Vay nóng Tima

Truyện:Bát Tiên Đắc Đạo - Chương 048

Bát Tiên Đắc Đạo
Trọn bộ 100 chương
Chương 048: Thịt Khương nữ biến thành cá bạc Đình Mạnh bà lưu giữ linh hồn
0.00
(0 votes)


Chương (1-100)

Siêu sale Lazada


Thiết Quài tiên sinh thi triển phép thuật, biến những miếng thịt trên mình Mạnh Khương thành những con cá nhỏ trắng phau. Tiên sinh lại đưa cánh tay trái ra phía trước. Hướng về phía giòng nước, xòe bàn tay, như đang vớt một vật gì. Tức thì có một luồng khí trắng, rất khó nhận biết, bay vào trong tay. Thiết Quài tiên sinh vội nắm chặt bàn tay, giữ lấy, đem bỏ vào trong hồ lô, nói:

- Nay ta mới hoàn thành công án của mình. Chúng ta về thôi!

Tiên cô, Tuệ Thông vội hỏi:

- Làm vậy có tác dụng gì?

Thiết Quài tiên sinh cười, nói:

- Các cô chưa hiểu rõ ư? Đây là linh hồn của nàng Mạnh Khương, ta đã thu nhận, bỏ trong hồ lô. Một khi vào trong đó, lập tức phục hồi hình người, so với nguyên thân không khác chút nào. Ta lấy được hồn này rồi, sẽ đưa xuống âm phủ, khiến nàng lại đầu thai phàm trần, sớm tu thành đại đạo. Còn linh hồn của Phạm Kỷ

Lương, chồng nàng, lúc chúng ta vừa tới đây, ta cũng đã phái quỉ tốt đưa về âm phủ.

Hai người nghe vậy, vui mừng khác thường, lại hỏi về chuyện thịt người biến thành cá, Thiết Quài tiên sinh mới nói:

- Chẳng quan trọng gì. Chẳng qua là ta thương nàng bạc mệnh, kính nàng trinh tiết, mới làm phép khiến người chết đi rồi, hồn còn được chuyển sang kiếp khác, chứ mấy miếng thịt vụn nát có dùng làm gì? Ta muốn vì nàng lưu lại chút kỷ niệm với người đời một là để mọi người hiểu rõ nàng Mạnh Khương chẳng những kiếp sau được thành tiên, còn vĩnh viễn bất tử, hai là khiến thiên hạ đời sau nhìn thấy loài cá này hiểu rằng đó là di thể của nàng Mạnh Khương biến ra.

Hai người đều nói:

Nàng Mạnh Khương vì chồng mà tuẫn tiết, đã được biểu dương như thế, có thể lưu danh muôn thủa, làm gương cho phụ nữ noi theo, quả là chuyện hệ trọng.

Thiết Quài tiên sinh gật đầu, nói:

- Hai cô nói rất đúng. Hai cô suy nghĩ thử coi, nên đặt tên con cá này là gì? Không nên cho là chuyện kỳ quái, chỉ nên bàn bạc bình thường để đặt một tên gọi đơn giản, phù hợp với hình thù con cá là được.

Tuệ Thông nói:

-Tôi không có tâm hồn tinh tế, xin Hà sư thúc suy nghĩ, đặt tên giùm tôi.

Tiên cô khiêm tốn từ chối một hồi, sau mới nói:

- Thứ cá này có sắc trong như bạc, bạc lại có phẩm chất cao quí phù hợp với nàng Mạnh Khương, chúng ta đặt tên cho nó là "cá bạc", được không?

Hai người đều vỗ tay khen ngợi. Ngày nay, địa phương nào cũng có thứ cá bạc này, tương truyền là di thể của nàng Mạnh Khương, nhờ phép thuật của người tiên biến ra.

Lại nói Thiết Quài tiên sinh trở về chỗ trú ngụ, liền viết điệp văn đưa hồn vía vợ chồng Mạnh Khương xuống âm tào. Hai người, thân chết mà tình còn dài, tới trước mặt Diêm vương cầu xin kiếp sau lại được làm vợ chồng. Diêm vương ôn tồn dụ rằng:

- Hai ngươi kiếp trước chưa toại nguyện việc hôn nhân, kiếp sau duyên phận vẫn còn, chẳng cần phải khẩn cầu, tự thành đôi lứa. Nhưng Thiết Quài viết điệp văn đưa hai người tới đây, là có dụng ý, muốn tài bồi cho hai người. Người ta sống trên đời, tuổi thọ không quá trăm năm, mà vợ chồng hảo hợp tình nồng cũng chỉ vài chục năm, sao bằng vượt qua lưới tình, qui nhập tiên ban, vợ chồng đều được sống lâu vạn năm, há chẳng đẹp đẽ lắm sao? Hai người đều là người thông minh, sao không thấu hiểu điều đó? Ngày nay, người phàm trên đời hầu hết đều chán ghét cảnh hồng trần, thường khổ công cầu được chân tiên, tìm cho được phép tiên để sống mãi không già. Tuy nhiên, hàng ngàn vạn người cầu mong như thế, kẻ đạt được không tới hai, ba. Ngay như kẻ đối đầu với hai ngươi hiện nay là Tần hoàng Doanh Chính, thế lực là thế, phúc phận như vậy, mỗi ngày mỗi cầu tiên, mỗi phút mỗi hỏi đạo, cầu xin đủ cách, chẳng qua cũng chỉ gặp được một đám tà ma ngoại đạo bày ra mọi cách lừa gạt, kết quả là: đừng nói sống lâu khó trông cậy, ngay cả tính mạng cũng vị tất đã giữ được. Điều đó cho thấy người ta sinh ra, nếu có tiên duyên, quả là phúc phận rất lớn của trời ban cho. Hai người có đại công, đại đức gì lớn lắm đâu, chỉ vì một điểm tiết nghĩa của Mạnh Khương nữ cảm động người tiên, được ngài phá cách chu toàn cho. Ngay cả Phạm Kỷ Lương nhờ vậy cũng được điều tốt lành. Đó là điều mà ngàn vạn người, ngay cả hoàng đế, cầu xin cũng chẳng được. Tại sao hai ngươi chỉ đòi hưởng hạnh phúc hôn nhân vài chục năm?

Hai người nghe nói, hốt nhiên tỉnh ngộ, khấu đầu, nói:

- Chúng tiểu dân quả thật ngu muội, nhất thời không thấy được chỗ cao xa đó, không hiểu được thâm tâm của tiên sư đã viết điệp văn đưa oan hồn chúng tôi tới đây. Chúng tôi chịu ơn mà không biết, còn luyến tiếc phàm trần, thật đáng hổ thẹn. Nhưng vạn nhất gốc tình chưa dứt, chúng tôi kiếp sau lại được phối thất hài hòa, lúc đó kiếm đâu ra người tới điểm tỉnh chúng tôi phá sắc giới, tu thành đại đạo. Làm sao cho tốt đây?

Diêm vương cả cười, phán:

- Giỏi cho hai tên này tham lam, quấy rầy? Mới đầu đòi chuyển kiếp làm vợ chồng, chỉ ở trong cõi tình, nay lại chuyển hướng lung tung, đòi hỏi này nọ. Chẳng lẽ biết quả nhân núp trong phòng tân hôn của hai ngươi, đợi khi hai ngươi phỉ tình cá nước, đột nhiên nhảy ra, nhắm đầu hai ngươi, nện cho một gậy?

Nghe Diêm vương nói câu khôi hài đó, các vị phán quan trên điện, các tiểu quỉ đầu trâu mặt ngựa, ngay cả vợ chồng Phạm Kỷ Lương, đều không nhịn được, cất tiếng cười rộ. Lúc đó có một vị phán quan rời khỏi chỗ ngồi, bẩm tấu:

- Thần có một cách, có thể khiến hai vợ chồng không mờ tối bản chân, vừa lọt lòng mẹ đã biết được việc kiếp trước. Nếu họ quả thật biết lo nghĩ chuyện xuất gia, có thể tu trì từ thủa nhỏ, chẳng cần có người tới điểm tỉnh, cũng tự nhiên không lầm lỡ. Vạn nhất lòng trần chưa dứt, là tự họ vất bỏ phúc duyên thôi.

Diêm vương hỏi:

- Kế sách của khanh ra sao?

- Phương pháp này cũng không đáng kể là kế sách. Theo lệ cũ, những người sắp đi đầu thai dương gian, đều phải đi qua một đình tử 1 nơi đó thiết lập một chỗ ban "mê hồn thang'. Những hồn đi đầu thai, ngang qua chỗ đó ắt cảm thấy khát khô cổ bỏng họng, vào xin một chén. Uống xong, liền cảm thấy mơ mơ hồ hồ, bao chuyện kiếp trước quên hết ráo. Cũng có nhiều sinh hồn bướng bỉnh, không chịu uống mê hồn thang, nhưng miệng cháy khát, phủ tạng nóng như lửa, thấy nước thang đó trong vắt, thơm tho, rất thích khẩu, thì chẳng cần ai ép buộc, cũng đòi uống. Từ xưa đến nay, những người chuyển kiếp đầu thai có không biết bao nhiêu ngàn, vạn người, nhưng chẳng người nào nhớ được chuyện kiếp trước. Nay đại vương muốn chu toàn cho vợ chồng Mạnh Khương, nên bắt họ ở đây uống thật nhiều nước, để tới bên đó, không còn bị khát khô cổ bỏng họng nữa.

Diêm vương chưa kịp lên tiếng, lại có một thư biện nói:

- Cách đó không được. Việc luân hồi đại sự, sao có thể không làm đúng qui củ? Nếu uống đầy bụng nước để hết khát, không uống mê hồn thang, từ nay về sau những kẻ tác tệ nhất định không ít. Ai mà chịu quên hết chuyện kiếp trước của mình chứ?

Diêm vương gật đầu, nói:

- Ngươi nói rất đúng. Những việc đại sự như thế này đương nhiên phải có qui củ. Nhưng theo ta nghĩ, việc này nhất định phải có một biện pháp giải quyết. Người tiên đã thành toàn cho vợ chồng nhà này, ta cũng phải đặc cách thi ân. Các khanh hãy vì trẫm nghĩ ra một cách nào cho tốt.

Tức thì ôn tồn hiểu dụ vợ chồng Mạnh Khương:

- Hai ngươi hãy lui ra, đợi có biện pháp, ta sẽ truyền dụ vời hai ngươi tới trở lại.

Hai vợ chồng khấu đầu lạy tạ, lui ra. Âm ti có lệ đã lâu: phàm quỉ hồn chưa xác định cho chuyển kiếp đều được cho nghỉ tạm trong các phòng ốc, ở ngay trong cung, cũng giông giống như nhà công quán trên dương thế vậy.

Vợ chồng nàng Mạnh ở phòng xá trong cung đã lâu ngày. Một hôm, Diêm vương sai người tới gọi:

- Đại vương đã vì hai người nghĩ ra một biện pháp, hai người hãy mau mau lên điện nghe dụ.

Vợ chồng vô cùng mừng rỡ, theo quỉ tốt lên điện. Diêm vương phán rằng:

- Hiện nay mới phát sinh một chuyện may mắn. Số là bà lão coi việc ban mê hồn thang để lầm lỡ công vụ, đã bị cách chức, ta đang tính tìm trong đám quỉ hồn, lấy một người bổ khuyết, không dè lại xảy ra một chuyện. Mẹ chồng của Mạnh Khương, tức mẫu thân của phạm Kỷ Lương, vì biết hai con gặp nạn, đã khóc lóc đến nỗi thổ huyết mà chết. Quả nhân thương người đó vô tội chết oan, lại tra ra bà là người trung hậu, lương thiện, đã từng cứu người, tu nhân tích đức. Chiếu theo lệ cũ, bà xứng đáng được làm quan, quả nhân quyết định giao cho bà ấy chưởng quản công việc ở đình tử. Nhân dịp này, ta lại có thể giải quyết việc của vợ chồng ngươi nữa, đã tốt hay chưa?

Hai vợ chồng nghe biết mẹ vì mình mà chết, đau đớn khóc lóc.

Nhưng nay thấy bà có chức phận dưới cõi âm, một điều không dễ gì đạt được hai người đổi buồn làm vui, tạ ơn Diêm vương. Diêm vương liền ra lệnh vời sinh hồn Mạnh bà tới, gặp mặt hai người.

Mấy mẹ con sau khi chết lại được trùng phùng, ôm lấy nhau mà khóc, khiến cho Diêm vương cùng phán quan, quỉ tốt đều thương tâm. Mạnh bà uất giận, nói:

-Vô đạo hôn quân hại cả nhà ta, thế nào cũng có ngày chết xuống đây, ta nhất định tìm hắn báo thù, giải tỏa oan khí cả nhà ta.

Diêm vương cười, bảo:

- Tần hoàng tàn bạo, bất nhân, gây độc hại khắp nơi, chẳng bao lâu cũng phải xuống đây. Những tội ác lúc còn sống, sau khi chết sẽ được xét hỏi, không châm chế một điểm nào, cứ án theo tình tiết nặng nhẹ mà định tội, cũng đủ tiêu trừ oan khí của mấy người.

Ba người nghe vậy, lại tạ ơn lần nữa. Diêm vương ôn tồn hiểu dụ vài câu, cho mẹ con lui ra. Lại ra lệnh cho quỉ tốt không được câu thúc họ, đợi sau khi Mạnh bà tựu chức, sẽ dẫn con trai và con dâu bà tới nơi nhiệm sở, chọn ngày cho đầu thai xuống phàm trần.

Bấy giờ, trong đình mê hồn, không có người chủ quán, chỉ có vài quỉ tốt lo những công việc lặt vặt. Mạnh bà biết đó là nơi trú ngụ của mình, mới cùng con trai và con dâu tiến vào, nghỉ đỡ một ngày. Hôm sau, chiếu theo qui củ, bà chính thức nhận chức. Từ đó về sau, Mạnh bà làm chủ nhân của đình tử đó, quản lý việc ban mê hồn thang. Vì thế, truyền thuyết gọi nơi đó là "đình Mạnh bà", trở thành điển tích.

Mạnh bà nhận chức rồi, nàng Mạnh Khương và Phạm Kỷ Lương cũng ở luôn trong đình, tự nhiên không bị khát nước, nên cũng chẳng cần phải uống mê hồn thang. Mạnh bà chẳng nỡ chia tay cùng hai con, lưu giữ họ ở lại đã lâu ngày. Về sau, Diêm vương biết được, liền sai quỉ tốt tới thúc giục hai người phải đi đầu thai.

Nàng Mạnh Khương chuyển sinh vào nhà họ Vương ở trấn Lâm Hoài, thuộc Giang Nam, có tên là Nguyệt Anh. Phạm Kỷ Lương đầu sinh vào nhà họ Lam ở Giang Nam, có tên là Thái Hòa.

Hai nhà đều là nhà lương thiện lâu đời. Sản phụ hoài thai mười tám tháng vẫn chưa sinh nở, hai nhà đều hoang mang, không biết làm sao, ngờ là quỉ thai. Đến chừng sinh hạ, một nhà đẻ con trai, một nhà đẻ con gái, cả hai đứa trẻ đều tuấn tú, xinh đẹp. Trước khi lâm bồn, hai bà bầu đều mơ thấy một vị tiên què, chống cây nạng sắt, trên đầu nạng treo một bầu hồ lô nho nhỏ, có hai nữ tiên theo hầu hai bên. ông tiên què nói với sản phụ:

- Bà sẽ sinh ra một đứa bé có căn cơ rất lớn, sau này sẽ tạo phúc cho cả nhà. ông bà nên đặc biệt thương yêu, chăm sóc, đừng xem thường nó nhé.

Ở nhà đứa bé trai, ông dặn rằng việc hôn nhân sau này của đứa trẻ, nên chọn đứa con gái họ Vương ở Giang Nam, sinh cùng ngày, cùng tháng cùng năm với cậu bé. Ông bà nên ghi nhớ, đừng quên. Nếu lấy lầm người khác, ắt gặp họa phi thường.

Ở nhà đứa bé gái, ông dặn rằng đứa trẻ nên gả cho người họ Lam ở Giang Nam, sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm với cậu bé. Hai sản phụ được giấc mộng đó, đều nói cho chồng và gia đình được biết. Không đầy nửa ngày, hai nhà đều sinh con, đều có mùi hương lạ tỏa khắp phòng.

Điều lạ lùng hơn nữa là cả hai đứa trẻ vừa chào đời đã biết nói, lên tiếng gọi cha, gọi mẹ. Hàng xóm chung quanh đều cho là lạ, đồn đại khắp nơi. Hai nhà chỉ cách nhau một con sông, mà dân cư ở vùng đó lại trù mật, tiếng đồn đại lan rất nhanh. Hai nhà nghe được, mỗi nhà đều phái người qua sông, hỏi thăm đối phương, thấy rất phù hợp với giấc mộng, mới nhờ người giới thiệu, làm quen với nhau.

Hai bên đều ẵm con mình qua thăm đối phương. Hai đứa bé vừa thấy mặt nhau, đã tỏ ra ưa thích khác thường, đưa bàn tay bé nhỏ ra nắm chặt lấy nhau, không nỡ buông ra.


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Chương (1-100)