← Ch.667 | Ch.669 → |
Lục Thất không ở lại Noãn đình lâu, Chu Hoàng đế than mệt, hắn và Triệu Phổ cùng rời hậu uyển ra ngoài Hoàng cung.
- Triệu đại nhân, hình như Bệ hạ có hứng thú với việc chế tạo thuyền biển.
Lục Thất khách sáo nói.
- Đúng là Bệ hạ có hứng thú với việc chế tạo thuyền biển, nhưng hiện giờ Đại Chu không phát triển được chiến lực trên biển, đóng được thuyền trên Trường Giang và Hoàng Hà là miễn cưỡng lắm rồi.
Triệu Phổ đáp.
- Nghe nói Đăng Châu của Đại Chu có bến tàu mà.
Lục Thất nói.
- Bến tàu Đăng Châu có từ thời Đường, hiện giờ cũng không phát triển hơn được bao nhiêu. Họa ngoại xâm của Đại Chu chủ yếu là từ sáu nước, cho nên không coi trọng phát triển thủy quân. Nói cho cùng cũng chính là thiếu tiền.
Triệu Phổ bình thản nói.
Lục Thất gật đầu. Triệu Phổ lại nói tiếp:
- Bởi vì thiếu tiền, nên Bệ hạ đã phát động chiến sự Giang Nam và Ba Thục.
Lục Thất ngạc nhiên:
- Bệ hạ phát động chiến sự không phải để đối phó với Tấn quốc và Hán quốc sao?
- Đúng như lời ngươi nói đấy. Chiến tranh có rất nhiều biến số địch ta, nguyên nhân Bệ hạ tiến quân Giang Nam có rất nhiều, một trong những điều quan trọng nhất là lấy chiến dưỡng chiến. Trước kia, Đại Chu đã được Đường quốc cung phụng rất nhiều, có thể cấp dưỡng cho mấy chục vạn quân lực Đại Chu, nhưng Đường quốc tại Giang Nam nhanh chóng trở nên suy yếu, nên không thể cung phụng cho Đại Chu. Cho nên Bệ hạ đã bắt lấy cơ hội, điều đại quân tiến chiếm Giang Nam. Hơn hai mươi vạn đại quân đi Giang Nam là có đất để nuôi quân. Có thể nói là kế sách đoạt đất và làm suy yếu nội hoạn.
Lục Thất thoáng nghĩ gì đó, gật đầu. Triệu Phổ nói đầy thâm ý:
- Thực ra, Lục Đại Tướng quân cũng có thể hiểu được điều này. Nếu Hà Tây không có lương thực sao có thể quy trị. Quyết đoán dùng năm ngàn chiến mã đổi lấy lương thực, ta bội phục.
Lục Thất ngẩn ra, hỏi:
- Bệ hạ đã biết chuyện ta dùng chiến mã đổi lấy lương thực sao?
- Có thể Bệ hạ không biết, nhưng có biết cũng chẳng sao. Hiện giờ là tên đã lên dây, khó thu cung. Nếu Tây Bộ rối loạn, rất có thể sẽ dẫn đến Đại Chu sụp đổ.
Triệu Phổ đáp.
- Quân thần Đại Chu không có lòng phản chứ?
Lục Thất hoài nghi nói.
- Lòng người khó dò, Bệ hạ không thể tín nhiệm võ thần Đại Chu. Năm đó, sau khi lên ngôi, Bệ hạ liền đoạt lấy chức Điện Tiền Đô Kiểm Điểm của Trương Vĩnh Đức, phân công Triệu Khuông Dẫn làm Điện Tiền Đô Kiểm Điểm, hiện giờ Bệ hạ lại thả Triệu Khuông Dẫn ra ngoài, kể cả có dồn tâm sức bố trí lại Cấm quân ở Khai Phong phủ nhưng vào thời kỳ quá độ này, Bệ hạ lo nhất vẫn là xảy ra phản loạn.
Triểu Phổ trả lời.
- Hành động của Bệ hạ có phải là vì Thái tử không? Có điều thế thì hơi chậm. Ta cảm thấy, thực ra chế độ của Đại Chu rất tốt, chỉ có điều quá mức dung túng quân thần phát triển leo cao thế lớn.
Lục Thất nói.
- Bệ hạ cũng muốn làm suy yếu quân quyền của quần thần, chỉ có điều Đại Chu mạnh mẽ cứng rắn. Với đối ngoại vẫn luôn bất khuất, Bệ hạ chưa bao giờ cúi đầu, không ngừng tranh phong với kẻ thù bên ngoài, khiến cho uy vọng Thống quân tướng soái càng ngày càng cao. Hậu quả là cho dù có đổi tướng soái cũng không thể loại trừ được ảnh hưởng về quân lực của thần tử có nhiều công huân. Mỗi đại thần có nhiều công huân của Đại Chu, hoặc nhiều hoặc ít, đều được các lão thuộc hạ tôn sùng.
Triệu Phổ nói.
Lục Thất cũng gật đầu hiểu chuyện. Triệu Phổ lại nói:
- Thực ra, cách trị quốc của Đường triều trước kia mới là đạo trị an tốt nhất.
- Triệu đại nhân nói vậy ta không ủng hộ. Đường quốc trọng văn khinh võ, cũng đã bị diệt quốc.
Lục Thất phản bác.
- Đúng là đã bị diệt quốc, nhưng Lục đại tướng quân nghĩ một chút xem, Đường quốc đã tồn tại bao lâu? Việt quốc lại tồn tại bao lâu? Còn Trung Nguyên bao lâu?
Triệu Phổ nói.
Lục Thất lắc đầu:
- Trung Nguyên là nơi chiến tranh tứ phía, nếu cũng cầu an thống trị như các nước Giang Nam, hậu quả sẽ là ngoại tộc hung hăng xâm lược. Nếu Trung Nguyên rơi vào tay ngoại tộc, kết cục của trăm vạn bách tính chỉ là đau khổ.
- Nói vậy, Lục đại tướng quân cho rằng Trung Nguyên nên thượng võ tranh phong?
Triệu Phổ nói.
- Thượng võ tranh phong là không thể tránh được. Nếu một quốc gia yếu đuối cầu an đối ngoại, hậu quả sẽ là khốn đốn và mất nước. Triệu đại nhân nên biết, ta có thể quy trị được Hà Tây, một là có quân uy, hai là sùng Phật, ba là lợi về lương thực. Ba thứ, thiếu một cũng không được.
Lục Thất đáp trả.
Triệu Phổ suy nghĩ một lát, gật đầu nói:
- Sự thực thắng hùng biện. Lục đại tướng quân an trị Hà Tây, ta cũng biết.
Lục Thất cười:
- Tình hình của Trung Nguyên khác với Hà Tây.
- Lục đại tướng quân cho rằng Trung Nguyên nên thống trị thế nào?
Triệu Phổ hỏi.
- Thống trị Trung Nguyên hẳn nên là cùng phát triển cả sĩ nông công thương. Triều đình nên tôn Nho, kính Phật, trọng nông hưng thương, cường quân mở mang bờ cõi.
Lục Thất trả lời.
- Lục Đại Tướng quân nói vậy không rõ ràng chút nào.
Triệu Phổ lắc đầu nói.
- Không rõ ràng sao? Nhưng Đại Chu chỉ làm được một phần là trọng nông và cường quân, quá tôn sùng quân công. Cũng như Đường quốc quá tôn văn sùng Phật. Đại Chu và Đường quốc đều không thực sự coi trọng hưng thương, chẳng những coi thương nhân là dân đen, hơn nữa còn sưu cao thuế nặng.
Lục Thất nói.
- Thương nhân là nhóm người không làm ra được cái gì. Nếu trọng thương, sẽ gây bất lợi cho việc đồng áng.
Triệu Phổ phản bác.
- Ta lại thấy khác. Buôn bán thịnh vượng, đương nhiên sẽ kéo theo tất cả các ngành sản xuất phát triển. Tỷ như nhà giàu làm ruộng, vì thương nhân có thể mang vật phẩm từ rất nhiều nơi đến, các đại hộ ở nông thôn sẽ muốn mua, đương nhiên phải bán đi lương thực tích trữ. Mà lương thực có thể đổi lấy rất nhiều vật phẩm, sẽ khiến cho người làm ruộng trăm phương ngàn kế gia tăng thu hoạch trên mảnh đất, mà khi họ bán lương thực, sẽ do thương nhân vận chuyển tới nơi thiếu lương, đổi lấy các sản phẩm khác. Nếu có thương nhân vận lương, triều đình không chỉ thu được thuế thương, còn có thể miễn được khoản chi phí lao dịch vận chuyển quân lương.
Lục Thất phản bác.
Triệu Phổ thoáng suy nghĩ gì đó, bước thêm được vài chục bước, Lục Thất lại nói:
- - Ta sẽ lấy ví dụ về quá trình buôn bán của Khai Phong phủ. Khai Phong phủ rất phồn vinh, nhưng thương hàng từ các nơi vận tới cũng bị bóc lột trên dưới, gần như tham lam vô độ, cho nên việc buôn bán lưu thông ở Đại Chu bị hạn chế rất lớn.
-
- - Đại Chu muốn cấp dưỡng quân lực, chỉ có thể gia tăng thuế má, nếu không, sao có thể cân bằng được tiêu phí của một nước?
Triệu Phổ giải thích.
Lục Thất gật đầu:
- Đúng là không đủ cung cấp. Có điều, ta cho rằng, nếu Trung Nguyên muốn có được an trị thực sự, chỉ có thể tham khảo phương pháp thống trị của triều Đường, để cho văn võ tồn tại song song, mới có thể ngoài ngăn địch hoạn, nội trị thái bình.
- Loạn An Lộc Sơn không phải do chế độ triều Đường nuôi thành sao?
Triệu Phổ bác bỏ.
- Ta cho rằng đây không phải do chế độ triều Đường. Mà là do chế độ của triều Đường bị phá hỏng cùng với việc phá bỏ chế độ quân điền, hủy đi quyền trị quốc của Tể Tướng, tạo nên môi trường cho Tiết Độ Sứ ở biên cương phát triển an toàn. Bởi vì, chế độ quân điền bị phá hỏng, khiến cho hậu kỳ của triều Đường chỉ có thể mộ binh, không thể phủ binh luân phiên giữ biên phòng.
Lục Thất theo lý bẻ lại.
Triệu Phổ gật gật đầu:
- Ngươi nói đúng. Cái họa ngầm dẫn đến việc triều Đường bị sụp đổ là do Đường Huyền Tông đã cắt quá nhiều quyền Tể Tướng, lại dung túng cho Tiết Độ Sứ ở biên cương phát triển an toàn, mới khiến cho An Lộc Sơn có được cơ hội.
- Đại Chu hiện nay lấy mộ lính là chủ, ưu thế là chiến lực hùng mạnh, có thể phòng ngừa việc địa phương phát triển cục bộ, nhưng một khuyết điểm lớn là việc nuôi binh phải tiêu tốn rất nhiều. Tuy nhiên, vì phải tranh phong với kẻ thù bên ngoài nhiều năm, Đại Chu cũng đã tạo thành sức ảnh hưởng sâu nặng của công thần cầm quân.
Lục Thất lại nói.
Triệu Phổ gật đầu:
- Ta và ngươi nói chuyện thế này cũng coi như đại nghịch bất đạo rồi.
- Nói chỉ là nói mà thôi. Triệu đại nhân dám bàn chuyện lợi và hại của nước nhà, nguyên nhân cũng là hiểu ta vốn đã không hợp với các quy tắc.
Lục Thất mỉm cười đáp lại.
Triệu Phổ lắc đầu không nói gì nữa, bước thêm vài bước, Lục Thất lại nói:
- Triệu đại nhân xem trọng thành tựu văn hóa giáo dục của triều Đường, phải chăng có thâm ý gì?
Triệu Phổ liếc hắn một cái, lạnh nhạt đáp lại:
- Có thâm ý gì, Lục Đại Tướng quân sao có thể không biết?
- Quả thực là ta không biết. Mong Triệu đại nhân có thể chỉ giáo.
Lục Thất cười nhạt đáp lại.
Triệu Phổ lắc đầu:
- Lục Đại Tướng quân giả vờ hồ đồ làm gì. Một kẻ ngu ngốc vô năng như Quận công Thanh Hà còn có thể ngồi vững trên ngôi Quốc chủ mười mấy năm, hẳn là công của nền văn trị.
Hắn gật đầu:
- Bệ hạ là vị trí giả, cũng nên sớm suy nghĩ cho nguy cơ của Thái tử.
- Mười năm trước nên hưng văn bình võ, từng bước dùng quan văn chưởng phán quân sự. Bệ hạ vẫn luôn nghĩ khi sinh thời nhất thống thiên hạ, hiện giờ Thái tử văn nhược, không bằng được một nửa của Bệ hạ.
Triệu Phổ sầu lo nói.
- Nếu hưng văn bình võ cũng không chắc có được kết quả tốt. Trở thành tù binh của nước khác càng đáng buồn hơn.
Lục Thất phản đối.
Triệu Phổ cũng lắc đầu:
- Cho dù có thực sự đáng buồn cũng vẫn hơn bị đoạn tuyệt gốc rễ.
Lục Thất ngẩn ra, hiểu ý gật đầu. Vương triều Trung Nguyên thay đổi chớp nhoáng, kết cục của Hoàng đế bị soán vị gần như đều diệt vong cả nhà, có thể sống tiếp cũng chỉ có một chút nhánh nhỏ. Còn Đường quốc, tuy rằng bị diệt, nhưng Hoàng tộc Đường quốc do Lý Quốc Chủ cầm đầu đều được sống sót.
← Ch. 667 | Ch. 669 → |