Truyện ngôn tình hay

Truyện:Bát Tiên Đắc Đạo - Chương 018

Bát Tiên Đắc Đạo
Trọn bộ 100 chương
Chương 018: Kim sơn thành cổ tích Đền ơn ở kiếp sau
0.00
(0 votes)


Chương (1-100)
Hot!!! Pi Network đã chính thức lên mainnet! Đừng bỏ lỡ cơ hội như bitcoin!

Ở hồi trước, sách này có nói tới việc mở đạo tràng ở trong vỏ ốc, Tuệ Thông đạo cô có nói rằng vị pháp sư chủ trì đạo tràng là một ông tiên què, họ Lý. Nay chúng tôi sẽ nói tới tiểu sứ của vị tiên què đó, ông xuất thân ra sao, chứng đạo thành công thế nào, và kể rõ cả những việc ông tế nạn, cứu đời, cùng mối quan hệ của ông với Hà tiên nữ, nói rõ một lượt.

Các vị độc giả hiểu địa lý của Trung Quốc, hẳn biết rõ về một danh sơn nằm vắt ngang qua sông chứ? Núi đó có tên là Kim sơn, chẳng phải một ngọn núi do thiên nhiên sinh ra đâu. Cách đây vài ngàn năm, nơi đó chẳng những không phải là đất bằng mọc lên một ngọn núi, mà ngay cả một vùng đất bình thường để người dân sinh sống cũng không hề có, nói tóm tắt một câu, đó chẳng qua chỉ là một vũng nước rộng mênh mông ở trung lưu của sông Dương Từ. Đến thời trung diệp nhà Chu, ở trên bờ sông đó có một thôn làng rất rộng, trong thôn có một người vừa đọc sách vừa làm ruộng, một vị quân tử ẩn cư, không chịu ra làm quan, gọi là Mã Thượng Nguyên, sinh được một gái, tài đức, dung mạo đều đủ, người ta gọi là Mã đại cô nương. Năm cô nương được mười tám tuổi, lấy chồng là một thư sinh họ Cổ, người cùng thôn, là một hàn sĩ nghèo rớt mồng tơi, lại có một bà mẹ kế hung hãn không ai bằng, là bà Vu thị. Đại cô nương về nhà chồng, cảnh mẹ chồng nàng dâu hiềm khích nhau cũng chưa từng thấy xưa nay. Vu thị thấy hàng xóm và họ hàng đều thân mật với đại vương, mà lạnh nhạt với mình. Bà ta không nghĩ thiên hạ sơ tình với mình là tại mình tính tình độc ác, trong khi đại cô hết sức dịu dàng. Trái lại bà ta còn nghi đại cô đã nói xấu bà trước mặt người khác. Hơn nữa Vu thị là người có thành kiến cứng ngắc, hễ bà đã nghĩ gì, không ai có thể lay chuyển nổi. Tuy đại cô cố giữ hiếu đạo, hy vọng mẹ chồng sẽ thay đổi mà thương yêu mình, nhưng Vu thị lại nói: "Nó cố tình che giấu gian ý, để người ngoài nhìn vào tưởng nó ngoan lắm, chứ thật tình lòng nó chứa gươm đao, hận không thế đâm chết tôi thôi".

Đại cô chịu đựng tất cả oan tình đó, không dám nói cho chồng biết. Cổ thư sinh là một người con hiếu, thông tình đạt lý, biết mẹ và vợ bất hòa, chẳng dám phê bình mẹ là sai, trước mặt vợ không dám có câu nào an ủi, khuyên can. Trái lại, thấy mặt vợ ủ dột chàng còn trách nàng không tròn hiếu đạo. Vì thế, gia đình này càng xào xáo. Ngày lại ngày, bất giác mà đã qua năm, sáu năm. Cổ thư sinh rất khó xử, không tài nào điều chỉnh được chuyện gia đình. Chàng cũng biết vợ mình là một người đàn bà hiền đức, hàng ngày bị mẹ kế của chồng đánh chửi vô lý, làm sao có thể nhẫn tâm đẩy sóng nhỏ trợ giúp sóng lớn để làm khổ vợ mình?

Vu thị chẳng những giở mọi thủ đoạn để hành hạ con dâu, còn ngày đêm trách oan con trai, nói anh ta bênh vợ để cãi lại mẹ, sủng ái vợ để ngỗ ngược với mẹ. Tội bất hiếu còn gì nặng hơn?

Cổ thư sinh quá đau khổ vì cảnh gia đình, quyết định đi ra ngoài để tìm cơ hội. Vừa may có một người bạn giới thiệu chàng với một nhà buôn, trợ giúp ông ta trong việc mua bán. Cổ thư sinh nghĩ nên nhân dịp này xa nhà một thời gian, thứ nhất là tránh được cảnh gia đình bất hòa, thứ hai là kiếm được tiền gửi về nuôi mẹ.

Cổ thư sinh đi rồi, Mã đạo cô phải thay chồng làm bổn phận của người con trai, tìm trăm phương ngàn kế để kiếm tiền phụng dưỡng Vu thị. Chẳng dè bà ta thấy nàng kiếm ra tiền, lại nói nàng nhất định có bồ bịch, nếu không, ở đâu kiếm ra nhiều tiền thế?

Những câu nói bóng gió đó khiến đại cô phải bịt tai chịu đựng, nổi khổ so với lúc chồng còn ở nhà lại tăng gấp mười. Nàng phẫn chí, lăn ra đất, chết giấc hồi lâu. Vu thị chẳng thèm để ý tới nàng, còn nói nàng giả bộ chết để dọa. Tất nhiên đại cô chết giấc một hồi, rồi cũng tỉnh lại. Vu thị đắc ý nói: "Đấy, tôi nói có sai đâu. Con tiện nhân này mưu mô giỏi lắm. Lần sau nó chết thật, tôi cũng mặc xác!".

Trong lúc oán hận, đại cô cũng muốn chết thật để làm sáng tỏ chí của mình, nhưng sau nghĩ lại: "Chẳng thà để mẹ bất từ, ta cũng quyết không tỏ ra bất hiếu. Vả lại chồng ta lúc lâm biệt có dặn dò ta không nên chán sống, kẻo lấy ai phụng dưỡng mẹ già đã suy yếu? Vi thế nàng càng nhẫn nhịn, dầu oan khổ cách mấy cũng ráng chịu đựng.

Cổ thư sinh gửi về được bao nhiêu tiền, Vu thị tóm hết ráo, không cần biết đến đại cô sống chết ra sao. Lại nhân có tiền chi dùng, không cần tới đại cô nữa, càng thêm ghét bỏ, thấy mặt con dâu như cái đinh trước mắt, nghĩ cách nào để tống khứ nàng đi. Mụ đánh tiếng bán nàng đi, muốn mua về làm vợ lẽ, làm con hầu đều được mà giá cả cũng không thành vấn đề.

Bấy giờ, trong thôn có một tên ác bá, tên là "Hoạt Lão Hổ" (cọp già sống) từng nghe đại cô tài sắc kiêm toàn, nuôi dạ bất lương đã lâu, hận rằng đại cô giữ trinh khiết, hắn không có cơ hội mà lợi dụng. Nay nghe tin này, hắn mừng quá, sai người tới thương lượng, đòi giá bao nhiêu, trả ngay giá đó, ước hẹn hôm sau làm lễ đón dâu.

Hôm sau, Vu thị bỗng gọi đại cô tới, dịu nét mặt, cất giọng ôn tồn nói với nàng. Đại cô thấy vậy, tỏ vẻ ngạc nhiên, nghe mụ nói:

- Năm xưa bố chồng của con mắc bệnh nặng, có tới khấn nguyện ở miếu của thần sông. Về sau, ông qua đời, mẹ cũng quên trả lễ không ngờ đêm qua nằm mơ thấy một giấc mộng. Mẹ mơ thấy thần sông sai người tới trách mẹ đã thất hứa, mẹ mới nói: "Lời hứa thật tình con chẳng dám quên đâu, mà vì con quá già yếu, đi đứng bất tiện, mới để diên trì tới tận hôm nay". Người đó nói: "Nếu thế, người có thể sai con dâu đi thay, cũng được vậy". Lúc mẹ tỉnh dậy, cảnh trong mộng dường như còn rành rành trước mắt, không quên điểm nào, cho thấy chuyện này hoàn toàn chính xác, không chút giả dối. Con dâu yêu quí, con hãy thay mẹ đi một chuyến nhé. Sau này chồng mày về, nhất định cảm kích, thương yêu mày lắm đấy!

Đại cô từ ngày chồng đi khỏi, chưa hề thấy mẹ chồng đối xử với mình từ tế như thế, lại nghĩ đây là lệnh của mẹ, mình cứ tuân theo, không chừng bà nghĩ lại, biết thương yêu mình chăng? Vì nghĩ vậy, nàng cũng dạ dạ tuân lời. Chừng trở về phòng riêng, nàng suy nghĩ, thấy chuyện này vô lý quá, không biết bên trong có ẩn chứa mưu mô gì hay không?

Hôm sau, nàng dậy sớm, rửa mặt chải đầu sơ qua, đã nghe Vu thị nói:

- Bên ngoài, xe đã tới, con mau mau lên xe đi!

Đại cô càng ngạc nhiên, buột miệng hỏi một câu:

- Sao mẹ lại phải mướn xe? Con dâu mẹ dẫu yếu ớt, một lộ trình bảy tám dặm làm gì đến nỗi không đi nổi? Hà tất phải mướn xe? Chẳng phí tiền của mẹ lắm sao?

Vu thị cưới đáp:

- Đừng nói lôi thôi, mau đi đi. Con cần đi cho nhanh, chừng một buổi về liền, đừng để mẹ cô đơn, chịu không nổi. Có xe thay chân, đi nhanh hơn chứ. Vả lại lúc này, chồng mày gửi tiền về, nhà mình cũng dư giả, chút tiền xe ngựa nhỏ nhoi so kè làm chi? Con đừng nhiều lời nữa, đi cho mau, về cho sớm! Đừng để mẹ phải ngóng chờ nhé!

Đại cô đã biết lần đi này là ngụy kế, lành ít dữ nhiều, nhưng chung qui nàng cũng đoán không ra là mưu mô gì. Tuy nhiên, người đã chán sống như nàng, thì chết là cùng, có gì phải sợ?

Nàng từ biệt Vu thị, ra khỏi cổng lớn, quả thấy có xe ngựa đậu sẵn, còn có nhiều người phu xe đi kèm. Nàng chợt hiểu nội dung chuyện này, nhưng cũng bất cần, leo lên xe đi ngay.

Đi chừng ba, bốn dặm, xe quẹo sang đường khác, không phải lối đi tới miếu thần sông. Đại cô hiểu ra liền, vén rèm nói với người đánh xe:

- Tạm dừng xe, cho tôi hỏi một câu!

Người kia nghe lời, hãm cường ngựa, cỗ xe từ từ ngừng bánh.

Đại cô không biến đổi sắc mặt, thung dung hỏi:

- Các vị có phải những người do mẹ chồng tôi mướn, để đưa tôi tới miếu thần sông hay không?

Mấy người phu xe nghe hỏi, đều tỏ vẻ ngạc nhiên, nói:

- Không phải đâu. Chúng tôi là người của Lưu đại nhân, ở thị trấn phía Tây, sai đi đón dâu đây mà. Chuyện này sao nương tử còn mờ mờ mịt mịt, chẳng biết gì cả?

Trong nhóm có một người có vẻ là người cầm đầu nhóm phu xe, nói:

- Chuyện này tôi hiểu rõ hơn ai hết. Đại khái là vị tiểu nương tử không chịu lấy Lưu đại nhân, mà bị bà già chồng ép gả, có đúng không?

Đại cô chưa kịp đáp, những người kia đã tranh nhau hỏi:

- Làm sao anh biết dược?

- Chuyện sờ sờ trước mắt, làm gì không thấy? Bà kia làm chủ, bảo sao nghe vậy, là việc quang minh chính đại, tại sao phải giở trò giấu giấu, diếm diếm như thế này? Từ nhà tới miếu thần sông không xa, hà tất phải bày vẽ xe ngựa rềnh ràng?

Đại cô nghe mấy người phu xe nói chuyện với nhau, đã hiểu sự tình, ngồi ngây người ra, không nói một câu. Tình cảnh của nàng lúc này chẳng khác gì của con nai nhỏ sập bẫy. Về nhà chồng không được nữa rồi, mẹ chồng dứt khoát không chứa. Trở về nhà cha mẹ cũng không xong: cha mẹ nàng mất đã lâu, nàng chẳng có anh em trai, chị em gái, chỉ còn một đứa em gái, con nhà chú, nhưng nó lại không phải người tốt. Thôi thì, tiến thoái lưỡng nan, một liều ba bảy cũng liều!

Cuối cùng, chiếc xe ngừng lại bên bờ sông, có chiếc thuyền đón dâu của nhà họ Lưu đang đậu sẵn. Mã đại cô nghĩ thầm:

Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

Thử xem con tạo xoay vần đến đâu? (Kiều)

Từ trên thuyền bước xuống hai cô hầu gái, dìu đại cô lên thuyền, con thuyền tách bến, ra giữa giòng sông. Đại cô đột nhiên lấy hết sức mạnh, đưa cả hai tay xô hai cô hầu gái ngã lăn ra ván thuyền. Nàng chạy nhanh ra mạn thuyền, nhìn những đợt sóng nhấp nhô trên sông, lao mình xuống. Người trong thuyền nháo nhác chạy ra, chỉ thấy sóng cả, nước sâu, không sao cứu kịp nữa.

Đại cô nhảy xuống sông rồi, bị sóng đánh đi xa, đưa xuống hạ lưu, không biết đã bao lâu. Bấy giờ có một vị đạo nhân, tuổi đã hơn trăm, lông mày và râu đều bạc phơ, mà tinh thần còn quắc thước. Nhân có việc qua sông, ông cầm bánh lái một chiếc thuyền từ từ mà đi. Chợt ngửng nhìn về phía thượng lưu, ông thấy một cô gái đang trôi theo giòng nước, chẳng biết còn sống hay đã chết.

Đạo nhân này vốn có lòng từ bi, có ý muốn cứu cô. Nhưng cả đời ông chưa hề gần nữ sắc, từ lớn đến già chưa từng đụng tay đụng chân vào con gái, dính đến da thịt. Hiện tại tuổi ông đã cao lắm rồi, vẫn không muốn để đàn bà con gái phá giới hạnh suốt đời của ông. Nhưng nhất quyết không đụng tới thân thể cô gái, làm cách nào để cứu cô đây?

Nước sông chảy rất xiết, cơ hội cứu cô chỉ trong chớp mắt, đạo sĩ trầm ngâm suy nghĩ, khẳng khái nói:

- Chẳng thà mất giới hạnh, quyết chẳng thấy chết không cứu! Ông mới đưa thuyền lại gần xác cô, đưa cây sào đụng vào thi thể, dùng hết sức khều về phía thuyền. Ai ngờ đại cô ngâm nước đã lâu, hồn đã bay đi xa, không còn hy vọng trở về. Đạo sĩ nghĩ thầm: "Cô này không còn hy vọng sống lại, cũng nên vớt lấy xác cô, đem lên bờ mai táng, mới là chính lý". Nghĩ rồi đem hết sức lực, lôi kéo cái xác lên thuyền. Không ngờ bụng xác chết đã trương phình, ngực đã phù thủng, đạo sĩ kéo về được nửa chừng, mới nắm được một cẳng, bỗng đâu một đợt sóng lớn ập tới, lật úp chiếc thuyền của đạo nhân. Đạo nhân không thể ngó tới xác chết nữa, nhưng nhờ bơi giỏi đã giữ được tính mạng.

Thi thể đại nương lại tiếp tục trôi xuống hạ lưu, không biết là trôi giạt tới nơi nào. Đạo nhân leo được lên bờ, nghĩ mình vốn có ý cứu người, mà mắc phải đại nạn, suýt mất mạng. Lại nghĩ ngợi mãi về việc cứu người không thành, lương tâm cắn rứt, lòng chẳng được yên, bất giác mắc chứng ngớ ngẩn, mấy tháng trời nằm thoi thóp như thể chết rồi.

Linh hồn đại cô được thần sông thâu nhận, đưa về Thủy Tinh cung. Long vương trọng cô là người tiết nghĩa, hiếu thuận, rất mực kính lễ. Nghe nhắc tới việc kiếp trước, đại cô hoảng hốt tỉnh dậy, long vương cười, phán:

- Ngươi còn có một người đồng đạo, cùng với người mắc tội và bị biếm chích một lượt. Sự việc này phải đợi hết kiếp này mới giải quyết xong. Tới kiếp sau, hai người cùng mãn thời gian biếm chích, để tu đạo, trở về với bản chân. Người kia sinh ra là một đạo nhân, thành tâm lo tu hành, giữ giới luật rất nghiêm, năm nay đã được hơn một trăm tuổi rồi. Vì vớt xác ngươi, mà ông ta bị thương tổn, vừa buồn rầu vừa hối tiếc, chẳng bao lâu cũng qua đời thôi.

Đại cô nghe nói, chạnh lòng bi thương, nói:

- Vì mạng sống khổ sở của thần thiếp, đã để hại cho nhiều người, ai ngờ chết rồi vẫn còn để liên lụy tới người tốt mắc tai ương, chẳng đáng buồn lắm sao?

Long vương nói:

- Chỉ tại mạng số của ông ta như vậy thôi. Tuy vì người mà ông ta bị thương, bị thương rồi chết, nhưng chẳng can dự gì tới ngươi. Bất quá ông ta vì vò tình mà làm thương tổn tới cẳng chân ngươi, e rằng kiếp sau ông ta sẽ mắc một chút thương tật nhỏ thôi, chứ tính mạng và việc công hành của ông ta chẳng sao cả.

Đại cô nghe vậy, vẫn cảm thấy áy náy trong lòng, long vương phải khuyên cô hãy bỏ qua đi.

Cách đó một thời gian, Cổ thư sinh đi buôn, kiếm được rất nhiều ngân lượng đem về. Vừa hay mẹ kế Vu thị chết được mấy ngày, chàng buồn rầu khóc lóc. Lại tới các nhà bạn bè hỏi thăm, biết được chuyện vợ mình tuẫn tiết, chàng đau đớn muôn phần, đem tất cả chỗ vàng bạc châu báu hiện có quăng xuống sông, ở chỗ ngày trước vợ chàng đâm đầu. Nhân đó, chàng bỏ nhà, đi học đạo, không biết về sau ra sao.

Câu chuyện này được đồn đại, xuống tận Thủy Tinh cung. Long vương mời đại cô tới, kể cho nghe chuyện rõ ràng, nhân đó nói:

- Vợ chồng nàng tiết liệt, hiếu nghĩa, quỉ thần đều kính phục. Chồng nàng đã xuất gia, tiền trình sẽ rộng mở vô hạn? Về phần nàng, chẳng bao lâu quả nhân sẽ viết điệp văn đưa xuống âm phủ, cho nàng chuyển kiếp làm người. Công hạnh một ngàn năm của nàng, đến đây kể đã viên mãn! Quả nhân nghĩ tình vợ chồng nàng hiền đức, mà chịu gian khổ, đã truyền cho thần sông nhằm chỗ nàng tận tiết, và chồng nàng ném vàng bạc châu báu, đắp một hòn đảo ở giữa sông, trên đó lập nên một ngọn núi lẻ loi, để người sau lấy chỗ chiêm bái. Lệnh dụ đã truyền ra rồi, chắc chẳng bao lâu sẽ đem thực hiện.

Đại cô cảm kích lạy tạ.

Về sau, quả nhiên giữa sông mọc lên một ngọn núi, người đời biết được nguyên nhân ngọn núi đó xuất hiện, mới đặt tên cho là núi Kim sơn. Một ngàn năm sau, núi càng cao thêm, mặt đất hòn đảo cũng mở rộng thêm, đến nay kể là một thắng cảnh của Trung Quốc.

Lại nói về hồn của Mã đại cô được điệp văn của long vương đưa đi đầu thai, vì không quên tòa Kim sơn, lúc chuyển kiếp làm người, mới sinh ra ở nhà một người họ Hà, ở dưới chân núi Kim sơn. Vừa đẻ ra đã biết nói, thần linh không mờ tối. Vừa "Oa oa" tiếng khóc chào đời, đã chê những đồ mặn và tanh tưởi. Lớn lên, lập chí tu đạo. Cha nàng là Hà Kiệt, mẹ là Lưu thị, đều là thiện nhân trung hậu, rất tin thần, Phật, thấy con gái có ý đó, rất tán thành, chẳng hề ngăn cản. Thấm thoắt mà đã qua hơn mười năm, cô nương nhũ danh là Lan Tiên, ở nhà tu đạo, không thấy có tiến bộ bao nhiêu, mới xin với cha mẹ cho rời nhà đi chơi xa, tìm tiên nhân cầu xin truyền thụ đại đạo. Vợ chồng Hà Kiệt đều đã ngoài bốn mươi, chỉ sinh một gái, nếu để nàng rời xa dưới gối, chẳng thể yên lòng, mà nhà neo đơn càng thêm tịch mịch. Vì thế ông bà mới cùng Lan Tiên bàn bạc, hy vọng lúc cô lớn lên có thể gả chồng, nhưng cô không chịu.

Lan Tiên lớn dần, mọi việc đều giỏi dang. Bỗng có một đạo nhân tuổi còn trẻ, tới nhà hỏi thăm: Tôn Kiệt lấy làm lạ, hỏi con gái đã quen biết đạo nhân này ở đâu, Lan Tiên trả lời là không biết. Hai cha con cùng ra gặp mặt. Chỉ thấy đạo nhân đó thần thái tú dật, cốt tướng thanh kỳ, dáng vẻ lâng lâng của bậc thần tiên.

Lan Tiên vừa nhìn đạo nhân, tưởng chừng như đã gặp ở đâu một lần. Đạo nhân thấy mặt cô nương, cũng lộ vẻ khác lạ. ông ta tiến lên phía trước, khoanh tay chào hai cha con. Hai người vội đáp lễ, hỏi đạo nhân pháp hiệu là gì, quê quán ở đâu? Đạo nhân vừa ngồi xuống vừa nói:

- Tôi họ Lý, tên Huyền, người đất Hà Nam, cùng tiểu thư đây có duyên từ nhiều kiếp trước. Lúc chuyển thế, xuống trần, nhớ tới những sự việc của tiểu thư từ kiếp trước, nên cố tình tới thăm một lần, cho vẹn túc duyên.

Nói rồi, liền đem tiền nhân hậu quả ra nói hết.

Đây nhắc lại về sinh hồn của Mã đại cô, vì không quên Kim sơn, và đạo nhân đã vì cô mà bị hại, mới đầu thai vào làm con gái nhà họ Hà ở dưới chân núi Kim sơn. Lúc "Oa oa" chào đời, cô đã thông linh tính nên biết nói. Từ nhỏ đã không ăn mặn, không mặc áo gấm, lập lời thề không lấy chồng. Năm cô lên bảy, có Huyền Nữ hóa thân làm đạo bà tới chỉ điểm. Cô nương sinh ra đã sẵn thông minh, nhận ngay ra Huyền Nữ là chân tiên hạ phàm. Thành tâm xin bà chỉ giáo. Nhưng cô luôn luôn tưởng nhớ, không quên được chuyện kiếp trước, chỉ mong mỏi tìm được chỗ đạo nhân đầu thai, đợi ông thành thần tiên trước cô, sẽ hóa độ cho cô. Huyền Nữ tán thán:

- Việc này có số định trước, không thể miễn cưỡng. Nhưng đạo sĩ mà con nói tới, ta biết là đã đi đầu thai vào nhà họ Lý ở Hà Nan sau này sẽ là đệ tử của Lão Quân tổ sư. Con đã lập chí cao như thế, hãy đợi ông ta thành đạo, sau đó ta sẽ đem ông ta tới gặp con.

Nhân đó, bà truyền cho cô nhiều khẩu quyết về luyện khí, luyện tâm, dẫn đạo, tịch cốc, lại đem các phép thuật phòng thân, ăn thân tránh phi kiếm, truyền hết cho cô. Cô nương nhất nhất lãnh hội. Huyền Nữ dặn dò thêm vài câu, rồi trở về trời. Cô nương chuyên tâm nhất chí, ở nhà tu trì, để đợi Lý tiên đến.

Nay lại kể chuyện về ông tiên què. Bấy giờ ở đất Lạc Dương có một nhà quan, họ Lý tên Kỳ, có vợ là Vưu thị, chỉ sinh được một trai, đặt tên là Lý Huyền. Khi sinh Lý Huyền, Vưu phu nhân nằm mộng thấy một đạo nhân chui vào bụng mình, liền tỉnh dậy, ngửi thấy một mùi hương lạ tỏa ra khắp phòng, và liền nghe tiếng trẻ khóc "Oa oa". Vợ chồng biết đứa con này có một lai lịch, nên rất sủng ái. Không ngờ Lý Huyền lớn lên có tính kỳ lạ: không nghĩ tới chuyện làm quan, chỉ cầu xuất gia tu đạo. Lại thường trước mặt cha mẹ nói những chuyện kiếp trước, kể rằng bản thân mình là một đạo sĩ, cả đời hiếu thiện, chưa từng làm một chuyện xấu nào.

Không ngờ lúc lâm chung, chuyển sang kiếp khác, từng vì cứu một cô gái mà làm tổn thương tới thi thể cô ta. Đó là điều đau lòng bậc nhất, đến nay còn canh cánh trong dạ. Hài nhi sau này đắc đạo, trước hết phải tìm cô gái đó, tỏ lòng ăn năn hối hận trước mắt cô ta, mới có thể đắc đạo. Những câu nói như vậy, Lý Kỳ cho là lời nói sảng, thét mắng gạt đi, không cho ăn nói hồ đồ như thế nữa. Nhưng phu nhân lại rất tin tưởng thần tiên, ngỏ lời an ủi. Rốt cuộc, Lý Huyền vẫn không bỏ qua được những việc đó.

Thấm thoắt mà đã mười năm. Bỗng một hôm có Thái Bạch kim tinh, nhận lời ủy thác của Lão Quân tổ sư, cưởi mây bay đến, giáng xuống nhà họ Lý. Vợ chồng lý Kỳ cùng toàn thể gia nhân quì xuống thắp hương, khấu đầu nghênh tiếp. Thái Bạch mỉm cười nói:

- Đại phu và phu nhân đừng nên đa lễ. Bần đạo cùng công tử có duyên với nhau, nên tới gặp mặt, xin đại phu kêu công tử ra đây cho tôi nói chuyện một chút. Lý Kỳ nghe vậy, rất sợ lão tiên dẫn con trai mình đi, nên cứ ngần ngừ. Nhưng phu nhân thẳng tính, vội sai người ra trường học gọi Lý Huyền về. Lý Huyền vừa thấy mặt Thái Bạch, tưởng chừng như đã quen biết từ lâu, liền cúi đầu, vái tám vái. Thái Bạch nắm tay cậu bé, nói:

- Cách biệt đã ngàn năm, vẫn còn nhớ được bần đạo ư?

Nói rồi, đưa tay vỗ lên đỉnh đầu cậu ba cái, Lý Huyền đột nhiên nhớ lại những chuyện từ chín kiếp trước, vội quì gối, khấu đầu, nói:

- Sư phụ mau cứu đệ tử thoát khỏi biển khổ.

Thái Bạch cười nhạt:

- Thiên hạ không hề có chuyện làm thần tiên dễ dàng như thế. Nếu làm thần tiên mà dễ, thì thần tiên trên đời có khác chi người phàm?

Lý Huyền nghe nói, liền đại ngộ, nói:

- Sư phụ hãy dẫn con đi theo. Đệ tử sẵn sàng chịu tai ương, dứt bỏ hồng trần, quyết không hối hận.

Lý Kỳ nghe con nói vậy, trong lòng sợ lắm, định tìm cách ngăn cản. Thái Bạch phất tay áo một cái, tức thì kim quang xuất hiện đầy nhà, đối mặt không nhìn rõ nhau. Kim quang vừa tan, Thái Bạch cùng Lý Huyền không biết biến đi đằng nào.

Crypto.com Exchange

Chương (1-100)