← Ch.123 | Ch.125 → |
Phong Vân Đình người Thái Hàng (tỉnh Sơn Tây) tình cờ lên quận, ban ngày nằm ngủ trong nhà trọ. Lúc ấy Phong tuổi trẻ vừa góa vợ, lúc hiu quạnh thường hay tơ tưởng. Đang đăm đăm ngưng thần, thấy trên tường có bóng con gái rõ ràng như vẽ, tự nghĩ vì mơ tưởng nên thấy thế, nhưng hồi lâu không thấy động đậy, cũng không biến đi. Lấy làm lạ vùng dậy nhìn thì là người thật, lại gần nữa thì rõ ràng là một thiếu nữ nhăn mặt thè lưỡi, có một vòng dây thắt quanh cổ. Sinh sợ hãi nhìn không chớp, thấy cô gái động đậy muốn bước xuống, biết là ma thắt cổ nhưng đang ban ngày mà tính cũng gan dạ nên không sợ lắm, nói "Nương tử như có điều oan khuất, tiểu sinh xin hết sức" Cái bóng từ tốn bước xuống nói "Gặp gỡ thoáng qua, đâu dám vội mang việc lớn làm phiền quân tử, nhưng bộ xương khô dưới suối vàng không rút lưỡi vào được, không cắt bỏ dây được, xin chặt thanh xà ngang đốt đi, thì ơn ấy lớn như Thái Sơn".
Sinh nhận lời, cái bóng biến mất. Sinh gọi chủ nhân tới hỏi về chuyện vừa thấy, chủ nhân nói "Mười năm trước nơi đây là nhà họ Mai, đang đêm có tên trộm lẻn vào bị Mai bắt được giải lên quan Điển sử. Điển sử nhận ba trăm bạc của tên trộm, vu cho con gái họ Mai tư thông với y, toan bắt lên tra xét, nàng nghe tin thắt cổ chết. Sau vợ chồng họ Mai nối nhau chết, ngôi nhà này mới về tay ta. Khách trọ vẫn thấy sự quái dị, nhưng không có phép gì làm cho yên". Phong đem lời ma kể lại, chủ nhân tính toán thấy phải dở nhà thay thanh xà ngang, phí tổn không ít nên có vẻ khó khăn. Phong bèn góp tiền giúp thêm, chữa xong lại vào ở. Đêm đến cô gái họ Mai tới cảm tạ, sắc mặt vui vẻ, phong thái yêu kiều, Phong thích lắm muốn cùng giao hoan. Cô gái thẹn thùng nói "Khí âm lạnh lẽo, không những đã làm hại cho chàng mà nếu làm như thế thì tiếng nhơ lúc sinh tiền dẫu nước sông Tây Giang cũng không rửa sạch được. Sẽ có lúc sum họp với nhau, nhưng nay thì chưa". Phong hỏi lúc nào, nàng chỉ cười không đáp. Phong hỏi uống rượu không, cô gái đáp không uống được.
Phong nói "Đối diện với người đẹp mà cứ giơ mắt buồn bã nhìn nhau thì còn ý vị gì?", nàng đáp "Bình sinh thiếp chỉ biét có trò đánh cờ ngựa, nay hai người ngồi buồn bã, đêm khuya lại khổ không có bàn cờ. Canh dài chẳng có gì tiêu khiển, hãy cùng chơi trò giao tuyến". Phong nghe theo ngồi bó gối xòe ngón tay, trao qua chuyền lại hồi lâu, Phong hoa cả mắt không biết manh mối đâu nữa. Cô gái cứ miệng giảng cằm hất ra hiệu, càng chơi càng biến ảo vô cùng tinh diệu, Phong cười nói "Đây là tuyệt kỹ trong khuê phòng đây", nàng đáp "Trò này thiếp tự nghĩ ra, chỉ cần hai sợi dây là có thể chơi được, người ta không chịu để ý đấy thôi" Về khuya càng mệt mỏi, Phong ép đi ngủ, cô gái nói "Thiếp là người cõi âm không ngủ, xin chàng cứ nghỉ đi Thiếp có biết thuật xoa bóp, xin trổ hết tài giúp chàng ngon giấc" Phong theo lời, cô gái chụm hai tay xoa nhẹ một lượt từ đỉnh đầu tới gót chân, tay lướt tới đâu gân cốt tê mê tới đó. Kế lại nắm tay đấm khẽ như cầm nắm bông thúc, Phong thấy khoan khoái không sao tả được. Nàng đấm tới lưng thì mắt Phong đã ríu lại, đấm tới đùi thì dã ngủ say rồi.
Đến khi tỉnh dậy thì đã gần trưa, cảm thấy xương cốt đều nhẹ nhàng khoan khoái khác hẳn mọi hôm, lòng càng yêu mến bèn đi quanh nhà cất tiếng gọi nhưng không có một tiếng đáp lại. Chiều tối cô gái mới đến, Phong hỏi "Nàng ở chỗ nào làm ta tìm gọi khắp nơi thế?", nàng đáp "Ma thì không có chỗ ở nhất định, chỉ là dưới đất thôi". Phong hỏi dưới đất có chỗ trống ở được à, nàng nói "Ma không có đất cũng như cá không có nước vậy". Phong nắm cổ tay nàng nói "Nếu nàng sống lại thì ta xin dốc hết cơ nghiệp để cưới", cô gái cười nói "Cần gì phải dốc hết cơ nghiệp!". Chơi đến nửa đêm, Phong hết sức nài ép, nàng nói "Chàng đừng ép thiếp, có nàng kỹ nữ ở đất Chiết (tỉnh Chiết Giang) tên Ái Khanh vừa tới trọ ở nhà láng giềng phía bắc, dáng vẻ rất phong nhã, tối mai thiếp sẽ gọi nàng cùng tới tạm thay cho thiếp được không?", Phong bằng lòng.
Tối hôm sau nàng dắt một thiếu phụ đến, tuổi khoảng ba mươi trở lại, mắt liếc mày đưa, có vẻ phóng đãng. Ba người ngồi ngã ngớn đánh cờ ngựa, xong ván cờ cô gái đứng lên nói "Cuộc vui đang nồng, thiếp phải đi đây", Phong định kéo lại thì nàng đã biến mất. Hai người bèn lên giường ôm nhau vui thú, Phong hỏi gia thế thì thiếu phụ cứ ậm ừ không chịu đáp, chỉ nói "Nếu chàng yêu thiếp thì cứ gõ tay lên vách tường phía bắc gọi khẽ "Hồ lô tử" là thiếp tới ngay. Nếu gọi ba lần không thấy là thiếp đang bận, đừng gọi nữa", trời sáng lách qua khe hở trên bức tường phía bắc đi mất. Hôm sau cô gái tới, Phong hỏi Ái Khanh, nàng đáp "Bị công tử họ Cao gọi đi hầu rượu nên không tới đây được". Kế thắp đèn cùng trò chuyện, cô gái như có điều muốn nói nhưng mấp máy môi lại im lặng. Phong gặng hỏi nhưng rốt lại nàng vẫn không chịu nói mà chỉ thở dài. Phong ép nàng cùng chơi đùa, đến canh tư mới đi.
Từ đó hai nàng tới luôn, cười nói rộn rã thâu đêm, phố phường đều biết cả. Có viên Điển sử Mỗ cũng là con nhà thế tộc cũ ở đất Chiết (tỉnh Chiết Giang), vợ cả gian dâm với đầy tớ bị xuất, cưới tiếp người vợ kế họ Cố, rất thương yêu nhau nhưng được một tháng nàng đã chết yểu vô cùng đau xót. Nghe nói Phong có quen với ma thiêng, muốn nhờ hỏi giùm việc nhân duyên dưới âm ty bèn cưỡi ngựa tới tìm. Phong lúc đầu không nhận lời, Mỗ hết sức nài nỉ không thôi, Phong bèn bày rượu cùng ngồi, nhận lời gọi hộ nàng kỹ nữ ma. Trời sập tối bèn gõ vách gọi, chưa dứt tiếng thứ ba thì Ái Khanh đã tới, ngước nhìn thấy khách biến sắc định chạy, Phong lấy người chặn đường cản lại. Mỗ nhìn kỹ chợt nổi giận ném ly rượu vào Ái Khanh, chớp mắt nàng biến mất. Phong kinh ngạc không hiểu vì sao, đang định hỏi chợt trong góc tối có bà già bước ra mắng "Thằng giặc tham lam bỉ ổi làm hỏng cả cây tiền của ta rồi, đền ngay ba chục quan tiền đây!", rồi cầm gậy đập vào đầu Mỗ.
Mỗ ôm đầu rên rỉ, nói "Đó là Cố thị vợ ta bị chết trẻ, đang còn đau đớn thì ngờ đâu lại làm con ma bất trinh, có dính líu gì tới bà chứ?". Bà già tức giận nói "Ngươi vốn là thằng giặc vô lại ở Giang Chiết, mới mua được sợi dây lưng gắn miếng sừng đen* được đeo thắt lưng gắn miếng sừng màu đen đã hếch mũi lên. Ngươi làm quan có kể gì đen trắng, ai có ba trăm quan thì ngươi coi là cha! Thần giận người oán, sắp tận số rồi, cha mẹ ngươi phải kêu xin dưới âm ty xin đưa nàng dâu quý vào lầu xanh để trả món nợ tham lam thay ngươi mà còn chưa biết à?", nói xong lại đánh. Mỗ lạy lục van xin, Phong sợ hãi không biết làm sao cứu. Chợt cô gái họ Mai trong phòng bưóc ra, trợn mắt lè lưỡi, vẻ mặt trông rất ghê rợn, sấn tói lấy cây trâm dài đâm vào tai Mỗ. Phong hoảng quá lấy người che đỡ cho khách, cô gái vẫn căm tức không nguôi. Phong khuyên nói "Dù y có tội nhưng nếu chết ở đây thì tiểu sinh có lỗi, xin ném chuột đừng để vỡ đến lọ quý". Cô gái bèn kéo bà già nói "Thôi hãy tạm tha cho hắn, xin bà nể mặt ta mà nghĩ tới chàng Phong", Mỗ run sợ lủi đi, về tới công thự sợ hãi phát bệnh đau óc, nửa đêm thì chết.
*Sợi dây lưng gắn miếng sừng đen: theo quan chế triều Thanh, chức Điển sử
Đêm hôm sau cô gái hiện ra cười nói "Khoái thật, bao nhiêu uất ức đã phát tiết được cả rồi". Phong hỏi có thù oán gì với y, nàng đáp "Trước kia thiếp đã nói y ăn của đút rồi vu cho thiếp thông gian, ôm mối căm hờn đã lâu, vẫn thường định nhờ chàng rửa hờn một phen nhưng lại tự thẹn chưa có chút ơn đức gì nên cứ định nói lại thôi. Đêm qua nghe tiếng đánh chửi ầm ĩ, lén tới rình xem, không ngờ lại gặp kẻ thù". Phong ngạc nhiên hỏi "Đó là kẻ vu cáo cho nàng à?", cô gái đáp "Y làm Điển sử ở đây đã mười tám năm, mà thiếp chết oan cũng được mười sáu mùa nóng lạnh rồi". Phong hỏi bà già là ai, nàng đáp là một kỹ nữ già, lại hỏi tới Ái Khanh, nàng đáp rằng đang ốm. Kế nhoẻn miệng cười hỏi "Thiếp từng nói sẽ có lúc sum họp với nhau, nay quả không còn lâu nữa. Chàng vẫn nói xin dốc hết cơ nghiệp để cưới thiếp, còn nhớ không?". Phong đáp "Nay ta vẫn muốn thế mà". Cô gái nói "Nói thật với chàng, hôm thiếp chết đã đầu thai vào nhà Hiếu liêm họ Triển ở Diên An (tỉnh thành Thiểm Tây), chỉ vì thù lớn chưa trả nên còn dùng dằng ở đây. Xin lấy vải mới làm cái túi ma để thiếp đi theo chàng, tới nhà họ Triển cầu hôn chắc xong việc". Phong lo gia thế quá chênh lệch, sợ sẽ không xong, nàng nói "Cứ đi đừng lo gì". Phong theo lời, cô gái dặn "Dọc đường cẩn thận đừng gọi thiếp, đợi đến đêm hợp cẩn thì lấy túi trùm lên đầu cô dâu rồi gọi lớn rằng "Đừng quên! Đừng quên!".
Phong gật đầu, vừa mở túi ra cô gái đã nhảy luôn vào, Phong mang cái túi tới Diên An hỏi thăm quả có Hiếu liêm họ Triển sinh được một con gái dung mạo cực kỳ xinh đẹp nhưng mắc bệnh ngây ngốc, lại hay lè lưỡi ra ngoài miệng như chó lúc trời nóng, mười sáu tuổi vẫn chưa có ai dạm hỏi, cha mẹ rất phiền muộn. Phong tới nhà đưa danh thiếp, kể rõ gia thế, trở về nhờ mai mối tới ngỏ ý. Triển mừng giữ Phong gửi rể trong nhà, cô gái vô cùng ngây ngốc, không biết cả làm lễ, phải sai hai tỳ nữ đỡ vào phòng. Đám tỳ nữ vừa lui thì nàng phanh vạt áo để hở cả vú ra, nhìn Phong cười ngớ ngẩn. Phong trùm túi lên đầu nàng rồi gọi. Cô gái ngó sững Phong như có ý ngờ vực, Phong cười hỏi "Nàng không quen tiểu sinh à?", rồi giơ cái túi cho xem. Cô gái chợt tỉnh ra, vội khép áo lại, mừng rỡ cùng vui vẻ trò chuyện.
Sáng ra Phong vào thăm hỏi cha vợ, Triển an ủi nói "Con nhỏ ngây ngốc không biết gì, may được thương tới, nếu ông có lòng thì trong nhà không thiếu bọn tỳ nữ lanh lợi, ta xin tặng không tiếc". Phong ra sức phân trần rằng nàng không ngây ngốc, Triển rất ngờ vực. Không bao lâu cô gái tới, cử chỉ đều nết na khuôn phép, Triển vô cùng lạ lùng, nàng chỉ ngượng nghịu mỉm cười. Triển gạn hỏi, nàng thẹn thùng không nói được, Phong bèn kể qua đầu đuôi, Triển cả mừng, yêu thương nàng còn hơn lúc trước. Bèn cho Phong cùng học với con trai là Đại Thành, chu cấp rất đầy đủ. Được hơn một năm, Đại Thành dần dần đâm coi thường Phong, vì em rể anh vợ không hợp nhau nên đám gia nhân cũng bới lông tìm vết. Triển bị nói ra nói vào cũng ngấm, dần lạt lẽo với Phong. Cô gái biết chuyện, nói "Nhà cha vợ không thể ở lâu, phàm những người ở nhà cha vợ lâu đều là hạng hèn hạ. Nay chưa tới lúc quá căng thẳng, nên đi ngay". Phong cho là phải, thưa với Triển, Triển muốn giữ con gái lại, nàng không nghe. Cha và anh đều tức giận, không cho xe ngựa đưa về, cô gái bỏ tiền riêng ra mua ngựa mà về. Sau đó Triển gọi về thăm nhà nhưng cô gái từ chối, đến khi Phong thi đỗ Hiếu liêm mới qua lại với nhau.
Dị Sử thị nói: Quan càng nhỏ thì càng tham, đó cũng là chuyện thường tình chăng? Nhưng nhận ba trăm đồng mà vu cho người ta tội thông gian, thì quả không còn sợ hãi gì hình phạt tàn khốc chốn dạ đài rồi. Cho nên mới bị cướp vợ yêu bỏ vào lầu xanh, sau cùng lại làm cho chết thảm, ôi đáng sợ thay!
← Ch. 123 | Ch. 125 → |