Vay nóng Tinvay

Truyện:Phong Thần Diễn Nghĩa - Chương 004

Phong Thần Diễn Nghĩa
Trọn bộ 100 chương
Chương 004: Giết giai nhân, Hồ Ly mượn lệnh
0.00
(0 votes)


Chương (1-100)

Siêu sale Lazada


Hôm sau, Tô Hộ viết thư phúc đáp Tây Bá Hầu và tặng Nghi Sanh một số vàng bạc, nhờ Nghi Sanh về thưa lại cho rành rằng mình đã nghe lời dâng con chuộc tôi.

Nghi Sanh từ tạ ra về, Tô Hộ đưa đón hơn hai dậm đường, rồi trở về nói với Hắc Hổ:

- Chúng mình sống trên tình nghĩa. Tây Bá Hầu đã tỏ lời khuyên giải, chúng mình không lẽ không nghe theo. Thực ra trước đây tôi có chủ trương liên minh với chư hầu chống lại Trụ Vương, nhưng hiện thời ý định ấy không còn nữa.

Sùng Hầu Hổ nói:

- Nếu hiền huynh đã quyết định như vậy thì phải đưa ái nữ vào chầu Thiên Tử cho sớm để khỏi bị cản trở.

Tô Hộ liền truyền lệnh sắm sửa đưa Ðắc Kỷ đến Triều Ca. Hắc Hổ nói:

- Việc của hiền huynh như vậy đã xong rồi. Tôi xin trở về thả Toàn Trung ra và bàn với ca ca tôi giải binh, đồng thời làm sớ dâng về triều để hiền huynh tiện bề dâng con chuộc tội. Hiền huynh chớ tính lui tính tới nữa mà hỏng việc.

Tô Hộ nói:

- Tôi có cảm tình với hiền đệ và nặng nghĩa với Tây Bá Hầu lẽ nào tiếc một đứa con gái hay sao? Hiền đệ cứ an lòng trở về, chúng ta còn nhiều ngày gặp gỡ.

Hai đàng chia tay trong luyến tiếc.

Hắc Hổ vừa ra khỏi thành, trở lại đại trại, quân thám thính hay được liền vào báo cho Sùng Hầu hổ hay.

Sùng Hầu Hổ lật đật mời Hắc Hổ vào hỏi:

- Vì sao em về được? Từ khi em bị bắt đến nay anh lo lắng không yên, thường ngày cho người dọ thám, nhưng không nghe tin tức gì cả.

Hắc Hổ nói:

- Tô Hộ chịu dâng con chuộc tội rồi. Chúng ta nên giải binh thôi. Em tuy bị bắt, nhưng Tô Hộ vẫn đối đải tử tế, không sao cả.

Sùng Hầu Hổ nghiến răng hỏi:

- Tô Hộ nghe lời thuyết phục của Tây Bá Hầu rồi sao? Thật đáng ghét. Nó trái lệnh Thiên Tử, nằm ở nhà không tốn một tên quân, chỉ viết một phong thư sai một tên quan quèn đem đến, thế mà được việc, còn ta hao tổn bao nhiêu xương máu mà công lao không thành. Chẳng lẽ bây giờ ta lại giải binh thì nhục nhã quá.

Sùng Hắc Hổ nói:

- Anh thật bất trí. Cùng một chư hầu lớn với người ta, anh ỷ tài đem quân chinh phạt đến nỗi hao binh tổn tướng như vậy, còn người ta chỉ viết một phong thư, không cần mất một mũi tên mà thành công. Anh không biết hổ thẹn sao? Thôi giải binh trở về, đừng nói nhiều nữa.

Sùng Hầu Hổ hậm hực nói:

- Em theo phe bọn chúng, không kể đến tình anh em nữa à?

Sùng Hắc Hổ giận dữ:

- Anh đã làm ô nhục giòng họ Sùng, từ nay em không còn muốn thấy mặt anh nữa.

Dứt lời, truyền quân thả Tô Toàn Trung. Tô Toàn Trung thấy Hắc Hổ tỏ tình như vậy rất mến phục, cúi đầu tạ ơn:

- Chú sanh cháu một lần, cháu coi ơn ấy như trời biển.

Sùng Hắc Hổ nói:

- Cháu về hối thúc phụ thân vào triều chầu vua cho sớm.

Toàn Trung đi rồi, Sùng Hắc Hổ mặt lầm lì kéo quân trở về. Còn Sùng Hầu Hổ lưỡng lự một chút, nhắm bề không xong, cũng giải binh trở lại đất Bắc, làm sớ dâng về triều tạ tội.

Toàn Trung vào thành Ký Châu ra mắt Tô Hộ.

Tô Hộ nói:

- Nay có thư Tây Bá Hầu khuyên giải, cha tính dâng em con cho thiên tử mà chuộc tội để cứu lấy giang san trăm họ. Lẽ nào tiếc một đứa con gái làm khổ nhân dân đất Ký Châu.

Toàn Trung nói:

- Giận là giận hôn quân không lo sửa đức trị dân thôi. Còn cá nhân dù phải hy sinh cũng chẳng hại gì. Nay phụ thân đã quyết định như vậy con đâu dám cãi.

Tô Hộ hỏi:

- Vậy thì con ở nhà quyền trị Ký Châu, sớm tối phải siêng năng chăm lo công việc, đừng sanh sự lôi thôi. Ðể cha đem em con dâng cho vua xong cha sẽ trở về.

Toàn Trung vâng lệnh. Tô Hộ trở vào hậu cung thuật rõ ý định mình cho phu nhân là Dương thị hay.

Dương thị khóc òa, nói:

- Con gái mình lâu nay chưa từng biết phép tắc triều đình, nay tiến cung biết có điều gì khổ thân không?

Tô Hộ nói:

- Phúc họa làm sao biết trước đưọc. Việc đến đâu hay đến đó, bây giờ đưa Ðắc Kỷ vào chầu vua để cứu đất Ký Châu nầy khỏi nạn đao binh đã.

Dương thị khóc mãi, Tô Hộ khuyên giải suốt đêm vẫn chưa nguôi.

Hôm sau, Tô Hộ chọn ba ngàn quân kỵ mã, năm trăm gia thần sắm sửa xe loan, bảo Ðắc Kỷ điểm trang lên kiệu ra đi.

Ðắc Kỷ nghe dạy nước mắt như mưa, lạy mẹ và anh từ giã bịn rịn hơn nửa ngày chưa ra khỏi cửa. Thế nữ hai bên khuyên dỗ, phu nhân mới chịu rời, bước vào phòng để cho Ðắc Kỷ ra đi.

Tô Toàn Trung theo đưa năm dậm mới trở lại. Tô Hộ cỡi ngựa theo sau xe loan, đàng trước trương một cây đại kỳ đề hai chữ "Quí Nhân".

Ðoàn ngựa nhắm hướng Triều Ca thẳng tới, trải không biết bao nhiêu khó nhọc, lúc xuống thác, lúc leo gềnh, lặn lội mấy ngày mới đến huyện Qua Châu.

Ngày kia, đoàn người ngựa đến trạm Ân Châu thì trời tối, dịch thừa được tin liền đón tiếp rước vào trạm nghĩ ngơi. Tô Hộ bảo dịch thừa dọn thính đường cho quí nhân nghĩ.

Chẳng dám dấu ngài, trạm nầy hơn ba năm nay có yêu tinh làm lộng, ai đi đường lỡ tối cũng không dám ngủ ở thính đường mà chỉ ngủ ở đại trại thôi. Vậy xin để quí nhân ngủ nơi đại trại mới bình yên vô sự.

Tô Hộ nói:

- Người quý của thiên tử, yêu tinh nào dám phá? Sẵn đây có nhà trạm lại ngủ trong trại coi sao được?

Dịch đường không dám trái mệnh, liền hối bộ hạ quét dọn nhà thính đường, thắp hương cho tan yêu khí, dọn một căn phòng rộng để cho quý nhân ngủ.

Tô Hộ dẫn Ðắc Kỷ vào phòng, có năm mươi thế nữ theo hầu hạ, năm trăm gia tướng theo canh cửa, ba ngàn binh mã đóng bên ngoài. Còn Tô Hộ thắp đèn nến ngồi trước nhà khách, nghĩ thầm:

- Chỗ này là trạm dịch, khách qua đường đi lại đông đảo, xung quanh dân chúng cư ngụ rất nhiều, thế mà bảo có yêu quái phá phách thật là chuyện lạ. Tuy nhiên ta cũng nên phòng bị là hơn.

Nghĩ như vậy, Tộ Hộ liền lấy cây roi đuôi beo để trên bàn, rồi ngồi xem sách.

Trời khuya, bên ngoài ánh sao lờ mờ, bốn bề đều yên lặng, chỉ còn một mình Tô Hộ thức mà thôi. Nghe tiếng trống trở canh xa xa vừa điểm. Tô Hộ nghi ngại trong lòng, cầm roi bước vào phòng xem chừng, thấy bọn thế nữ và tiểu thơ đều ngủ im lìm hết. Tô Hộ yên lòng, trở về ngồi xem binh thơ.

Qua một hồi lâu, Tô Hộ nghe trống trở canh hai, không thấy có động tĩnh gì cả. Tô Hộ ngồi xem sách mãi...

Trống canh ba vừa điểm, bỗng có một luồng gió lạnh toát thổi đến, ngọn nến gần muốn tắt rồi tỏ lại. Tô Hộ thấy lòng hồi hộp, toan xách roi chạy xuống phòng ngủ, thì đã nghe có tiếng la của bọn thế nữ hoảng hốt:

- Yêu quái! Yêu quái!

Tô Hộ vội xách roi cầm đèn chạy xuống, nhưng gió thổi tắt đèn, Tô Hộ phải hối quân thắp lên. Lúc xuống đến nơi thì thấy bọn thế nữ run cầm cập không nói ra tiếng.

Tô Hộ vén màn hỏi Ðắc Kỷ:

- Con có thấy yêu quái gì không?

Ðắc Kỷ thưa:

- Con đang chiêm bao nghe thế nữ la hoảng, còn chờ dậy thì thấy bóng đèn của phụ thân dọi vào, không thấy yêu quái gì cả.

Tô Hộ nói:

- Ðội ơn trời phù hộ cho con khỏi giật mình. Thôi con nghỉ đi.

Tô Hộ trở lại nhà khách cho đến sáng. Tô Hộ có biết đâu lúc đèn tắt thì Ðắc Kỷ đã bị hồ ly hớp hồn rồi nhập vào xác Ðắc Kỷ trả lời với Tô Hộ. Chính hồ ly tinh đã mượn xác Ðắc Kỷ báo Trụ Vương sau này mất nước.

Suốt đêm đi tuần không thấy yêu tinh gì hết. Tô Hộ mừng quá tự nhủ:

- Nếu con gái ta đêm nay có bề nào thì không khỏi mang tội với thiên tử.

Thật ra hiện Ðắc Kỷ chỉ còn cái xác thôi, phần hồn đã bị yêu tinh chiếm đoạt rồi. Tô Hộ lầm yêu tinh là con mình, thật tội nghiệp.

Sáng hôm sau lên đường, đi suốt mấy ngày đêm nữa mới đến Triều Ca. Tô Hộ truyền quân đóng trại nghỉ ngơi rồi sai người vào thành dâng sớ nhờ Hoàng Phi Hổ vào tâu với Trụ Vương xin dâng con chuộc tội.

Hoàng Phi Hổ bèn cho người mời hai cha con Tô Hộ nhập thành trước, còn quân sĩ thì đóng ở ngoài thành chờ lệnh.

Vưu Hồn, Bí Trọng hay tin Tô Hộ đem con chuộc tội, lại không thấy dâng lễ vật gì với chúng, thầm nói với nhau:

- Tuy đã đem con gái vào triều, nhưng tánh vua hờn giận không chừng, một lời nói của chúng ta cũng đủ làm cho mầy mất mạng đừng tưởng thế là xong. Rồi đây mầy sẽ biết hai đứa tao lợi hại bực nào.

Bấy giờ vua Trụ đang ngự tại đền Long Ðức, có kẻ hầu cận vào tâu:

- Có Bí Trọng xin vào yết kiến.

Trụ Vương cho vào. Bí Trọng vào lạy mừng và nói:

- Nay Tô Hộ đem con đến dâng để chuộc tội, hiện còn ở ngoài thành chờ lệnh.

Trụ Vương nổi giận mắng Tô Hộ:

- Ðồ thất phu vô đạo. Khi trước nhờ hai khanh bảo tấu, Trẫm mới tha chết đuổi về, nó lại dám đề phản thi ngoài ngọ môn, rồi chống lại binh trời. Tội ấy làm sao dung thứ được. Sáng mai Trẫm sẽ xử tội nó trước mặt triều thần cho rõ tội khi quân.

Bí Trọng tâu:

- Pháp luật đặt ra không phải dành riêng cho ai cả mà để trị chung cho cả nước. Nay Tô Hộ khi quân như vậy, nếu không xử trị thì luật nước đâu còn?

Trụ Vương nói:

- Khanh tâu rất phải. Ðể ngày mai Trẫm sẽ trừng trị kẻ tôi loàn ấy cho xứng đáng.

Bí Trọng từ tạ lui ra. Hôm sau, Trụ Vương lâm triều, bá quan vào chầu đủ mặt, Hoàng Môn Quan vào tâu:

- Có Tô Hộ xin vào yết kiến, và dâng con chuộc tội.

Trụ Vương cho đòi vào. Tô Hộ mình mặc áo tù, đầu không đội mão, quì lạy trước sân, tâu:

- Kẻ tội nhân đáng chết, xin bệ hạ rộng dung.

Trụ Vương vỗ án hét:

- Tô Hộ! Ngươi đã đề phản thi trước ngọ môn, trọn đời không vào chầu Thương. Sau đó Sùng Hầu Hổ cử binh vấn tội, ngươi còn dám ra binh sát hại binh triều, nay ngươi còn vào đây làm gì.

Dứt lời, hối võ sĩ dẫn Tô Hộ đem ra pháp trường xử trảm để bêu đầu răn chúng.

Quan Thừa Tướng Thương Dung quỳ tâu:

- Tô Hộ phản Thương, tội rất nặng. Song trước kia bệ hạ vì muốn chọn Phi Hậu mà làm Tô Hộ lỗi đạo. Nay Tô Hộ đã biết ăn năn, dâng con hối lỗi, tưởng bệ hạ cũng nên rộng lòng dung tha.

Bí Trọng cũng quỳ tâu:

- Xin bệ hạ truyền đòi Ðắc Kỷ vào chầu, nếu Ðắc Kỷ xinh đẹp, bệ hạ dùng được thì hãy xá tội cho Tô Hộ. Còn nếu Ðắc Kỷ dung nhan không đẹp ý, bệ hạ sẽ truyền giết cả hai cha con cũng được.

Trụ Vương khen phải, liền truyền Ðắc Kỷ vào chầu. Ðắc Kỷ được lệnh, bước tới trước ngai vàng quỳ lạy.

Vua Trụ trông thấy Ðắc Kỷ tóc mai da tuyết, mắt phụng má đào, lưng nhỏ dịu dàng, mày xanh tiên tuế, ngón tay như mũi viết, da mặt tợ phù dung, trong lòng mê mẩn.

Làn môi son hé mở, đôi mắt phụng liếc rất tình tứ, Ðắc Kỷ tâu:

- Tôi là con kẻ phạm tội xin vào chầu, chúc Thánh hoàng vạn tuế.

Vua Trụ vừa trông thấy dung nhan lạnh lùng, lại thêm tiếng nói thanh tao như chim hót, trong người có một cảm giác đê mê, không thể nào nói được. Ngồi chết điếng một lúc mới mở miệng truyền gọi bọn cung phi:

- Chúng bay hãy mau dẫn Tô nương nương đến lầu Thọ Tiên đợi Trẫm.

Ðắc Kỷ theo bọn cung phi bước vào khuất bóng sau rèm, đôi mắt nhà vua vẫn còn say sưa.

Giây lát, Trụ Vương phán:

- Tô Hộ đã biết hối cải, dâng con chuộc tội, Trẫm xóa bỏ hết lỗi lầm. Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ, Trẫm gia phong cho Tô Hộ thêm chức Quốc Thích, truyền mở tiệc nơi đền Hiển Khánh ba ngày để bá quan văn võ từ chức Thừa Tướng trở xuống đều đến đó làm lễ chúc mừng Quốc Thích. Xong tiệc, các quan đưa Quốc Thích dạo khắp Triều Ca, để cho dân chúng hoan hỷ, và sau đó hai quan văn, ba quan võ đại diện Trẫm đưa Quốc Thích về nước.

Tô Hộ cúi lạy tạ ơn. Trụ Vương liền bãi triều, lui về hậu cung.

Các quan triều thần thấy Trụ Vương đam mê sắc dục như vậy có ý không bằng lòng, nhưng vì Trụ Vương bãi triều quá sớm, không thể cản ngăn, đành trở lại đền Hiển Khánh để cùng các quan dự yến chúc mừng Tô Hộ.

Vua Trụ về cung Thọ Tiên ăn uống vui vầy với Ðắc Kỷ, đêm ấy loan phụng giao hòa rất tương đắc. Ý tình gắn bó như keo sơn.

Từ khi Ðắc Kỷ vào cung, vua Trụ ngày thì mở tiệc ăn chơi, tối đến vui riêng trong cung cấm, bỏ phế việc triều nghi, không hề để mắt đến những lời sớ của các quan nữa. Có ai vào xin ra mắt, vua Trụ cũng không cho.

Ngày qua tháng lại như thoi đưa, thì giờ đối với kẻ si mê sắc dục chẳng khác bóng câu qua cửa sổ. Loáng mắt đã hai tháng trời, vua Trụ không một lần ngự triều, cứ ở mãi trong cung Thọ Tiên vui riêng với Ðắc Kỷ. Bá quan dâng sớ chất đống cao ngập đầu, vẫn không thấy mặt rồng đâu hết. Như vậy lấy ai nghị việc?


Đấu Thần Tuyệt Thế

Chương (1-100)