Vay nóng Tinvay

Truyện:Phong Thần Diễn Nghĩa - Chương 062

Phong Thần Diễn Nghĩa
Trọn bộ 100 chương
Chương 062: Trương Sơn kế tiếp việc chinh Tây
0.00
(0 votes)


Chương (1-100)

Siêu sale Shopee


Nói về ải Tị Thủy, Hàng Vinh nghe tin Tô Hộ đầu Châu thì thất kinh, liền viết biểu dâng về Triều Ca cấp báo.

Ngày ấy gặp lúc quan đại phu Phương Kiển Xuân thâu sớ, xem thất kinh mắng lớn:

- Tô Hộ chịu ơn vua, lẽ nào bán chúa cầu vinh, thật không phải kẻ nhân nghĩa trên đời vậy.

Mắng rồi ôm sớ vào cung, tìm hỏi quan thị ngự:

- Chẳng hay Thiên Tử ngự tại đâu?

Quan Thị Ngự thưa:

- Thiên tử đang ở tại lầu Trích Tinh.

Phương Kiển Xuân đến dưới lầu đợi chỉ. Tả hữu xem thấy tâu lại.

Trụ vương truyền đòi vào.

Kiển Xuân vào làm lễ ra mắt.

Trụ Vương phán hỏi:

- Khanh có chuyện gì cần tâu với trẫm đó?

Phương Kiển Xuân tâu:

- Quan Tổng binh ải Tị Thủy là Hàng Vinh vừa dâng sớ về triều báo tin Ký châu hầu Tô Hộ đã đầu Cơ Phát rồi. Hạ thần trộm nghĩ Tô Hộ chịu ơn thiên tử rất dày, nay lại đầu hàng địch, tội không phải nhỏ.

Trụ vương tiếp lấy tờ sớ, xem xong nổi giận hét lớn:

- Tô Hộ là hàng quốc thích, được trẫm trọng đãi mười phần mà còn bỏ trẫm đầu giặc thì biết còn ai tin được nữa. Thôi, khanh hãy lui ra, để trẫm liệu định.

Lúc ấy Ðắt Kỷ núp sau màn, hiểu rõ sự tình, đợi Phương Kiển Xuân đi rồi, liền bước ra quì mọp trước mặt Trụ Vương khóc lớn nói:

- Thiếp ở chốn thâm cung, nhờ ơn vua yêu dấu, dẫu nghiền xương, lóc thịt đền bù vẫn chưa xứng đáng. Nay chẳng biết cha thiếp nghe lời ai mà đầu Châu, thật tội đáng tru di cả họ. Xin bệ hạ chém đầu thần thiếp bêu ngoài cửa thành mà chịu tội với thiên hạ, họa may bá quan, trăm họ thấy được đức công minh của Bệ hạ mà trọng xã tắc trải lòng trung. Ðó là thần thiếp đem chút ơn mọn đáp lại thâm ân.

Nói rồi cúi mặt trên đầu gối của Trụ vương khóc thảm thiết.

Trụ vương xem thấy động lòng, đỡ Ðắt Kỷ dậy và nói:

- Ái khanh ơi! Tô Hộ đầu Tây Kỳ chẳng liên can gì tới khanh cả, vì ái khanh lâu nay ở trong thâm cung, làm sao rõ được lòng cha. Ái khanh hãy đứng dậy, đừng buồn rầu mà hao tổn tinh thần. Dầu trẫm có mất hết giang sơn cũng không phải do ái khanh mà sợ.

Ðắt Kỷ lau nước mắt đứng dậy tạ ơn.

Sáng hôm sau, Trụ vương lâm triều phán hỏi bá quan văn võ:

- Tô Hộ phản trẫm đầu Châu, tội rất trọng. Ai dám thay mặt trẫm đem binh đến Tây Kỳ bắt Tô Hộ gia hình.

Quan đại phu Lý Ðịnh tâu:

- Khương Thượng nhiều mưu trí, khéo dụng binh nên những tướng cầm binh chinh phạt Tây Kỳ, nếu không tử trận thì cũng hàng đầu, chưa ai có thể rửa nhục Triều đình. Nay phải dùng tướng giỏi mới mong thắng giặc. Tôi xin tiến cử Trương Sơn, người này chinh chiến đã lâu, tánh tình cẩn thận, nếu cầm binh chinh phạt có thể dẹp loạn ban sư.

Vua Trụ nghe nói mừng rỡ liền hạ chiếu sai người đem đến ải Tam Sơn, phong Trương Sơn làm Nguyên soái cử binh đánh Tây Kỳ.

Thiên sứ vâng lệnh đến ải Tam Sơn thì trời đã tối, bèn vào quán trọ nghỉ ngơi, rạng ngày mới sai quân vào báo tin cho Trương Sơn biết.

Trương Sơn nghe có chiếu vua đến, vội dẫn hai tướng là Lý Cẩm và Tiên Báo đồng đến quán trọ rước thánh chỉ đem về phủ, đặt bàn hương án quỳ nghe Thiên sứ tuyên đọc:

"Chinh phạt là quyền thiên tử, thành công nhờ chức Nguyên nhung. Cơ Phát xưng vương tại Tây Kỳ, nghe lời Tử Nha nghịch mạng. Binh triều thường thất trận, quân giặc lại lớn oai. Quả nhân muốn thân chinh, nhưng triều thần can gián chỉ rằng sức tướng còn có thể đạp nổi Tây Kỳ, không muốn động đến xe rồng làm cho muôn dân khổ sở.

Nay ý định tiến cử Trương Sơn thay mặt quả nhơn đem binh vấn tội. Vậy khanh rán sức để trẫm an lòng. Hễ ban sư trẫm sẽ chia đất thưởng công, chẳng quên lời bái tướng.

Nay chiếu."

Trương Sơn nghe đọc chiếu xong đứng dậy lạy tạ rồi đãi đằng Thiên sứ.

Tiệc mãn, thiên sứ từ giã ra về, Trương Sơn đợi Hồn Cẩm đến, giao ải cho Hồng Cẩm trấn giữ rồi mới cử binh ra đi.

Ngày ấy, Trương Sơn khiến Tiên Báo và Lý Cẩm làm tả hữu tiên phuông, dẫn mười vạn binh đi trước. Tang Nguyên và Mã Ðức là hai viên tướng cạnh theo sau. Binh thế mạnh như rồng, sức người như gió bão.

Trương Sơn ngày đi đêm nghỉ, chẳng bao lâu đã đến Tây Kỳ, liền truyền quân đóng trại nơi cửa thành phía Bắc, rồi họp chư tướng bàn kế ra binh.

Tiên Báo thưa:

- Quân ta đi đường xa ngàn dậm, mới đến nơi còn mệt mỏi, nếu Nguyên soái xuất quân gấp khó thắng trận đầu.

Trương Sơn khen:

- Tướng quân nói phải lắm, song cũng không nên chểnh mảng làm nhục lòng quân. Vậy thì cho quân sĩ canh phòng cẩn mật, đề phòng Tử Nha cướp trại.

Bấy giờ Tử Nha đang sai Tân Giáp sắm thêm khí giới cho kịp ngày bái tướng đăng đàn, lại truyền Hoàng Phi Hổ bảo thợ may làm một số cờ đỏ thật nhiều để dùng trong quân ngũ không để lộ một sắc cờ nào khác.

Hoàng Phi Hổ lấy làm lạ hỏi:

- Cờ xí là con mắt của quân binh. Xưa nay ra trận ai cũng dùng cờ ngũ sắc để phân biệt trước sau tả hữu, và nhờ đó hàng ngũ khỏi lộn xộn. Nếu Thừa Tướng dùng một màu đỏ thì quân sĩ sẽ không phân biệt được Nam, Bắc, Ðông, Tây, khó bề tấn thối. Hay là Thừa Tướng có mưu kế gì khác xin chỉ rõ cho tôi biết?

Tử Nha vừa cười vừa nói:

- Vì tướng quân chưa hiểu: Màu đỏ thuộc hỏa, mà chúa ta ở phương Tây thuộc kim. Loài kim không có lửa rèn thì chẳng thành khí được. Ấy là ngũ hành tương khắc mà tương sanh. Tuy ta dùng một màu cờ, nhưng ngù cờ thì lại có đủ năm sắc vàng, xanh, trắng, đỏ, đen, quân binh ta sẽ nhìn vào ngù cờ mà phân biệt được Ðông, Tây, Nam, Bắc. Ta nghĩ không hại chi mà sợ.

Hoàng Phi Hổ khen:

- Ý kiến Thừa Tướng rất hay.

Bỗng có tám trăm chư hầu đều dâng biểu đến xin Võ vương hội tề tại Mạnh Tân để họp binh đánh Trụ.

Tử Nha nói với các tướng:

- Việc này cần phải dè dặt, vì ta e chúa công còn kính nhà Thương, không nỡ đem binh phạt Trụ.

Giữa lúc Tử Nha và các tướng đang bàn luận thì có quân thám mã vào báo:

- Trụ vương sai Trương Sơn làm Nguyên soái đem binh phạt Tây Kỳ, hiện đã kéo đến nơi và đóng trại ở Bắc môn.

Tử Nha hỏi Ðặng Cửu Công:

- Trương Sơn dụng binh như thế nào?

Ðặng Cửu Công thưa:

- Trương Sơn làm Nguyên soái, trước đây thay tôi trấn Tam Sơn. Người nầy chỉ có sức mạnh, chớ không có phép tắc gì hết.

Qua bữa sau có tin Trương Sơn kéo quân đến trước thành khiêu chiến.

Tử Nha hỏi các tướng:

- Ai muốn ra đánh trận đầu?

Ðặng Cửu Công xin xuất trận.

Tử Nha nhận lời, Ðặng Cửu Công kéo binh ra thành, thấy một tướng mặt đỏ, tay cầm siêu đao, xem lại là Tiên Báo.

Ðặng Cửu Công kêu lớn nói:

- Tiên tướng quân, hãy về nói với Trương Sơn ra đây cho ta nói chuyện.

Tiên Báo điểm mặt Cửu Công mắng rằng:

- Phản tặc! Thiên tử không phụ ngươi, phong làm đại tướng, ngươi không biết đền ơn đáp nghĩa lời đầu giặc đánh vua, còn mặt mũi nào sống trong trời đất

Ðặng Cửu Công bị mắng hổ thẹn, không biết lời nào cãi lẽ, túng thế phải nói đùa:

- Tiên Báo! Ngươi là đứa thất phu, biết chi mà nói phách, rất đỗi Văn Thái Sư còn không bảo tồn tánh mạng, huống chi các ngươi là lũ chuột, sức mấy mà dám phạt Tây Kỳ.

Nói rồi vung đó tới chém, Tiên Báo rán hết sức chống đỡ.

Ðánh được ba mươi hiệp Tiên Báo thương pháp rối loạn bị Ðặng Cửu Công chém một đao rơi đầu. Binh Thương vỡ loạn, Ðặng Cửu Công xách đầu Tiên Báo về nạp cho Tử Nha, Tử Nha mừng rỡ truyền dọn tiệc khao thưởng.

Trương Sơn hay tin Tiên Báo bị Ðặng Cửu Công chém giữa trận, nổi giận kéo quân đến thành khiêu chiến, quyết giết Ðặng Cửu Công trả thù cho Ðại tướng.

Quân vào báo lại với Tử Nha, Ðặng Cửu Công xin xuất trận.

Ðặng Thiền Ngọc xin theo cha lược trận.

Ðặng Cửu Công vừa ra khỏi cửa thành.

Trương Sơn trông thấy mắng lớn:

- Phản tặc! Triều đình chẳng phụ ngươi, sao ngươi trở lòng đầu giặc. Ta quyết bắt ngươi đưa về Triều Ca cho vua xử tội.

Ðặng Cửu Công nói.

- Ngươi làm đại tướng mà không biết thời vận, khác chi trâu ngựa mặc áo quần, Trụ vương thất đức ham dâm vô đạo, các chư hầu phản Trụ đầu Châu. Còn ngươi khư khư treo phò một kẻ bạo ngược, trái lòng trời nghịch ý dân, sao gọi là chính nghĩa. Nếu nghe lời ta nói, xuống ngựa đầu Châu cũng không mất công hầu mà giữ tròn tánh mạng bằng cãi lời ta ăn năn không kịp.

Trương Sơn nổi giận mắng:

- Thất phu! Ðã phản vua phản nước còn dụng lý lẽ dụ người. Ta không bắt ngươi nghiền xương, ta không phải tài làm đại tướng.

Nói rồi đâm một giáo. Ðặng Cửu Công đưa thương ra đỡ. Ðánh được ba mươi hiệp, Ðặng Cửu Công toát mồ hôi, không sao bì lại sức mạnh của Trương Sơn.

Thiền Ngọc biết cha mình yếu sức, liền ném vào mặt Trương Sơn một cục đá.

Trương Sơn bị Ngũ quang thạch trúng nhằm sống mũi, gần té xuống yên, thất kinh quất ngựa chạy dài.

Cha con Ðặng Thiền Ngọc đại thắng thâu quân vào thành.

Trương Sơn mặt sưng húp, về đến dinh nằm lì một đống, lòng căm tức không sao vui được.

Bỗng có quân vào báo:

- Có đạo sĩ đến trước dinh xin ra mắt.

Trương Sơn truyền mời vào thấy người ấy là một đạo nhân, đầu chừa hai vá, vai mang một lưỡi gươm, bước tới thi lễ. Trương Sơn gượng ngồi dậy cúi chào.

Ðạo sĩ thấy mặt Trương Sơn sưng vù sống mũi bầm đen, liền hỏi nguyên do.

Trương Sơn nói:

- Tôi ra trận đánh với Cửu Công, bị nữ tướng lén quăng vào mặt tôi một cục đá, làm cho mặt mày đổ lửa phải bại tẩu chạy về.

Ðạo sĩ mỉm cười nói:

- Ðể tôi cho một chút thuốc lành liền.

Nói rồi lấy thuốc hòa với nước xức vào mặt Trương Sơn. Giây lát mặt Trương Sơn không còn đau đớn gì nữa.

Trương Sơn mừng quá hỏi thăm:

- Ðạo sư từ đâu đến?

Ðạo sĩ nói:

- Ta là Võ Dực tiên ở Bồng Lai đảo đến đây giúp sức với tướng quân.

Trương Sơn mừng rỡ nói:

- Nếu vậy thì thật may mắn.

Rạng ngày Võ Dực tiên đến thành mời Tử Nha ra nói chuyện.

Quân vào báo.

Tử Nha nói:

- Ta bị ba mươi sáu đạo binh đến đánh Tây Kỳ, nay tính đã được ba mươi hai đạo rồi, còn bốn đạo nữa không lẽ từ chối.

Nói rồi truyền các tướng kéo binh ra thành.

Na Tra với Hoàng Thiên Hóa đi một cặp, Kim Tra với Mộc Tra đi một cặp, Vi Hộ với Lôi Chấn Tử đi một cặp, Dương Tiển và Thổ Hành Tôn đi sau cùng.

Tử Nha đến trước trận vòng tay chào Võ Dực tiên, và nói:

- Chẳng hay đạo hữu danh hiệu là chi? Ðến đây dạy lẽ nào xin cho biết?

Võ Dực tiên nói:

- Bần đạo ở núi Bồng Lai, hiệu là Võ Dực. Còn ngươi có phải là Tử Nha, học trò của Nguyên Thỉ tại núi Côn Lôn không? Ta không can hệ gì đến ngươi, sao ngươi dám hăm ta, đòi rút gân và nhổ lông cánh. Ngươi cậy quyền phép nào mà khinh ta như vậy?

Tử Nha bái và thưa:

- Ðạo hữu nghe lầm, trách oan tôi như vậy, chớ thực tình tôi chưa từng quen với đạo hữu bao giờ, chưa biết đạo hữu là ai, làm gì có chuyện hăm dọa.

Võ Dực tiên nghe Tử Nha nói, cúi đầu ngẫm nghĩ:

- Tử Nha nói cũng phải, có lẽ Thân Công Báo đã gạt ta chăng!

Liền ngó Tử Nha tỏ ý dò xét:

- Ngươi nói nghe cũng có lý, song chẳng lẽ người ta đặt chuyện vu vơ? Ta cho ngươi biết, lần sau chớ vô lễ như vậy. Nếu không chừa thói ấy, chắc ta không dung tình. Thôi ngươi hãy về thành, ta cũng trở về núi.

Tử Nha chưa kịp truyền lịnh lui binh.

Na Tra nghe giọng nói tự cao tự đại của Võ Dực tiên không sao chịu nổi lướt tới nói lớn:

- Yêu đạo! Ngươi dám khi dễ sư thúc ta như vậy à!

Vừa nói vừa đâm Vô Dực tiên một giáo.

Võ Dực tiên trợn mắt nhìn Tử Nha:

- Nếu vậy ngươi ỷ có thằng oắt con này khinh bỉ ta.

Nó rồi vung gươm chém lại.

Hoàng Thiên Hóa giục kỳ lân đến đánh tiếp một chùy, Lôi Chấn Tử quạt cánh bay lên trời giáng xuống một côn, Thổ Hành Tôn cũng chạy về trợ chiến. Rồi Dương Tiển giục ngựa vào chém một đao, áp vây Võ Dực tiên chẳng khác kiến bâu cục đường.

Na Tra quăng Càn Khôn Quyện đánh nhằm vai Võ Dực tiên, Hoàng Thiên Hóa phóng Toàn Tâm đinh khoan lủng cánh tay mặt.

Thổ Hành Tôn đập trên đùi một gậy, Dương Tiển quăng Hạo Thiên Khuyển cắn cổ.

Võ Dực tiên la lên một tiếng vội vàng độn thổ đi mất.

Tử Nha cũng thâu binh về thành thưởng công các tướng.

Võ Dực tiên về đến trại Trương Sơn ra nghênh tiếp và an ủi:

- Ðạo trưởng hôm nay vì mắc kế nên mới bị thương. Việc binh gia thắng bại lẽ thường, có gì lo lắng.

Võ Dực tiên nói:

- Ta sơ ý không để phòng, bị chúng nó ỷ đông làm hỗn.

Nói rồi lấy thuốc trong giỏ hoa lam uống vào ít hoàn, chẳng bao lâu thương tích đều lành mạnh.

Võ Dực tiên nói với Trương Sơn:

- Ta vì lòng từ bi không nỡ sát hại, thế mà bọn này cố xúc phạm, ta không thể bỏ qua. Thôi, hãy đem rượu ra đây cho ta uống rồi đêm nay ta dùng phép làm cho thành Tây Kỳ hóa ra biển lửa, không một người nào sống sót nổi.

Trương Sơn mừng rỡ, hối quân dọn tiệc đãi đằng Võ Dực tiên cho đến lúc mặt trời lặn.

Bấy giờ Tử Nha ngồi trong trướng phủ, xảy thấy một trận gió thổi tới làm rơi miếng ngói trước thềm liền đánh tay xem, biết thành Tây Kỳ có nạn, liền vội tắm rửa cầm gươm làm phép đảo hải, đem nước biển Bắc đổ vào thành Tây Kỳ.

Còn Nguyên Thỉ hay việc ấy cũng vội lấy bình lưu ly đựng nước Tam quang thần thủy đổ trên biển Bắc, trợ lực Tử Nha.

Ðến canh ba, Vô Dực tiên hiện thành hình chim đại bàng, xòe hai cánh che khuất nửa khung trời, xem thấy trên thành Tây Kỳ đầy nước biển, thì cười ngất, nói:

- Khương Thượng dốt nát, không rõ sức lực của ta. Dẫu nước bốn biển dồn lại đây ta tát một hồi cũng hết, sá gì một biển mà đỡ được cả thành sao?

Nói rồi rán sức bình sanh, hai cánh quạt một lượt. Quạt bảy tám chục cái, xem lại không cạn chút nào.

Võ Dực tiên cứ tát mãi cho đến canh năm, coi lại trời đã sáng mà nước vẫn y nguyên.

Báo hại Vỡ Dực tiên lông lá ướt đẫm, mệt muốn đứt hơi, lòng đói như cào, thở dài:

- Ta không ngờ có chuyện lạ lùng như vậy. Nay trân thế ta ra nổi nầy, nếu trở vào dinh, tướng sĩ trông thấy sẽ chế nhạo ta không ít, chi bằng tìm nơi nào thanh vắng, kiếm vật thực lót lòng, đợi mình mẩy khô khan rồi sẽ tính kế khác.

Nghĩ rồi vỗ cánh bay sang một hòn núi kia, thấy một đạo sĩ đang ngồi dưới chân núi, hình như lâm dâm tụng niệm gì đó.

Võ Dực tiên vì đói quá sanh ra bạo tàn, tính bắt lấy đạo sĩ ấy ăn cho đỡ dạ.

Ðạo sĩ ngồi đưới chân núi, thấy một con chim Ðại bàng giơ vút nhọn bay xớt qua tính bắt mình, liền chỉ một cái, tức thì Ðại bàng sa xuống đất.

Ðạo sĩ đưa tay lau mặt, và nói:

- Ðại bàng điểu! Ngươi dám toan xợt ta sao?

Võ Dực tiên thưa:

- Không dám giấu đạo sư, tôi đi đánh Tây Kỳ đói quá, không có vật gì lót lòng, tính làm hổn, không dè thầy pháp thuật cao siêu, xin rộng tình dung thứ.

Ðạo sĩ nói:

- Nếu đói bụng sao không nói cho ta biết đặng ta chỉ chỗ cho, lại đi làm chuyện vô đạo như vậy. Nhưng thôi, ngươi có đói bụng thì hãy bay xuống núi Tử Vân cách đây hai trăm dậm, hiện có các thầy tu đang làm chay, không thiếu chi đồ ăn. Vậy ngươi hãy đi mau kéo trể.

Võ Dực tiên lạy tạ liền vỗ cánh bay bổng rồi sa xuống núi Tử Vân, hiện nguyên hình thì thấy các đạo sĩ đang ngồi nói chuyện, xảy có một đạo đồng bưng nước đi lên.

Vô Dực tiên bước đến nói:

- Tôi mới đi đến.

Ðạo đồng nhìn vào mặt Võ Dực tiên nói:

- Ðạo sĩ thật xui xẻo, phải chi đến sớm một chút nữa thì cỗ bàn còn, bây giờ thì cỗ bàn hết, biết làm sao.

Võ Dực tiên hầm hầm nói.

- Ðừng bào chữa, ngươi lựa người mà đãi thì sao gọi là công bình.

Ðạo đồng nói:

- Nay lỡ bữa hết, xin thầy mai đến sớm.

Võ Dực tiên trợn mắt cãi lại.

Một đạo sĩ trông thấy hỏi, đạo đồng thưa:

- Có một đạo sĩ đến muộn, cỗ bàn hết không còn đãi đằng, nên đạo sĩ này la lối chớ không có chuyện gì xảy ra cả.

Ðạo sĩ hỏi đạo đồng:

- Ngươi hãy xem lại coi còn bánh trái gì không?

Ðạo đồng nói:

- Dạ. Bánh thì còn.

Võ Dực tiên nói:

- Nếu còn bánh thì đem đây cũng được.

Ðạo đồng đi vào bưng ra một mâm bánh.

Võ Dực tiên ngồi xuống ăn hết tám chục cái bánh.

Ðạo đồng lại hỏi:

- Ðạo sĩ dùng nữa thôi?

Võ Dực tiên nói:

- Nếu còn đem thêm càng tốt.

Ðạo đồng liền đem bánh ra.

Vô Dực tiên ăn đến một trăm lẻ tám cái mới thôi.

Ăn uống no nê, Võ Dực tiên hiện hình chim bay đi, ý muốn về Tây Kỳ đánh phá, nhưng khi bay ngang qua lão đạo sĩ lúc nãy, bị ông ta chỉ tay một cái, Võ Dực tiên không còn bay được nữa nên sa xuống và la lớn:

- Ôi! Ðứt ruột tôi! Chắc chết quá đạo sĩ ơi!

Vừa la Võ Dực tiên vừa lăn lộn, ôm bụng kêu gào, vẻ mặt thật đáng thương hại.


Stickman AFK: Liên Minh Bóng Đêm

Chương (1-100)