, mai mốt lớn lên, về làm dâu nhà này thành cô chủ nhỏ của chúng ta, thì chẳng cần phải nói, cũng hiểu, nó sẽ thẳng tay thu thập chúng ta". Vì nuôi sẵn những ý nghĩ đó, bà ta coi Nguyệt Anh như một cái gai trước mắt. Vì Thái Hòa luôn luôn bênh vực Nguyệt Anh, bà ta căm giận lo sợ mà không biết làm sao.
Hồ thị có một người em trai là Hồ Thiên, một kẻ tiểu nhân lòng dạ hiểm ác, chuyên gây chuyện sóng gió. Trong nhà nghèo khó, tường trơ bốn vách, hắn thường phải nhờ người chị chiếu cố, lấy chút tiền đánh bạc cò con, hàng ngày ra vào sòng bạc, kiếm chút cháo. Người xưa có nói: "Nhận lộc của người, phải lo hoạn nạn cho người", Hồ Thiên đã hoàn toàn trông cậy vào chị để sinh sống, làm sao không chia sẻ nỗi lo của chị? Huống chi hắn thường thậm thụt vào nhà họ Lam, bị vợ chồng Lam Văn khinh rẻ vô cùng. Với tình hình đó, tiền trình của bà chị và vận mệnh của cậu em đều gặp nguy hiểm khác thường. Vì thế Hồ thị coi Hồ Thiên là người chung hoạn nạn với mình, mà Hồ Thiên cũng hết lòng vì chị nghĩ ra những ý kiến, làm sao cho Thái Hòa, Nguyệt Anh, hai chủ nhân nhỏ tuổi, phải chết cùng một lượt. Khi đó, quyền hành trong gia đình sẽ lọt vào tay Hồ thị. Ô phu nhân tuy là chính thất, nhưng mất con trai, chẳng khác nào ông quan mất ấn, làm sao xử lý việc công? Hồ Thiên lúc đó cũng nghiễm nhiên là một vị cữu cữu phụ chính. Gia tư nhà họ Lam phải chia ba, một phần lọt vào tay chị em Hồ thị. Hai chị em suy nghĩ, chỉ đợi cơ hội để ra tay.
← Ch. 055 | Ch. 057 → |